Những chuyến tàu

(TBKTSG) - Bạn của mình mới bập bẹ tập nói.

Lê Minh Nhựt

Sau tiếng “cha”, tiếng “mẹ” chưa tròn vành thì một bữa, tiếng “xuồng” tự nhiên thoát ra môi rành rạnh. Đúng lúc, phía trước dãy phòng trọ, chỗ chiếc cống ngăn mặn, một chiếc... ghe hàng bông giảm ga, tành tạch trôi qua. Một thời gian không lâu nữa, bạn sẽ biết được rằng: không phải mọi thứ lướt được trên mặt nước đều gọi là “xuồng”.

Những ngày đã xa, mình có một nỗi đam mê khó giải thích với những chuyến tàu mỗi khi chúng về ngang cửa nhà. Tàu ngày ấy, chỉ là những chiếc tàu gỗ, kềnh càng, chậm chạp. Không chỉ chở người mà còn đèo bòng hầm bà lằng những thứ hàng hóa khác do con người mang theo hoặc gửi gắm chở về. Trong khoang, hành khách ngồi trên hai băng ghế dài đặt dọc theo thành tàu. Khoảng trống chính giữa và cả trên mui dành chỗ cho hàng hóa, có cả “hành khách” gia súc gia cầm tiện đường quá giang.

Tàu chạy tuyến đường dài liên huyện thì có sẵn võng cho hành khách muốn đặt lưng, phải bỏ tiền ra thuê. Đặt chân lên tàu là như đặt chân lên một thế giới khác: với hỗn độn mùi và vị, ồn ào và xô lệch.

Người ta thường gọi tên những con tàu bằng chính tên chủ của chúng và cũng chẳng đánh số đăng kiểm như bây giờ. Chỉ cần nghe tiếng máy hay thấp thoáng mũi tàu chạy khi còn từ xa là có thể đoán biết đó là tàu của ai; tàu nào hay bớt tiền cho khách đi đoạn ngắn, tàu nào luôn lấy giá vé cả chuyến bất kể khách có đi đến cuối bến hay không; tàu nào có bọn cờ bạc với bọn chim mồi chuyên lừa gạt những khách lớ ngớ nhưng lại có máu mê đỏ đen... Lâu dần, những chiếc tàu như cũng trở nên có tính cách, hay nói đúng hơn, mang đậm tính cách của chủ: tàu đàng hoàng và tàu bất nhơn. Những chiếc tàu ấy, mang tên: Sáu Nhái, Tư Cò, Bảy Hưởng... giờ không biết đi đâu về đâu.

Đến bây giờ mình vẫn nhớ như in cái bộ dạng đen đúa của chiếc tàu mang tên Sáu Nhái. Mỗi lần về quê ngoại là mẹ lại bắt mình phải thức từ lúc trời còn chưa đâm mây ngang, ngồi ở gốc cây ô môi gần mé sông để đợi tiếng nổ sình sịch khèn khẹt như người sổ mũi của nó. Chính chiếc Sáu Nhái này, đã “cướp mất” chiếc áo “vía” trắng tinh mà mình vừa được mẹ mua để dành đi học, vì đã tựa lưng vào thành tàu vốn được ông chủ của nó tẩm đầy nhớt cặn để chống mối mọt, tăng tuổi thọ khi suốt ngày dầm trong nước mặn.

Xứ kênh rạch chằng chịt, bây giờ cũng vẫn chằng chịt kênh rạch. Không hiếm lần, trên dọc dài những con sông, mình lại nhìn thấy những khung xương tàu nửa nhô lên nửa chìm lút trong sình lầy chờ ngày hóa kiếp hoàn toàn. Lướt ngang những khung xương tàu ấy, như nghe vẫn còn mùi người phảng phất trong từng thớ gỗ.

Chỗ chiếc cống ngăn mặn, nơi mình và bạn ngắm sông mỗi chiều, cứ cách hai ngày là tàu về bến. Chiếc cống ấy, giống như hầu hết những chiếc cống chào đời vào dịp ngọt hóa bán đảo, bây giờ chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất, đó là: ngăn không cho những chiếc tàu chở hàng tiếp cận trung tâm thị xã.

Tàu đành phải ghé lại bên ngoài, chuyển hàng hóa lên những chiếc xe tải đang chờ sẵn sau đó phân phối khắp mọi ngõ ngách của bán đảo. Trên đường đi của mình, ắt tàu đã qua những bãi bờ của miền nước ngọt, vì vẫn còn lưu giữ trên mạn tàu những lấm tấm bèo cám chưa kịp phai xanh; bụi lục bình vừa úa lá vẫn đòng đưa mắc kẹt ở vết nứt trên bánh lái tàu.

Trong nhập nhoạng chiều, sau khi đã trút xong gánh nặng, tàu chỉ việc nằm gác mũi lên mé bờ nhìn xe cộ tấp nập ngược xuôi. Trông có vẻ bình thản nhưng thực ra là đang giấu niềm kiêu hãnh trong mắt tàu. Lúc này, tàu lại giống như một chiến binh sau trận mạc, đang tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức. Những xe cộ bát nháo qua lại trên đường kia bất quá chỉ là tụi nhóc con ngứa tay ngứa chân đang chơi trò múa kiếm gỗ.

Đối với tàu, những chuyến đi xa chắc đã không còn sự hấp dẫn hay mới mẻ nữa, bởi lộ trình đã được vạch sẵn, bởi những nơi cập bến đã trở thành cũ kỹ... Có lẽ điều mà tàu vẫn còn chờ đợi chính là lời hứa với cái bến ở chỗ chiếc cống ngăn mặn, sau mỗi chuyến đi xa về. Nằm bên nhau trong im lặng - đó chính là cái cách mà tàu gửi gắm nỗi niềm và nhận sự vỗ về của bến sau mỗi chuyến mỏi mê sông nước.

Một thời, mình từng ôm ấp giấc mơ: sở hữu một chiếc tàu, hoặc ghe, hoặc xuồng... loại nào cũng được, nhưng nhất định phải có mui để che mưa trú nắng. Đó là cõi riêng của mình. Bước vào cõi ấy, ngày đêm tập làm quen với nước ròng nước lớn, sống cùng bãi rộng sông dài, thử đời gạo chợ nước sông. Giấc mơ ấy, vẫn còn bảng lảng nhưng dường như đã có một sợi dây vô hình cột chặt mình vào một gốc cây vô hình. Giống như một chiếc ghe đã cặm sào, buộc dây vĩnh viễn.

“Xuồng!” - môi bạn lại phát âm tròn trịa. Bạn nhoài người vói theo “vật thể” lạ lùng lướt như bay trên mặt nước. Không thể nắm bắt, bạn òa khóc.

Có lẽ nào, bạn chính là người thừa kế giấc mơ của mình? Hoặc, cả mình và bạn cũng chỉ là một trong vô vàn những kẻ tội nghiệp, suốt đời vẫn chỉ đủ sức nuôi nấng những giấc mơ?

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/120766/nhung-chuyen-tau.html/