Những 'con mắt' giúp bảo vệ rừng

Tại bang Para ở Brazil, các nhà chức trách mỗi tuần đều nhận được thông báo về khu vực nào trong rừng Amazon đã bị chặt phá, với hình ảnh đi kèm làm bằng chứng. Những hình ảnh này được chụp lại vào 10 giờ 30 sáng hàng ngày bởi các vệ tinh của Mỹ; mỗi bức ảnh cung cấp cái nhìn chi tiết về mặt đất trong khoảng từ 3 - 5m. Một thuật toán đặc biệt được sử dụng để tự động phát hiện những nơi có hành động chặt phá diễn ra.

Priscila Santos, nhà địa lý học thuộc Viện Môi trường Brazil, chỉ ra một bản đồ vệ tinh để phát hiện các khu vực phá rừng ở bang Para, phía Bắc Brazil

Qua các thông báo, chính quyền sẽ cử đặc vụ đến điều tra và bắt giữ các nghi phạm trước khi có thêm thiệt hại diễn ra. “Việc này từng mất đến 6 ngày, thậm chí là 2 - 3 tháng để thực thi mà không có hình ảnh chứng minh. Giờ chúng ta có ảnh vệ tinh mỗi ngày” - Iara Musse Felix, Giám đốc điều hành của SCCON - công ty phân phối các báo động trên cho biết.

Cuộc cách mạng về phương thức giám sát rừng nói riêng và Trái đất nói chung xuất phát từ một chuỗi vệ tinh điều hành bởi công ty tên là Planet. Thành lập tại San Francisco (Mỹ) năm 2010 bởi 3 cựu khoa học gia của NASA, Planet là công ty dẫn đầu về vệ tinh cỡ nhỏ với đặc tính dễ sản xuất và thay thế, đồng thời có tuổi đời hoạt động kéo dài từ 3 - 5 năm.

Mô hình kinh tế này đi ngược với ngành công nghiệp hàng không vũ trụ truyền thống thường xây dựng các vệ tinh lớn, tinh vi và mạnh mẽ hơn nhiều lần với giá trị lên đến hàng trăm triệu đô la.

Planet đã đưa 298 vệ tinh vào quỹ đạo từ năm 2013 đến nay, với hơn 1/2 được phóng lên vào năm ngoái. Trong đó hiện có khoảng 150 vệ tinh là đang hoạt động và 130 trong số đó là vệ tinh nano. Số còn lại đã rơi xuống Trái đất và bị đốt cháy hoàn toàn ở thời điểm đâm xuyên qua bầu khí quyển.

Những vệ tinh với tên gọi là “Dove” này được nhắc đến trong Hội nghị thượng đỉnh về Hành động vì Khí hậu cũng diễn ra tại San Francisco. “Mỗi kỹ thuật viên có thể hoàn thành xong 3 vệ tinh Dove mỗi ngày. Bạn chỉ cần khoảng 10 công cụ để làm ra 1 vệ tinh của chúng tôi” - Chester Gillmore, Phó Giám đốc sản xuất tại Planet giới thiệu.

Dove được làm theo định dạng chuẩn Cubesat 3u, với kết cấu hình trụ dài 30cm được trang bị camera bên trong và 2 tấm pin mặt trời sẽ mở ra khi bay vào quỹ đạo. Sáu vệ tinh Dove đã hoàn thành đang chuẩn bị được gửi đến Ấn Độ. Nơi chúng sẽ được lắp vào tên lửa để phóng vào quỹ đạo, cách Trái đất khoảng 500 km.

Nhà đồng sáng lập Robbie Schingler, cựu nhân viên của NASA giới thiệu: “Chúng tôi không ngừng cập nhật chúng. Đó là những gì mà chúng tôi chuyên nghiệp trong khả năng vận dụng những con chíp, công nghệ mới nhất trong các ngành khác như ô tô và thiết bị mạng cá nhân như 50 con chíp đang có trong vệ tinh Dove này vào ngành hàng không vũ trụ”.

Kết quả là chúng ta thu thập được hình ảnh hàng ngày của mỗi km vuông diện tích bề mặt Trái đất, có thể truy cập được qua Internet. Công ty hiện vẫn hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, cơ hội tương lai cho những công ty muốn phát động việc giám sát Trái đất trên toàn cầu với bất cứ mục đích nào, từ việc theo dõi hoạt động của nhân loại tới tìm hiểu tính phổ biến của hạn hán đều còn rất nhiều.

Theo Đức Mạnh -OnePlanet, Livescience

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nhung-con-mat-giup-bao-ve-rung-3951937-b.html