Những chuyến phà 'đánh đu' với thần chết - Kỳ 2: Đừng để 'nhanh một bước nhưng chậm cả đời'

Không một quy định an toàn nào được tuân thủ khi lên tàu, tất cả chỉ muốn cập bến thật nhanh mà quên đi rằng, nhiều khi nhanh một bước nhưng có thể chậm cả đời.

“Không chứng kiến chìm phà nên không sợ”

Mặc dù bến phà Vạn Phúc có ghi rõ nội quy khách qua phà phải mặc áo phao; khi xuống phà phải tuân theo chỉ dẫn của thuyền viên, phương tiện động cơ xuống trước xe thô sơ và người đi bộ xuống sau; lên phà xe thô sơ và người đi bộ lên trước, xe động cơ lên sau. Tuy nhiên, tại đây người lên xuống phà lại tấp nập như đi hội.

Xe máy, xe ô tô người đi bộ thi nhau lên xuống, xen vào giữa là những người đi bộ chen lấn, mạnh ai nấy tiến trong khi nhân viên phà lại không một câu lên tiếng.

Khi xuống phà người điều hướng ngồi im mặc cho xe máy, người đi bộ và ô tô đều chen nhau đi xuống rất nguy hiểm. (Ảnh chụp tại bến phà Vạn Phúc)

Khi xuống phà người điều hướng ngồi im mặc cho xe máy, người đi bộ và ô tô đều chen nhau đi xuống rất nguy hiểm. (Ảnh chụp tại bến phà Vạn Phúc)

Chưa dừng tại đó, cảnh tượng trên phà cũng không khá hơn. Chỉ một lần đi những chuyến phà này dù không cố tình quan sát thì cũng có thể nhận ra cảnh kẻ đứng người ngồi. Có người đứng ở lan can cũ rích tạo tiếng kêu ọt ẹt để “hóng gió”, người ngồi im trên xe máy trong tư thế sẵn sàng phi sang bờ bên kia, người đứng ở mũi phà nôn nóng... Và mặc nhiên, những chiếc áo phao thấm màu sương gió vẫn xếp xó nằm im tại chỗ. Vật quan trọng bỗng trở nên dư thừa trên những chuyến phà qua sông.

Chưa hết, khi xuống phà lại một "cuộc chiến" mới bắt đầu mà ở đó ô tô, xe máy chen ngang, còi inh ỏi như một chiến trường. Người đi bộ cũng cố lao lên bờ trước, trong khi xe máy, ô tô chen ngang. Một cảnh tượng mạnh ai nấy đi náo loạn cả khúc sông khiến những ai còn có trách nhiệm cũng đều phải ngao ngán lắc đầu.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân tại bến đò Hữu Bị (Nam Định – Thái Bình) cho biết, phà này chỉ chở người và xe máy, nhưng chủ đò lại nhận thêm cả xe ô tô và xe tải với giá rất cao, có khi chở cả 2 xe tải một lúc.

“Chuyện chen lấn xảy ra như cơm bữa, có vài lần bị xe máy lao nhanh vào chân nhưng cũng không phản ứng gì, ai cũng chỉ muốn lên bờ cho nhanh nhất. Mấy lần bị như thế càng làm tôi muốn lên nhanh hơn, đi thật nhanh khi phà cập bến sẽ không bị xe máy hay xe đạp đâm vào chân”, Chị Hà (xã Vạn Phúc) cho hay.

Còn anh Quốc Nam, một người đi cũng đưa ra nhận xét: “Đò ở đây nhỏ thôi, nhưng cứ thấy xe ô tô là họ sang liền. Cô đi ô tô vào đây làm gì, giá vé xe ở đây rất cao thà đi đường Tân Đệ sang Thái Bình còn nhanh hơn. Đò ở đây chủ yếu chở người lao động, đông nhất lúc sáng sớm và chiều tối...”.

Trong khi anh Nam (Vũ Thư – Thái Bình) lại cho rằng: “Tàu thuyền qua lại thường xuyên, tình trạng đắm, chìm phà chưa hề có, chúng tôi chưa chứng kiến nên cũng thấy bình thường...”

Bến đò Hữu Bị nhận chở otô, hành khách vô tư ngồi trên lan can tàu bất chấp nguy hiểm.

Trên phà, cũng tình trạng chung, chẳng ai mảy may đến 3 chiếc áo phao treo lơ lửng ở lan can tàu, thậm chí nhân viên thu tiền phà còn cho rằng: “Chẳng cần phải mặc vì có nguy hiểm đâu, ở đây chưa có vụ chìm tàu nào, tàu như thế này làm sao có chuyện gì được. Hơn nữa khách mặc vào xong tháo ra vứt bừa bãi lại phải dọn làm mất thời gian của những khách sau”.

Một vị khách nói thêm: “Mặc áo phao làm gì, vừa mặc vào thì đã lên đến bờ bên kia lại tháo ra rất mất thời gian”.

Nói đến chuyện này hẳn độc giả còn nhớ vụ chìm tàu ở Sewol Hàn Quốc ngày 28/7/2014 khiến nhiều học sinh bị chết. Trong đó, nguyên nhân khiến 304 người thiệt mạng được cho một phần bởi hành khách không mặc áo phao và không có đủ áo phao cho tất cả. Thậm chí, một số học sinh cho biết, khi chiếc phà gặp nạn, không có một sự giúp đỡ nào của thành viên lái tàu.

Chưa “mất bò” nên chưa lo “làm chuồng”

Trên bến Sa Cao từ Vũ Thư (Thái Bình) sang Xuân Trường (Nam Định) đã từng xảy ra tình trạng va tàu khiến những khách hàng tại chuyến tàu NĐ 1094 ai cũng thót tim.

Trên con phà nhỏ đã có khoảng 10 chiếc xe máy và nhiều khách đi bộ, thuyền viên vẫn cố dồn khách để cho chiếc

Theo thông tư số 15/2012/TT của Bộ Giao thông vận tải, điều số 5: Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.

xe ô tô con lên. Đặc biệt chiếc phà này không hề có áo phao và các dụng cụ cứu sinh mặc dù biển “khách hàng phải mặc áo phao khi lên phà” rất to và rõ ràng. Khi đã đầy ắp người và xe, người lái phà đứng dưới bị che tầm nhìn của khách hàng chen chúc đứng trên nhưng vẫn điều khiển lái phà theo cảm tính. Bỗng “rầm” đuôi phà đâm phải phà bên cạnh khiến khách hàng điêu đứng. Một người đàn ông vì cú đâm mạnh đã bị ngã và đổ xe, nếu như lúc đó anh ta đứng sát sườn có lẽ cả người và xe đã lao xuống dòng sông.

Chứng kiến cảnh tượng đó, người lái vẫn quay đầu đi tiếp mặc kệ người thanh niên dựng xe và đau đớn. Thanh lan can sắt lỏng lẻo ngắn đến hông một người lớn, nếu không bám vững vào xe thì đứng đó gió có thể thổi bay. Thuyền viên thu vé nói rằng: “Cứ bám chặt vào là được, không có ao phao mà mặc đâu...”.

Chị Huyền thót tim nói: “Cảnh tượng vừa nãy sợ quá, may cũng không đi ở đây nhiều nên không sao...”

Trên mỗi chuyến phà không treo biển ghi trọng tải cho phép. Vì có quá nhiều ô tô chiếm hết chỗ đứng trên phà nên những người đi xe máy, xe đạp và người đi bộ phải tìm những chỗ trống len lỏi trên phà để đứng chen chúc nhau. Tất cả các phà đều không có áo phao, có những chuyến phà đông, nhiều người ngồi trên xe máy sát mũi chỉ một va chạm nhẹ là có thể ngã xuống dòng nước chảy xiết bất cứ lúc nào.

Chuyện này vẫn chưa đáng sợ bằng những hành khách ngồi trên xe, có những chuyến xe chở đến bốn chục, năm chục khách, khi di chuyển lên phà vẫn để nguyên khách ngồi trong xe, có người ngủ gà ngủ gật. Và theo sắp xếp của các tài công lái phà, các chiếc xe này được sắp nằm sát đầu, sát hông với nhau, chỉ khi nào chiếc xe đậu trước chuyển bánh thì xe sau mới nhích lên được một chút.

Đó là chưa kể đến tình trạng nhét hành khách chật cứng giống y hệt xe bus trên bộ. Nhưng một khi tàu dưới nước chở quá tải thì mức độ nguy hiểm gấp cả ngàn lần xe bus trên bộ.

Chiếc tàu NĐ - 1358 tại bến phà Sa Cao những hàng khách bất chấp song hành cùng phi xe xuống mặc dù phà chưa kịp cập bế và buộc dây an toàn.

Trên một chuyến tàu khác, khi hỏi nữ nhân viên thu tiền vé về áo phao trên phà cô vô tư trả lời: “Từ trước đến nay chưa bao giờ có vụ chìm tàu nào, tàu ở đây an toàn nên người không cần mặc áo phao...”

Biết những nguy hiểm rình rập quanh mỗi chuyến phà, nhưng những hành khách đều ngó lơ, phó mặc cho số phận. Ngay từ ban đầu, những thuyền viên đã không quy định nghiêm khắc đối với hành khách, khách hàng cũng không đòi hỏi quyền lợi của mình, tình trạng này không chỉ diễn ra ở một nơi mà còn diễn ra tại hầu hết các bến phà.

Chiếc phà NĐ 1094 thuyền viên cố dồn khách để cho oto lên quá trọng tải nên đã va đập với thuyền bên cạnh.

Song để khắc phụ tình trạng này, không giải pháp nào hữu hiệu bằng cách người dân tự nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông đường thủy của mình. Nhất là trong nhiều trường hợp, nhận thấy sự thiếu an toàn, nên yêu cầu thuyền trưởng đưa áo phao, những dụng cụ cứu sinh chứ đừng vì ngại chờ đợi 5 – 10 phút mà liều lĩnh không nên tiếng để rồi đón nhận những hậu quả khôn lường.

Ông Dương – người bán nước tại bến phà Sa Cao cho hay: “Bình thường chẳng thấy ai mặc hay đòi hỏi về việc mặc áo phao, chỉ đến khi có đoàn chức năng đến kiểm tra thì mới phát áo phao cho mọi người, sau đó lại đâu vào đấy...”

Gần đây nhất vào ngày 15/8, du khách tại khu vực bãi tắm Cát Cò 1 (Cát Bà, Hải Phòng) được phen hoảng loạn khi chứng kiến tàu kéo đẩy và phà bị sóng đánh dạt vào bãi tắm. Lúc này, sóng biển dâng cao, chiếc phà và tàu kéo bị đánh bật vào bãi tắm Cát Cò 1 và nằm sát mép bờ biển. Rất may không có du khách nào bị thương, tuy nhiên hình ảnh những chiếc áo phao nằm la liệt trên khoang tàu và nguy cơ xảy ra sự cố vỡ phương tiện, tràn dầu khiến mọi người rùng mình, thót tim.

Cuộc sống của người dân dọc sông Hồng gắn liền với sông nước và những chuyến đi về trên sông. Tuy nhiên từ những câu chuyện trên có thể thấy hầu hết người dân đang thờ ơ với chính mạng sống của mình còn cơ quan quản lý thì đang mải mê với những việc khác. Biết đến bao giờ người dân mới thực sự an toàn trên những chuyến phà ngang, đừng để nhanh một bước nhưng chậm cả đời.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nhung-chuyen-pha-danh-du-voi-than-chet--ky-2-dung-de-nhanh-mot-buoc-nhung-cham-ca-doi-d135834.html