Những cơn ác mộng Olympic

Nhiều kỳ Olympic đã diễn ra những sự kiện như những cơn ác mộng.

Các sự kiện thể thao quốc tế của Thế vận hội là một minh chứng cho sự cống hiến không mệt mỏi của các vận động viên hàng đầu trên khắp thế giới. Những người tham gia đều đã phải trải qua những đợt huấn luyện căng thẳng, dành toàn bộ năng lượng để cạnh tranh trong kỳ thi đấu danh tiếng này, tuy nhiên, chỉ có rất ít người được tự hào đứng trên bục nhận huy chương.

Những chú chim câu tội nghiệp

Trong lễ khai mạc Thế vận hội 1896 ở Athens, bầu trời nơi diễn ra đêm khai mạc rợp bóng chim bồ câu trắng, như dấu hiệu của hòa bình và tự do. Hoạt động thả chim bồ câu đã chính thức trở thành một phần của lễ khai mạc có khởi nguồn từ Thế vận hội 1920 tại Antwerp. Các nhà sử học cho rằng loài chim này đã được sử dụng để báo tin chiến thắng cho gia đình và quê hương các vận động viên trong những Thế vận hội cổ đại đầu tiên.

Tuy nhiên, những cánh chim trắng tượng trưng cho hòa bình và tự do này từng rơi vào thảm họa trong lễ khai mạc Thế vận hội Seoul 1988. Không ai hay biết rằng khi 3 vận động viên trong bộ đồ thể thao màu trắng leo lên bệ cao để châm lửa cho ngọn đuốc khổng lồ cũng là lúc những cánh chim trắng gặp tai họa. Những con chim bồ câu tội nghiệp đã chọn đúng đài lửa để làm chỗ nghỉ ngơi trong đêm tối. Khi 3 ngọn đuốc châm lửa, những chú chim bồ câu hiền lành biến thành mồi thiêu, khiến cả thế giới hoang mang vì tai nạn quá bất ngờ. Ngay lập tức, Ủy ban Olympic đã phải thay đổi các thủ tục nghi lễ trong lễ khai mạc để tránh những cảnh đáng xấu hổ như thế này lặp lại. May mắn thay, trong Thế vận hội tiếp theo tại Barcelona năm 1992, những con chim bồ câu đã được thả ra an toàn trước khi châm lửa vào ngọn đuốc truyền thống.

Tổn thương danh tiếng

Trước Olympic mùa Hè năm 1968 tại thành phố Mexico, thủ đô Mexico, việc thử chất kích thích đối với các vận động viên chưa trở thành thông lệ bắt buộc. Sự thiếu hụt các quy định quan trọng đã gây những chấn động tại các kỳ Thế vận hội thời đó, nhất là sau Thế vận hội mùa Đông Oslo năm 1952, khi một số vận động viên trượt băng tốc độ đã bị sốc amfetamine và phải viện đến sự can thiệp y tế.

Tuy nhiên, phải chờ đến một tai nạn thảm thương khác, chiến dịch chống doping mới thật sự được chú ý. Tay đua xe đạp người Đan Mạch Knud Jensen, người đã sử dụng quá liều thuốc kích thích trong suốt cuộc đua, đã bất ngờ thiệt mạng trên đường đua. Ông trở thành vận động viên Oplympic đầu tiên được cho là thiệt mạng do sử dụng doping. Sự ra đi của vận động viên này là một trong những yếu tố thúc đẩy gia tăng các quy định về doping đối với vận động viên Olympic nói riêng và các kỳ thi đấu thể thao nói chung.

Trên thực tế, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, mặc dù trong cơ thể Jensen có lượng amfetamine trong máu, nhưng dường như lượng này không thể gây nên cái chết của vận động viên này. Tuy nhiên, cái chết của ông, phần nào có nguyên nhân bởi đột quỵ, đã bị khai thác triệt để để tuyên truyền cho chiến dịch chống doping. Cho đến nay, những nghi vấn quanh cái chết của vận động viên này vẫn chưa được chính thức làm sáng tỏ, danh tiếng của Jensen vẫn gắn liền với việc chết do sử dụng thuốc kích thích quá liều.

(Còn tiếp)

Trần Nguyên Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-con-ac-mong-olympic-3916807-b.html