Những cổ phiếu một thời…: VHG - Bạo phát bạo tàn

Thời đỉnh cao, VHG (CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam) là một trong những mã cổ phiếu (CP) nóng của sàn HOSE. Tuy nhiên, trong thời điểm huy hoàng, lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra quyết định xoay trục đầu tư theo hướng lấy lĩnh vực bất động sản tiên phong, trong khi lĩnh vực cốt lõi bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Niềm vui ngắn ngủi

Tiền thân của VHG là CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn được thành lập năm 2003, với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng. Trong những năm đầu, VHG chủ yếu sản xuất cáp viễn thông dưới hình thức OEM cho đối tác Hàn Quốc.

Năm 2005, VHG chính thức xuất lô hàng cáp viễn thông đầu tiên. Đến năm 2006, VHG trở thành nhà sản xuất cáp có dung lượng lớn nhất Việt Nam sau khi tung ra thị trường cáp viễn thông có dung lượng 2.400 đôi. Năm 2007, VHG đưa vào vận hành nhà máy cáp viễn thông lớn nhất Việt Nam với công suất 3 triệu km đôi/năm.

Có thể nói, đây là thời kỳ hoàng kim của VHG với hàng loạt dự án đầu tư có quy mô như: nhà máy sản xuất sản phẩm từ cốt sợi thủy tinh FRP, nhà máy sản xuất vật liệu VMC, hoàn tất dự án đầu tư giai đoạn 2 cho nhà máy VPC và VPF, triển khai dự án trồng 4.115ha cao su tại Quảng Nam, sản xuất thành công sản phẩm FRP có đường kính trên 4m, thâu tóm CTCP Nhựa Việt Hàn, sở hữu 2 cao ốc tại Đà Nẵng.

Với tốc độ phát triển thần tốc như trên, VHG lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và được các quỹ đầu tư trong và ngoài nước nắm giữ cổ phần như Indochina Capital, Vina Capital.

Đỉnh điểm của VHG là quyết định đưa CP lên niêm yết trên HOSE đầu năm 2008 với giá tham chiếu lên đến đến 96.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, VHG đã không giữ được mức giá này khi thị trường chung trong giai đoạn điều chỉnh mạnh sau đợt bùng nổ năm 2007. Đợt điều chỉnh này, cộng với sự chững lại về lợi nhuận đã kéo VHG xuống gần về giá tham chiếu 10.000 đồng/CP trong năm 2009.

Xoay trục bất thành

ĐHCĐ thường niên 2019 của VHG đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 với doanh thu đạt 50 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 3 tỷ đồng.

Sốt ruột trước sự suy giảm của giá CP, HĐQT VHG có quyết định thay đổi chiến lược phát triển với kỳ vọng kéo giá CP về với giá trị thật. Theo đó, HĐQT thống nhất xây dựng VHG phát triển xoay quanh trục ngành nghề với thứ tự ưu tiên là: bất động sản, hạ tầng công nghiệp dịch vụ, trồng và chế biến cao su, sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản, đầu tư khai thác chế biến kim loại màu.

Tuy nhiên, nỗ lực xoay trục này không thể vực dậy tình hình mà càng đẩy VHG vào tình trạng thua lỗ trong những năm kế tiếp. Cụ thể, năm 2011 lỗ 36,15 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 66,13 tỷ đồng.

Đến năm 2013, VHG lại tiếp tục tái cấu trúc thêm lần nữa với chiến lược phát triển theo định hướng mới là lấy lĩnh vực cao su làm hoạt động kinh doanh chính. Để phù hợp với chiến lược này, VHG đổi tên doanh nghiệp từ CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn thành CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam, và tăng vốn điều lệ từ 375 tỷ đồng lên hơn 750 tỷ đồng.

Nguồn vốn tăng thêm này được VHG rót vào dự án trồng và khai thác 13.300ha diện tích cao su tại Quảng Nam, và dự án khu nghỉ dưỡng khu vực biển Non Nước (Đà Nẵng) với quy mô lên đến 5,3ha.

Đặc biệt, một phần nguồn vốn này được HĐQT mang ra đầu tư chứng khoán. Trên thực tế, gần như năm nào VHG cũng nêu ra vấn đề tái cơ cấu tại các kỳ họp ĐHCĐ, nhưng kết quả là năm sau lại lỗ nhiều hơn năm trước.

Danh hiệu ảo

Những cú “bẻ lái” bất ngờ này chỉ mang lại cho VHG danh hiệu “CP đầu cơ” trên sàn HOSE. Đơn cử là tại ĐHCĐ thường niên 2013, cổ đông của VHG đã thông qua việc tái cấu trúc toàn bộ công ty, thực hiện chuyển nhượng tài sản, cổ phần tại các công ty con hoặc liên kết.

Đáng nói là tại ĐHCĐ 2013, VHG lại đưa ra kế hoạch lỗ 20 tỷ đồng và sẵn sàng tư thế bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ bất thường sau đó, VHG “thay máu” bộ máy nhân sự cao cấp, từ chủ tịch HĐQT cho đến thành viên HĐQT.

Đặc biệt, HĐQT mới của VHG công bố quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từ lỗ thành lãi 130 tỷ đồng, cổ tức 10% bằng tiền mặt và chia CP thưởng với tỷ lệ 2:1. Dù không đạt kế hoạch nhưng với lợi nhuận năm 2013 không còn là con số âm, đã cứu VHG khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Những thông tin bất ngờ này là 1 trong những nguyên nhân khiến cho giá CP VHG biến động khó lường. Trong giai đoạn này, VHG có những phiên kéo tăng rồi đẩy giảm rất mạnh ngay trong phiên. Theo thống kê, VHG có những đợt sóng tăng từ 3.000 đồng/CP lên 15.000 đồng/CP, nhưng cũng có những đợt lao dốc từ 12.000 đồng/CP xuống chỉ còn 6.000 đồng/CP.

Đây là yếu tố khiến cho VHG trở thành mã CP yêu thích của các NĐT lướt sóng với hàng triệu CP được giao dịch mỗi phiên. Thậm chí, nhiều cổ đông nội bộ của VHG cũng tham gia lướt sóng CP để kiếm lời.

Việc chú tâm quá nhiều vào giá CP cũng là nguyên nhân khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh của VHG không thể hồi phục với lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ trong năm 2018 âm hơn 320 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên đến 1.256 tỷ đồng. Với kết quả này, VHG bị hủy niêm yết trên HOSE do thua lỗ 3 năm liên tiếp (2016-2018).

Cụ thể, năm 2016 lỗ 32,5 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 1.178 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, giá trị tài sản ngắn hạn của VHG là 66,7 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả 175 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 45,8 tỷ đồng.

Ngày 31-5-2019, 150 triệu CP VHG niêm yết trở lại trên UPCoM với giá tham chiếu 1.300 đồng/CP. Tuy nhiên, lần trở lại này của VHG diễn ra trong lặng lẽ khi NĐT đã không còn quan tâm. Trước sự hờ hững của NĐT, VHG không chỉ mất thanh khoản mà còn lao dốc về mốc 500 đồng/CP.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/nhung-co-phieu-mot-thoi-vhg-bao-phat-bao-tan-75196.html