Những con số đầy ấn tượng từ ca ghép tụy - thận đầu tiên tại Việt Nam

150 y bác sĩ, 13 tiếng liên tục thực hiện ca ghép, 20 năm tích lũy kinh nghiệm về kỹ thuật ghép tạng và 100% là bác sĩ Việt Nam thực hiện là những con số mà Thiếu tướng, PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện (BV) 103 đưa ra trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngay sau khi BV thông báo về thành công của ca ghép tụy - thận đầu tiên ở Việt Nam. Cuộc phỏng vấn cũng đã “giải mã” những con số đầy ấn tượng này.

150 y bác sĩ, 13 tiếng liên tục thực hiện ca ghép, 20 năm tích lũy kinh nghiệm về kỹ thuật ghép tạng và 100% là bác sĩ Việt Nam thực hiện là những con số mà Thiếu tướng, PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện (BV) 103 đưa ra trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngay sau khi BV thông báo về thành công của ca ghép tụy - thận đầu tiên ở Việt Nam. Cuộc phỏng vấn cũng đã “giải mã” những con số đầy ấn tượng này.

Thiếu tướng, PGS.TS.Hoàng Mạnh An

PV: Thưa Thiếu tướng, được biết BV 103 vừa thực hiện thành công ca ghép tụy - thận đầu tiên từ người cho chết não, đến thời điểm này ông có thể cho biết tình trạng bệnh nhân như thế nào, có thể tiên lượng ra sao?

Ca ghép tụy - thận tại Bệnh viện 103. Ảnh do BV cung cấp

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Đúng là BV 103 vừa thực hiện ca ghép tụy - thận đầu tiên, nguồn tạng từ người cho chết não. Đến thời điểm này, bệnh nhân (BN) ổn định các chức năng và các xét nghiệm cho thấy có những diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay BN vẫn được theo dõi chặt chẽ bởi ghép tụy là một kỹ thuật rất phức tạp, có những khó khăn riêng biệt. BN phải nằm bất động, theo dõi đặc biệt liên tục các chỉ số sinh tồn. Hiện tại điều chúng tôi lo lắng là về cơ chế thải ghép của tuyến tụy, tuy nhiên khi tham khảo ý kiến đồng nghiệp tại một số BV lớn trên thế giới đã từng nhiều lần ghép thành công tụy - thận cho thấy, cơ chế đào thải tụy - thận (đa tạng - PV) cũng giống như ghép 1 tạng. Điều thuận lợi trong ca ghép này là tuy ghép đa tạng nhưng tạng được lấy từ một người cho và ghép trên một cá thể. Chúng tôi cũng hết sức cầu thị chủ động trao đổi, tham khảo ý kiến của các chuyên gia các nước bạn nhằm có kinh nghiệm điều trị ca ghép này tốt hơn.

PV: Ca ghép diễn ra trong hơn 13 tiếng liên tục, vậy có khi nào kíp mổ rơi vào tình huống “nguy hiểm” vượt tầm kiểm soát hay không? Và giải quyết tình huống đó như thế nào thưa ông?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Do được chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt từ kỹ thuật, luyện tập, thực hành trên vật thể rất nhiều lần, giả định các tình huống nên khi tiến hành ca ghép này đã diễn ra thuận lợi. Trong suốt 13 tiếng tiến hành mổ không xảy ra tình huống nào vượt khỏi sự kiểm soát của kíp mổ. Và khi kết thúc cuộc mổ, chúng tôi đã thành công về mặt kỹ thuật.

Ca ghép tụy - thận do các thầy thuốc BV 103 thực hiện. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

PV: Thiếu tướng có thể nói thêm về công tác chuẩn bị nhân lực, kỹ thuật, trang thiết bị trước khi thực hiện ca ghép khó này?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Để chuẩn bị cho ca ghép đa tạng (tụy - thận) tại BV chúng tôi, có thể nói đây là sự chuẩn bị hết sức công phu từ khi nhận đề tài cấp nhà nước về ghép tụy - thận trên người. Đó là sự chuẩn bị bài bản, khoa học và vô cùng khắc nghiệt về con người, về trình độ, kỹ thuật. Về kiến thức, chúng tôi đã cử nhiều đoàn đi học tập ở các nước, đặc biệt là ở Nhật Bản - là một trung tâm ghép tụy - thận rất nhiều, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp ở Đài Loan, Singapore, Bỉ. Về thực nghiệm, chúng tôi đã thực nghiệm ghép tụy - thận trên động vật, các thầy thuốc được thực hành thuần thục các kỹ thuật ghép trên mô hình ghép tương tự như trên người, đã có rất nhiều cặp ghép thành công. Như vậy, về mặt kỹ thuật chúng tôi từng bước làm chủ và có nhiều thuận lợi khi tiến hành ghép ở trên người. Mặt khác, việc ghép tụy - thận ở Việt Nam là mới, song trên thế giới, các trung tâm y khoa đã làm nhiều rồi và như vậy đội ngũ thầy thuốc được cử đi kiến tập, thực tập tại những trung tâm này đã được xem, được thực hành cụ thể nên có thuận lợi khi tiến hành ca ghép tại BV.

PV: Tại sao BV lại chọn phương án ghép 2 tạng cùng một lúc trên một người bệnh (trong đó có kỹ thuật ghép tụy rất phức tạp)? Phương án này có ưu điểm, bất trắc gì?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Việc ghép 2 tạng trên người là một chương trình trọng điểm quốc gia của Bộ Công nghệ đã giao cho một số BV. BV 103 là chủ nhiệm đề tài ghép tụy - thận từ người cho chết não trên người. Đây là một tiến bộ về công nghệ ghép tạng đối với Việt Nam, xác định đến năm 2015 sẽ thực hiện chương trình này nhằm nâng chất lượng cũng như trình độ ghép tạng của chúng ta lên. Phương án ghép tụy - thận thực tế không phải chúng ta muốn là được mà phải xuất phát từ người bệnh và có những bệnh cần phải ghép như thế. Những người bị bệnh đái tháo đường týp 1 thường dễ dẫn tới suy thận, ngược lại những người đã được ghép thận sau một thời gian nếu không được dự phòng tốt cũng dễ dẫn tới suy thận. Họ chính là những người phải ghép tụy - thận. Trên thế giới có những trung tâm tiến hành ghép nhiều tạng hơn trên 1 người, tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc trực tiếp vào tổn thương của người bệnh để các thầy thuốc lựa chọn phương án ghép.

Bệnh nhân đã tỉnh táo sau ca ghép. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

PV: Có tới 150 bác sĩ tham gia ca ghép đa tạng này, vậy BV đã phân tách nhiệm vụ như thế nào để “dây chuyền” này hoạt động trơn tru, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Trước hết phải nói rõ là không phải tất cả 150 bác sĩ tham gia kíp mổ. Để tiến hành cuộc ghép này cần nhiều công đoạn phải làm như cần người chuẩn bị bệnh nhân, tuyển chọn bệnh nhân, người làm xét nghiệm, tuyển chọn và nhập nguồn tạng, có các bộ phận gây mê hồi sức, chăm sóc trước sau hậu phẫu, người làm dược chính... Ngay cả hậu cần, các cơ quan cũng phải vào cuộc để giải quyết nhiều vấn đề từ việc làm công tác tư tưởng cho thân nhân người hiến tạng, chăm sóc người được tiếp nhận nguồn tạng... Như vậy, để giải quyết được tất cả các khâu đó cần đến một lực lượng rất lớn. Còn những người tham gia trực tiếp là thành viên của kíp mổ, những người phục vụ trong phòng mổ, điều hành mổ thì số lượng ít hơn. Trong khi tổ chức một cuộc mổ như thế thì việc chỉ huy điều hành để không bị nghẽn tắc là điều đương nhiên phải thực hiện. Kỷ luật phòng mổ là kỷ luật cao nhất trong ngành ngoại khoa. Đặc biệt, chúng tôi là thầy thuốc trong quân đội nên kỷ luật quân đội cũng được thực thi ở mức cao nhất nên sự “nghẽn tắc” là không thể xảy ra được.

PV: Sau ca ghép, cơ sở nào để đánh giá ca ghép thành công? Tuyên bố như vậy liệu có phải là quá sớm?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Phải nhấn mạnh rằng đây là thành công bước đầu về mặt kỹ thuật. Quả thật, đúng là như vậy, bởi đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành ghép đa tạng trên 1 cá thể. Đây là khó khăn rất lớn mà để đạt được thành công đó là công sức của biết bao cán bộ thầy thuốc đã miệt mài nghiên cứu, học tập kỹ thuật cao này. Nói là thành công về mặt kỹ thuật là bởi khi khâu nối mạch máu cho tái tưới máu thì tổ chức nhu mô ở tụy mới trong cơ thể bệnh nhân được ghép hồng hào trở lại. Và sau một số giờ theo dõi làm các xét nghiệm thấy tụy đã bắt đầu hoạt động, như vậy có thể khẳng định về mặt kỹ thuật đã thành công. Để coi là ca ghép thành công hoàn hảo thì cần có thời gian theo dõi bệnh nhân, đánh giá các chỉ số sinh tồn, đặc biệt là kết quả đánh giá về hoạt động tuyến tụy mới cũng như chức năng của thận sau khi ghép, bệnh nhân được cắt chỉ và chuẩn bị xuất viện chúng tôi mới đánh giá ca ghép là thành công hoàn hảo.

PV: Để có được thành công này, BV đã trải qua thất bại nào chưa? Kinh nghiệm để tiến hành kỹ thuật này có từ đâu?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Để có được thành công này là sự chuẩn bị công phu của rất nhiều con người, của tập thể BV, sự chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành. Sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ làm trực tiếp. Có được những kinh nghiệm trong kỹ thuật ghép tạng như hôm nay là cả một thời gian hơn 20 năm BV thực hiện kỹ thuật ghép tạng từ những ngày đầu còn sơ khai, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, kinh nghiệm chưa có nhiều và đến nay, ghép tạng, đặc biệt là ghép thận đã trở thành thường quy. Thậm chí 1 ngày BV có thể ghép 2 - 3 cặp thận và bệnh nhân ghép thận chỉ cần 3 - 5 ngày có thể giải phóng ra ngoài khu chăm sóc đặc biệt. Chính vì thế những người tham gia ca ghép nói trên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, trong một năm có nhiều đoàn công tác quốc tế tới BV hội thảo khoa học, do vậy cũng nâng cao được các kỹ thuật khi ghép và chăm sóc bệnh nhân sau ghép.

Nhân đây, qua báo Sức khỏe&Đời sống cho tôi thay mặt toàn thể BV gửi lời biết ơn sâu sắc tới thân nhân, gia đình có người thân đã thực hiện nghĩa cử cao đẹp hiến tạng của mình cho người bệnh.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Văn Hậu - Kim Sơn (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/nhung-con-so-day-an-tuong-tu-ca-ghep-tuy-than-dau-tien-tai-viet-nam-20140305202708435.htm