Những con số ấn tượng về phát triển KTXH 2018 của Hà Nội

Sáng 28-11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lần thứ 16 để xem xét, thảo luận và quyết định một số nội dung quan trọng.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

8 chỉ tiêu vượt kế hoạch

Về tình hình phát triển KTXH 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội đã đạt được kết quả nổi bật như: kinh tế tăng trưởng khá 8,56% (7,37% theo cách tính mới) - hoàn thành kế hoạch đề ra; Thu ngân sách vượt dự toán; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước. An sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển.

Thực hiện năm chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" với nhiều chuyển biến rõ nét. Quản lý đô thị, chỉnh trang đường phố được đẩy mạnh; Vệ sinh môi trường được duy trì; Hoàn thành Chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Xây dựng nông thôn mới vượt tiến độ. Quốc phòng được củng cố; An ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo; Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Thành phố đề ra 20 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; dự kiến tất cả 20 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó: Thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán; 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch (Kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6% (kế hoạch là 7,5-8%); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 0,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,18%; Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 90 trường; Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 55,5%; Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 30 xã; Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước 0,5%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 86,5%)

Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh ở Hà Nội đã được cải thiện rõ nét. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố tháng 4/2018 đứng vị trí 13/63 (tăng 1 bậc); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí 2/63 (tăng 1 bậc) Cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; Triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà/trụ sở...

Ước tính năm 2018, cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 25.742 doanh nghiệp với số vốn 280,1 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 255.280 doanh nghiệp…

Còn thiếu tập trung, quyết liệt

Tuy nhiên Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được quan tâm khắc phục như: hiện tượng ùn ứ giao thông, úng ngập khi mưa to vẫn xảy ra nhất là tại các tuyến phố có công trình đang thi công, các tuyến xuyên tâm, tuyến tập trung nhiều các khu đô thị, cơ quan, trường học; Thu gom rác thải có bước tiến bộ, tuy nhiên ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa tốt.

Trật tự xây dựng đô thị có chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa vững chắc; một số công trình vi phạm tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm, nhất là vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng... Công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư tái định cư, nhà chuyên dùng có tiến bộ nhưng vẫn còn bất cập, chủ yếu liên quan đến sửa chữa trang thiết bị sử dụng chung, thang máy, PCCC, chống thấm, dột, tranh chấp quỹ bảo trì…

Công tác cải cách hành chính có chuyển biến rõ rệt, song việc quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa quyết liệt; một bộ phận cán bộ, công chức làm việc chưa hết trách nhiệm; có lúc, có nơi còn gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp. Xếp hạng chỉ số PAPI còn ở vị trí thấp (56/63).

Những hạn chế nêu trên, theo UBND TP có nguyên nhân là do quy trình thủ tục về đầu tư, xây dựng theo các Luật mới có nhiều thay đổi dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định và ảnh hưởng tiến độ của dự án; Tốc độ đô thị hóa cao, di dân cơ học lớn tạo ra áp lực lên toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Thủ đô, nhất là khu vực nội thành…

Ngoài ra, có nơi, có lúc việc giải quyết công việc còn thiếu tập trung, thiếu sáng tạo, chưa thực sự quyết liệt; Năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ý thức kỷ luật có chuyển biến song chưa đồng bộ; Sự phối hợp giữa ngành với ngành, giữa ngành với cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực được phân công, phân cấp, ủy quyền còn bị động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả…

Năm 2018 Hà Nội đã có những kết quả phát triển KTXH nổi bật với 22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

2019 tăng trưởng từ 7,5% trở lên

Trên cơ sở các mục tiêu và chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ, kết quả thực hiện năm 2018 và nhận định bối cảnh, tình hình, Thành phố xác định nội dung 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH năm 2019. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu này, TP đã đặt ra các nhiệm vụ quan trọng như tiếp tục củng cố, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thành phố, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GRDP, đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, chống thất thu.

Hà Nội cũng đặt rõ mục tiêu phấn đấu GRDP năm 2019 tăng từ 7,5% trở lên.Phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019. Dự báo sát thị trường, tỷ giá ngoại tệ để đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu...

TP cũng sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; Rà soát, rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh. Tổ chức thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị sau khi được thông qua, ban hành. Triển khai Đề án xây dựng một số huyện (Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Đông Anh) thành quận vào năm 2020...

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-con-so-an-tuong-ve-phat-trien-ktxh-2018-cua-ha-noi/791424.antd