Những cố nghệ sĩ gạo cội của Hà Nội vẫn còn mãi trong lòng khán giả

Những đóng góp to lớn của các nghệ sĩ gạo cội luôn là niềm tự hào đối với điện ảnh Việt Nam. Dù họ đã ra đi, nhưng tên tuổi, sự cống hiến cũng như công lao của các nghệ sĩ thì vẫn luôn sống mãi trong lòng khán giả mọi lứa tuổi.

1. Nghệ sĩ Văn Hiệp

Gắn liền với vai diễn bác trưởng thôn, người nông dân chất phác, hiền lành, thật thà, tốt bụng trong các bộ phim truyền hình cũng như trên sóng Gặp Nhau Cuối Tuần - chương trình hài kịch nổi tiếng ra mắt vào những năm 2000, tên tuổi của nghệ sĩ Văn Hiệp đã được đông đảo khán giả biết đến. Suốt những năm tháng theo nghề, nghệ sĩ đã tham gia hàng nghìn tác phẩm kịch, phim truyện, trong đó các vở diễn đã từng gắn với tên tuổi của ông như Nila, Đôi mắt, Hoa pháo, Nghêu, sò, ốc, hến,… đều để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc.

Trong những năm tháng cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp phải đối mặt với căn bệnh ung thư phổi và suy thận trong tình trạng tài chính sống không mấy dư dả. Ông qua đời ngày 9/4/2013 và được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào tháng 10 cùng năm vì những cống hiến không biết ngừng nghỉ trong suốt hơn 40 năm làm nghề.

2. Nghệ sĩ Phạm Bằng

Tối ngày 31/10/2016, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng đã trút hơi thở cuối cùng, ông hưởng thọ 85 tuổi.

Sinh thời, ông là một trong những diễn viên làm nên sự thành công cho chương trình Gặp Nhau Cuối Tuần với các tiểu phẩm tiêu biểu như Nghe đồn, Cờ bạc, Về quê,... Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều tiểu phẩm hài, hài Tết, Gala cười, Gặp nhau cuối năm,... và một vài bộ phim truyền hình khác. Trước khi mất khoảng 2 tháng, nghệ sĩ được chẩn đoán bị viêm gan và viêm mật, sau đó phải sang Singapore để chữa trị.

Vợ mất sớm, ở tuổi 85, ông vẫn sống một mình và hàng ngày tự chạy xe để đi diễn. Sở dĩ có điều này là vì nghệ sĩ Phạm Bằng muốn quên đi sự trống trải của những năm tháng tuổi già.

3. Nghệ sĩ Trần Hạnh

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh được biết đến là một người nghệ sĩ sân khấu và diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam. Ông nổi tiếng với nhiều vai diễn ông bố chất phác, hiền lành hay cán bộ và nhận được tình cảm yêu thương từ khán giả qua nhiều thế hệ, như Làng nổi, Truyện cổ tích tuổi 17, Tướng về hưu, Người cầu may, Chiếc bình tiền kiếp, Hãy tha thứ cho em,...

Từ năm 2019, sức khỏe tay chân của cố nghệ sĩ đã trở nên yếu dần, mắt phải của ông hỏng hoàn toàn, thị lực mắt trái chỉ còn 30%. Dù di chuyển chậm chạp, khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng tự lo mọi sinh hoạt hàng ngày.

Rạng sáng ngày 4/3/2021, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh qua đời do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 93 tuổi.

4. Nghệ sĩ Giang Còi

Nghệ sĩ Giang Còi tên thật là Lê Hồng Giang, ông được khán giả yêu mến qua các vai hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, các vai diễn nông dân trên phim truyền hình, đặc biệt, nghệ sĩ cũng là một mảnh ghép ăn ý khi kết hợp cùng các nghệ sĩ Quang Tèo, Văn Hiệp.

Sinh thời, ông được biết đến là người tham công tiếc việc và say mê với nghề. Không chỉ vất vả chăm sóc gia đình, nghệ sĩ Giang Còi còn đi quay phim, đóng phim, làm đạo diễn, viết kịch bản,…nên ít có thời gian nghỉ ngơi. Sau nửa năm chiến đấu với căn bệnh ung thư hạ họng và xơ gan, nghệ sĩ qua đời tại nhà riêng vào ngày 4/8/2021, hưởng thọ 59 tuổi.

5. Nghệ sĩ Hoàng Dũng

Nghệ sĩ Hoàng Dũng là một người nghệ sĩ gạo cội, từng giữ vai trò Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội từ năm 2007 - 2017; là Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hà Nội. Ngoài ra, ông còn được khán giả biết tới với những vai diễn nổi bật trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình như Người phán xử, Chủ tịch tỉnh, Về nhà đi con, Sinh tử. Ông cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2007.

Khi đang thực hiện những cảnh quay cho bộ phim "Trở về giữa yêu thương", nghệ sĩ bị phát hiện đã mắc ung thư giai đoạn cuối, di căn vào cột sống. Cuối năm 2020, nghệ sĩ phải phẫu thuật vì bệnh cột sống trở nặng. Nghệ sĩ ra đi đầy bất ngờ vào ngày 14/2/2021 giữa những ngày đầu năm xuân Tân Sửu, hưởng thọ 65 tuổi.

6. Nghệ sĩ Hán Văn Tình

Nghệ sĩ Hán Văn Tình xuất thân là một diễn viên tuồng. Lúc sinh thời, ông giữ chức trưởng Đoàn Nghệ thuật 2 của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Suốt những năm tháng theo đuổi nghiệp diễn, nghệ sĩ đã giành được nhiều huy chương cho các vở diễn Hoàng hôn đen, Tiếng thét giữa hoàng cung, Hạng võ Bại Ô Giang, Trần Hưng Đạo, Bạch Tinh,… Năm 1999, ông được trao tặng thưởng huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam" của Hội nghệ sĩ sân khấu.

Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng và được khán giả biết đến nhiều nhất với vai diễn Chu Văn Quềnh trong phim "Đất và người". Ngày 4/9/2016, ông qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 59 tuổi. Trước đó khoảng 1 năm rưỡi, nghệ sĩ được chẩn đoán mắc ung thư phổi và phải điều trị, may mắn vượt qua bạo bệnh và tiếp tục đi diễn. Nhưng đến Tết 2016, bệnh của ông trở nặng và phải trải qua hai đợt xạ trị vì khối u di căn lên nách và não.

7. Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn hạnh phúc bên vợ trong bộ ảnh kỷ niệm 50 ngày cưới

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn hạnh phúc bên vợ trong bộ ảnh kỷ niệm 50 ngày cưới

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn xuất thân là thợ mỏ, vì đam mê điện ảnh nên thi tuyển diễn viên. Ông tốt nghiệp khóa 1, lớp diễn viên Trường Ðiện ảnh Việt Nam (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Nghệ sĩ nổi tiếng và được khán giả nhớ tới qua các vai diễn đậm chất thôn quê, hiền lành, khắc khổ và có số phận hẩm hiu trên màn ảnh trong các bộ phim như Đất và người, Những ngọn nến trong đêm, Người chiếu bóng, Đường đời, Lều chõng, Nếp nhà,...

Nhiều năm qua do tuổi cao sức yếu và bệnh tật nên ông không còn đi đóng phim. Năm 2018, cũng là năm nghệ sĩ tham gia đóng Cưới đi kẻo ế - bộ phim cuối cùng trong cuộc đời diễn xuất của ông. Được biết, thời gian đó, sức khỏe của nghệ sĩ đã yếu dần do bị ung thư thận di căn.

Chiều 2/11/2022, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn qua đời ở tuổi 83 sau hơn 4 năm chống chọi với bạo bệnh./.

CTV Bảo Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/giai-tri/nghe-si/nhung-co-nghe-si-gao-coi-cua-ha-noi-van-con-mai-trong-long-khan-gia-post981740.vov