Những chuyến tàu 'hồi sinh' sự sống

Mỗi khi những chiếc tàu cứu nạn hú còi vươn khơi sẽ mang theo những hy vọng về sự sống và là điểm tựa vững chãi cho ngư dân 'vươn khơi, bám biển'...

Cứu nạn 10 thuyền viên tàu BTh 99987 Ts bị hỏng máy chính trên vùng biển gặp áp thấp

Khóc như đứa trẻ khi gặp tàu cứu nạn

Những ngày cuối tháng 8/2018, chúng tôi tình cờ chứng kiến cuộc hội ngộ xúc động giữa ngư dân Nguyễn Văn Quảng (sinh sống tại Hải Phòng) và những thuyền viên cứu nạn của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam. Ít ai biết, trước khi gặp nhau tay bắt mặt mừng, những con người ấy đã cùng nhau vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết ngoài khơi xa.

“Đó là ngày 13/10/2017. Tàu cá HP 9072 TS của tôi đang hoạt động trong khu vực vịnh Bắc bộ thì cơn bão Khanun bất ngờ vào biển Đông. Tàu bị nước tràn vào ở trạng thái nửa chìm, nửa nổi. Dù tôi và 3 thuyền viên khác đã làm mọi cách nhưng con tàu cứ chìm dần trong sự hoảng loạn của tất cả mọi người”, anh Quảng kể.

Cũng theo anh Quảng, lúc đó, những con sóng cao gần 3m, gió biển cấp 7-8 gầm rú kinh hoàng, tất cả chúng tôi đều chung suy nghĩ: “cửa tử” đã ở trước mắt. Lúc đó, chúng tôi chỉ còn mỗi việc là phát tín hiệu báo nạn và phó mặc số phận. Không ngờ sau đó, tàu SAR 411 kịp thời có mặt cứu hộ. Chúng tôi nhanh chóng được đưa lên tàu chăm sóc y tế. Còn những thuyền viên cứu nạn khác thì không quản sóng gió, mang bơm và các dụng cụ sang xử lý chống chìm cho chiếc tàu gặp nạn để lai dắt về bờ.

Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đã vinh dự được lựa chọn là tập thể điển hình duy nhất trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

“Khoảnh khắc được cứu sống giờ vẫn như trong mơ. Mừng hơn là chiếc tàu - gia sản lớn nhất của gia đình ngỡ đã “mất trắng”, nhưng nhờ sự tận tâm của những “người lính áo cam”, tôi đã giữ được tàu và cùng nó ra khơi những ngày sau đó”, anh Quảng xúc động chia sẻ.

Còn với ông Nguyễn Văn Thân (ngư dân ở Quảng Bình), may mắn lớn nhất trong suốt cuộc đời vượt gió, đội sóng đánh bắt ngoài khơi chính là thời khắc được những “chiến sỹ” tàu SAR 412 cứu kịp thời trong lần gặp nạn vào ngày 13/12/2017 tại vùng biển cách đất liền lên tới gần 100 hải lý.

“Tàu cá QB 92869 TS của tôi sau một ngày đêm hoạt động liên tục, gặp sóng to cấp 5-6 bị nước tràn vào. Thời điểm liên lạc được với Trung tâm cứu nạn cũng là lúc con tàu bị sóng nhấn chìm. 7 thuyền viên do đã vắt hết sức đánh bắt nên khi tai họa ập đến, chỉ còn biết bấu víu vào những chiếc thuyền thúng thô sơ. Ai nấy đều tuyệt vọng và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. May mắn, sau 5 tiếng lênh đênh giữa biển khơi, tàu SAR 412 đã đến kịp thời cứu vớt chúng tôi về với gia đình. Cả 7 người, ai cũng khóc như đứa trẻ vào thời khắc được sống lại”, ông Thân nhớ lại.

Mới đây nhất, anh Vũ Đức, thuyền viên tàu cá ĐNa 90105 TS cũng đang sống trong chuỗi ngày hạnh phúc bên gia đình vì mới được tàu SAR 412 ứng cứu thành công khi gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa vào ngày 1/9 vừa qua. “Trong lúc đánh bắt tại vị trí cách đảo Tri Tôn khoảng 70 hải lý, tàu chúng tôi bị trục trặc hộp số. Sau 2 ngày không thể tự khắc phục, lương thực và nước ngọt cạn kiệt, tinh thần anh em trên tàu bắt đầu bị xao động khi di chuyển trong vùng an ninh phức tạp. Nhưng tàu SAR 412 đã có mặt đúng lúc giải nguy cho 6 thuyền viên. Tàu cá của gia đình cũng được đưa về bờ an toàn để sửa chữa và đang chuẩn bị ra khơi chuyến tiếp theo”, anh Đức nói.

Ra khơi sợ nhất không đến kịp cứu người

Chia sẻ với Báo Giao thông nhân những ngày “trời yên, biển lặng” không phải hú còi ra khơi cứu nạn, anh Nguyễn Mạnh Dũng, thuyền trưởng tàu SAR 411 - biệt danh “sói biển” đã có 14 năm công tác trên những chiếc tàu SAR cho biết, trước mỗi chuyến tàu rời bến thực hiện công tác cứu nạn, tâm trạng của mọi thuyền viên đều bồn chồn, lo lắng. “Khi đã ra khơi, tất cả thuyền viên đều quên mình vì sứ mệnh cứu nạn và mong nhiệm vụ sớm hoàn thành. Ai cũng sợ nhất tình huống tàu cứu nạn không đến kịp và phải chứng kiến cảnh chết chóc, tang thương của ngư dân giữa biển khơi”, anh Dũng nói.

Đối với thuyền trưởng tàu SAR 412, khó khăn lớn nhất của Trung tâm Cứu nạn khu vực 2 (Đà Nẵng) là thực hiện ứng cứu ngư dân khu vực biển Hoàng Sa. “Còn nhớ lần ra Hoàng Sa cứu 2 tàu cá Bình Định gặp sự cố. Sau khi cứu xong một tàu phía Tây Hoàng Sa, tàu SAR 412 lại tiếp tục nhận lệnh cứu đồng thời tàu cá khác bị mắc cạn trên bãi san hô thuộc đảo Chim Én. Hòn đảo này nằm giữa Hoàng Sa, tình hình an ninh phức tạp. Khi vừa thấy tàu cứu nạn di chuyển vào, lập tức một tàu hải quân Trung Quốc áp sát, cánh còn lại là một tàu hải cảnh và lơ lửng trên đầu là một máy bay xuất phát từ đảo Phú Lâm theo dõi “nhất cử, nhất động” của đội cứu nạn. Tuy vậy, công tác ứng cứu ngư dân vẫn được tiến hành bình thường và rất may chưa từng có va chạm nào xảy ra giữa tàu cứu nạn và tàu nước bạn”, anh Sơn chia sẻ.

Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28/8/2018 - 1/8/2019. (Thời gian tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội. Email: bangiaothong@baogiaothong.vn; Điện thoại đường dây nóng: 0914799709. Ghi rõ trên bì thư hoặc email: “Bài tham Cuộc thi Báo chí viết về Giao thông vận tải và thông tin cá nhân: Tên thật, địa chỉ, điện thoại, email để tòa soạn tiện liên lạc.

Tuy vậy, đọng lại trong tâm trí vị thuyền trưởng tàu SAR 412 còn là sự tự hào về hồn thiêng dân tộc trong hiểm nguy, bão tố. “Tại đảo Chim Én (Hoàng Sa), sau khi công tác cứu nạn diễn ra suôn sẻ, dù chiếc tàu mắc cạn trên bãi san hô không thể lấy lại song khi rời khỏi vùng đất ấy, ngư dân Việt Nam đã kịp cắm lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu. Giữa một vùng biển có sự tranh chấp, hình ảnh cờ đỏ sao vàng lúc ấy thật linh thiêng. Nó vừa thắp lên trong mình sự tự hào, vừa là sự khẳng định về chủ quyền biển đảo của một dân tộc đang được gìn giữ từ những ngư dân chất phác và mạnh mẽ”, anh Sơn nói.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, những năm gần đây, tình hình tai nạn, sự cố trên các vùng biển trách nhiệm của Việt Nam diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi năm, trung tâm thu nhận từ 500 - 600 vụ việc TKCN, tương ứng mỗi ngày, sẽ có từ 1 - 2 vụ cứu nạn được đơn vị xử lý. Những đợt bão, gió mùa tăng cường, số vụ có thể tăng lên gấp nhiều lần. Với số lượng tàu cứu nạn chuyên dụng chỉ gồm 7 chiếc và trên 300 cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác cứu nạn trên biển, việc thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn.

“Trong hơn 21 năm qua, lực lượng cứu nạn hàng hải luôn quyết tâm chiến đấu không mệt mỏi với sự dữ dội của biển khơi, thực hiện hết trách nhiệm của mình đối với người bị nạn trên biển, đảm bảo an toàn, bình yên của người dân trên biển, trở thành chỗ dựa vững chắc để ngư dân vươn khơi, chung tay gìn giữ chủ quyền biển đảo”, ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, ưu tiên hàng đầu trong cứu nạn là cứu người còn sống, nhưng đối với những người đã chết trôi dạt trên biển, hoặc nằm trong những con tàu chìm dưới đáy đại dương, lực lượng cứu nạn hàng hải cũng phải quyết tâm tìm kiếm. “Đơn cử như vụ tàu Hải Thành 26 BLC bị tàu Petrolimex 14 đâm chìm ngày 28/3/2017, trên tàu có 11 thuyền viên, 2 người được cứu, 9 người còn lại mất tích. Lực lượng cứu nạn đã vớt xác 2 thuyền viên trôi dạt trên biển, tiến hành lặn tìm kiếm ở độ sâu gần 30m, đưa được xác 7 thuyền viên còn lại ra khỏi tàu chìm. Tất cả công việc đều phải thực hiện bằng tay. Các thi thể lâu ngày phân hủy mạnh, nặng mùi, nhân viên cứu nạn phải nâng từng thi thể cho vào túi lưới đưa về bờ. Nhưng với tinh thần cứu người bị nạn bằng cả trái tim, coi người bị nạn như người thân ruột thịt, các chiến sĩ ngành GTVT đã vượt qua tất cả khó khăn, trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân vươn khơi, bám biển”, ông Vũ chia sẻ.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nhung-chuyen-tau-hoi-sinh-su-song-d270790.html