Những cơn sóng gió của người Do Thái ở Argentina

Nhân vật Yosi được trình chiếu trong phim trên chương trình Amazon Prime, là câu chuyện vạch trần những hậu quả nguy hiểm của chủ nghĩa bài Do Thái phi lý, cũng như gã mật vụ không có gốc Do Thái đã bày tỏ sự ăn năn về hành động của mình một thời trên đất nước Nam Mỹ tuyệt đẹp - Arghentina.

Dựa trên một câu chuyện có thật, loạt phim “Yosi, điệp viên hối lỗi” của Amazon Prime đã xoay quanh nhân vật chính “Yosi” (tên khác là Jose Perez), một mật vụ được chính phủ Argentina biệt phái nhằm thâm nhập vào cộng đồng người Do Thái trên đất nước này. Suốt 20 năm, Jose Perez sống trong thân phận Do Thái bằng cách che đậy nguồn gốc thực sự của mình, và ông đã phải lòng đời sống và văn hóa của người Do Thái. Trong danh tính giả Yosi, ông lập gia đình (và sau đó ly hôn) với một phụ nữ Do Thái và cuối cùng cải sang đạo Do Thái.

Phát biểu trên tờ Bưu điện Jerusalem, giáo sĩ Mauricio Balter, người tin về việc cải sang đạo Do Thái của Yosi vào năm 1988, cho biết: “Ông ấy thực sự là một ứng cử viên sáng giá để làm người Do Thái. Giờ đây tôi hiểu thêm rằng ông ấy còn là một nghệ sĩ cừ”. Yosi tin rằng hoạt động trinh sát mà ông cung cấp cho giới chức tình báo Argentina đã góp phần hình thành nên những cuộc tấn công kịch tính nhất trong lịch sử nước này: Vụ đánh bom năm 1992 vào tòa Đại sứ Israel ở Buenos Aires, và vụ đánh bom năm 1994 vào một trung tâm Cộng đồng Do Thái cũng ở Buenos Aires. Cả 2 vụ này đều làm chết và bị thương hàng trăm người.

Hợp tác xã nông nghiệp “Barón Hirsch” của Rivera, tỉnh Buenos Aires.

Cộng đồng Do Thái ở Argentina

Suốt hàng thế kỷ, người Do Thái đã sinh sống ở Argentina. Giới sử gia đã lần theo dấu vết của “Conversos” tức “Người Do Thái bí mật” - những người đã định cư tại thuộc địa Tây Ban Nha sau khi họ bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492. Tòa án dị giáo chỉ chính thức chấm dứt vào năm 1810 khi Argentina giành được độc lập từ Tây Ban Nha. Người Do Thái bắt đầu di chuyển đến nước mới, tìm kiếm tự do tôn giáo.

Cuối những năm 1800, theo cách nói của sử gia Ricardo Feierstein, “làn sóng người Do Thái di cư đến Argentina hàng triệu người, bao gồm hàng vạn người Do Thái Đông Âu, đã định cư ở Argentina. Thủ đô Buenos Aires trở thành điểm hội tụ. Các khu định cư Do Thái tràn ngập các giáo đường, trường học và thậm chí cả nhà hát Do Thái”.

Đến năm 1914, Buenos Aires được xếp là thành phố lớn thứ 2 thế giới của người Do Thái ở bờ Đông Châu Mỹ (sau New York), khoảng 150.000 người Do Thái sống ở Argentina thời đó. Trong số hàng ngàn người Do Thái chuyển tới Argentina có độ 824 người Nga gốc Do Thái đã đến Argentina vào năm 1889 trên tàu thủy S. S. Weser, và định cư ở Đông Bắc Argentina, họ quyết định làm nông. Với sự giúp sức của Mạnh Thường Quân người Do Thái là Nam tước Maurice de Hirsch, họ đã thành lập Hội thuộc địa Do Thái (JCA) và mua hơn 600.000 ha đất để thành lập nên thành phố Moisevills.

Vào thời hoàng kim, có hơn 2.000 người Do Thái sống ở Moisevills, làm chủ trang trại và nông dân. Thị tứ này vẫn tồn tại đến nay, dù dân số giảm nhanh chóng với rất ít người Do Thái sinh sống. Chính thử nghiệm về quyền tự quản của người Do Thái theo kiểu này đã gây nên bi kịch cho người Do Thái ở Argentina, như loạt phim “Yosi, điệp viên hối lỗi” đã đề cập.

Chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng

Khi cộng đồng Do Thái ngày càng phát triển thì chủ nghĩa bài Do Thái cũng gia tăng. Trong suốt sự kiện “Tuần lễ bi kịch” với những cuộc đình công và bạo lực cộng đồng làm rung chuyển thủ đô Buenos Aires vào tháng 1/1919, nhiều nhóm chính trị cực hữu và các cảm tình viên đã thể hiện sự giận dữ của họ với người Do Thái, công khai kêu gọi tàn sát cộng đồng người Do Thái ở Argentina. Hàng trăm ngôi nhà của người Do Thái bị tấn công và “hôi” của, người Do Thái bị lôi ra khỏi nhà và bị đánh nhừ tử trên đường phố.

Năm 1946, ông Juan Peron đắc cử Tổng thống Argentina và công khai thông cảm với những người Đức Quốc xã (ĐQX) đang chạy trốn công châu Âu, liền mở cửa biên giới cho các cựu tội phạm chiến tranh ĐQX tìm đến nương náu. Cùng lúc đó, ông Peron hạn chế người Do Thái nhập cư vào đất nước mình.

Trong thời kỳ quân quản ở Argentina (1976 - 1983), nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ là người Do Thái bị chính quyền quân sự bắt cóc và tra tấn. Ước tính có từ 1.000 đến 9.000 người Do Thái Argentina đã bị sát hại trong thời gian này. Một trong những huyền thoại bài Do Thái dai dẳng ở Argentina là cái gọi là “Kế hoạch Andinia”. Vốn từ lâu là thành phần cốt lõi trong các nhóm cực hữu và tân phát xít ở Argentina, lý thuyết sai lầm này đã bắt nguồn từ thời các chủ đất Do Thái tổ chức mua đất nông nghiệp ở Argentina trong thập niên 1800.

“Kế hoạch Andinia” được cho là mưu độc do người Do Thái Argentina ấp ủ nhằm thâu tóm vùng Patagonia của nước này để tiến tới thành lập một nhà nước Do Thái hoặc thuộc địa ở đó. Chính lời nói bóng gió này đã chống lại người Do Thái ở Argentina và kích động sự bài Do Thái trên khắp đất nước và rộng hơn trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha suốt nhiều thế hệ.

Nam diễn viên Gustavo Bassani vai Yosi trong phim “Yosi, điệp viên hối lỗi” bước trên đống đổ nát trong vụ đánh bom tòa nhà AIMA.

Cuộc điều tra của Jose Perez

Ngày 17/3/1992, một kẻ đánh bom tự sát đã lái một chiếc xe bán tải chở đầy thuốc nổ đến cửa tòa đại sứ Israel ở Buenos Aires và cho kích nổ chiếc xe tải. Cả tòa đại sứ quán đổ sập hoàn toàn. 29 người được xác định đã chết và 242 người khác bị thương. Hai năm sau đó, ngày 18/7/1994, một chiếc xe tải chất đầy thuốc nổ khác được nhắm vào một mục tiêu Do Thái, lần này là Associacion Mutual Israelita Argentina (AMIA, một trung tâm cộng đồng Do Thái rất nổi tiếng ở thủ đô Buenos Aires). Tay tài xế đã kích nổ chiếc xe tải làm chết 87 người và hơn 300 người khác bị thương.

Mặt khác, trong khi các lực lượng chính phủ Argentina không đứng đằng sau các vụ tấn công liều chết thì vẫn còn đó sự hoài nghi dai dẳng rằng các lãnh đạo nước này đã giúp che đậy sự thật. Năm 2005, Công tố viên người Argentina, Alberto Nisman (cũng là điều tra viên chính trong vụ tấn công AMIA) tuyên bố rằng ông có ý định buộc tội hình sự đối với Tổng thống Argentina lúc bấy giờ là Cristina Kirchner cùng cựu ngoại trưởng Hector Timerman vì đã che đậy bằng chứng trong vụ đánh bom AMIA. Nhưng ông Alberto Nisman đã bị sát hại tại tư gia chỉ vài giờ trước khi ông xuất hiện tại quốc hội Argentina nhằm giải thích về những lời buộc tội của mình. Tại thời điểm này, sau nhiều năm đóng giả là người Do Thái, ông Jose Perez hoàn toàn vỡ mộng với chủ nghĩa bài Do Thái mà ông đã quan sát được bên trong Argentina.

Cuối cùng Perez rời cơ quan tình báo và cung cấp tất cả những gì ông biết được cho văn phòng của công tố viên Alberto Nisman. Sợ rằng tính mạng của mình sẽ bị đe dọa, Perez đã tham gia vào chương trình bảo vệ các nhân chứng và lặng lẽ rời khỏi Argentina. Năm 2000, ông Jose Perez đã liên lạc với 2 ký giả người Argentina gốc Do Thái là bà Miriam Lewin và ông Horacio Lutzky, và cho họ hay ông muốn kể chuyện về đời mình. Perez bị thuyết phục rằng giới chức Argentina đã tiếp tay nhằm che đậy các vụ đánh bom ở tòa đại sứ Israel và ở AMIA. Từng có mặt ở các khu vực người Do Thái ở Argentina, nhà báo Horacio Lutzky dẫn lời cựu điệp viên Jose Perez cho biết: “Tôi không phải là người như anh nghĩ đâu. Tôi không phải là người Do Thái. Tôi là một điệp viên, một đặc vụ đã thâm nhập vào cộng đồng Do Thái”.

Nhà báo Mimiam Lewin giải thích: “Trong suốt nhiệm vụ mật của mình, Yosi đã cung cấp chi tiết về các phong trào, danh tính, danh sách tên gọi, lịch trình đi lại, các cuộc họp và những bản phác thảo về nội thất các tòa nhà cộng đồng gửi cho cảnh sát liên bang”. Perez đâm ra hết sức thất vọng khi nhận thấy rằng sau vụ đánh bom AMIA, cảnh sát liên bang không hề ưu tiên tìm ra thủ phạm mà tiếp tục đề nghị ông do thám cộng đồng Do Thái thay vì tìm ra manh mối danh tính kẻ đánh bom. Cần biết rằng năm 1985, Jose Perez (người không có gốc Do Thái) được giao nhiệm vụ thâm nhập vào cộng đồng người Do Thái ở Argentina. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là chứng minh tính thực hư về “Kế hoạch Andinia”. Lấy tên tiếng Do Thái là Yosi, ông Perez đã lân la làm quen với những người Do Thái địa phương rồi cuối cùng hòa nhập vào đời sống Do Thái để tạo dựng vỏ bọc cho mình.

Khi đã quen thuộc với đời sống Do Thái ở Argentina, chẳng mấy chốc ông nhận ra âm mưu đứng sau giả thuyết Andinia. Trong loạt phim truyền hình, Yosi đã cho các quan chức tình báo xem một đoạn video mà ông đã quay cảnh các lãnh đạo cộng đồng Do Thái đang cười chế diễu câu chuyện hoang đường Andinia. Một lãnh đạo Do Thái trong video cười và nói: “Đó là thứ tầm phào chống Do Thái. Nó đã diễn ra nhiều thập niên. Chuyện cũ rích”. Khi Yosi cho cấp trên xem video này, họ đã nhất quyết bám vào thuyết âm mưu gây mất uy tín. Họ phản hồi: “Đừng để bị đánh lừa, Jose (Jose Perez). Họ cố tình bịa ra nó để bảo vệ bản thân, làm cho nó trông vô lý. Song kế hoạch đó là có thực. Phức tạp lắm”. Chỉ phí công khi chống lại thành kiến chỉ bằng lý trí.

Quang cảnh sau vụ đánh bom tòa nhà AMIA ở Buenos Aires, Argentina.

Từ đời thực lên phim ảnh

Ông Daniel Burman (đạo diễn người Argentina gốc Do Thái, người đã xây dựng nên bộ phim “Yosi, điệp viên hối lỗi”) đã trải qua 2 cuộc tấn công tự sát năm 1992 và 1994. Tờ Thời báo Israel dẫn lời đạo diễn Daniel Burman khi ông nhớ lại cái ngày định mệnh: “Ngày 17/3/1992, trong lúc đi bộ về nhà cha mẹ ở Buenos Aires thì đột nhiên tôi nghe tiếng còi báo động hú rền vang. Khi tòa nhà AMIA bị đánh bom 2 năm trước đó, tôi thậm chí còn đến gần hơn. Tôi sống cách hiện trường chỉ vài khối nhà. Tôi thấy nhiều người đi lại hỗn loạn, còn đèn trong ngoài khu vực đều tắt”. Daniel Burman đã nghĩ tới việc làm một bộ phim hay một loạt phim truyền hình về những vụ tấn công đó, nhưng chưa nhìn thấy thời điểm hợp lý.

Rồi thì năm 2017, ông Burman đến một hiệu sách và thốt nhiên mình có một phương pháp hoàn hảo để kể câu chuyện về các vụ đánh bom. Cuốn sách mới nhất viết về cựu điệp viên Jose Perez của 2 ký giả Miriam Lewin và Horacio Lutzky mới chỉ phát hành. Cuốn sách mang tựa đề “Iosi. El espia arrepentido” (Yosi, điệp viên hối lỗi) sẽ kể chân thực về cuộc đời của ông Jose Perez từ lúc ông được tuyển làm gián điệp thâm nhập vào cộng đồng Do Thái, cho đến quyết định đến gặp văn phòng công tố liên bang, và sau cùng là chương trình bảo vệ các nhân chứng. Đạo diễn Daniel Burman giải thích: “Tôi gọi điện cho các tác giả và nói rằng câu chuyện của họ đang chờ tôi. Một khi bắt tay vào làm phim, tôi nhận ra rằng đó là dự án của đời tôi”.

Jose Perez sống đan xen tại một địa điểm không được tiết lộ ở Argentina và một quốc gia hải ngoại. Từng phỏng vấn rất nhiều lần với Jose Perez cho cuốn sách của mình, nhà báo Miriam Lewin giải thích: “Chúng tôi không biết ông ấy (Jose Perez) ở đâu, chỉ biết chắc rằng ông đã an toàn. Cuộc sống cá nhân của ông ấy đã bị hủy hoại. Perez cảm thấy cô độc và thất vọng - và ông vẫn muốn mang công lý về cho các gia đình có người thân đã khuất”.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nhung-con-song-gio-cua-nguoi-do-thai-o-argentina-i726183/