Những 'con sóng nhỏ' phát triển kinh tế gia đình của phụ nữ Vĩnh Long

Mỗi người mỗi mô hình, mỗi ý tưởng khác nhau nhưng lại có chung một mục đích là phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long. Họ là những 'con sóng nhỏ' tạo nên 'làn sóng lớn' giữa 'biển' khởi nghiệp.

Những "con sóng nhỏ"

Là người con của quê hương Long Mỹ (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), chị Lê Thị Bích Ngọc theo chồng về vùng đất ngàn hoa phát triền nghề trồng hoa. Thời gian đầu, chị Ngọc chỉ lấy hàng từ Đà Lạt về bán lại tại quê nhà. Về sau, nhận thấy nhu cầu tại thị trường Vĩnh Long khá cao, chị mạnh dạn đầu tư làm nhà kính, lựa chọn mua giống hoa trực tiếp tốt nhất từ Đà Lạt mang về trồng thử. Nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, vợ chồng chị đã đạt được năng suất và chất lượng như mong muốn. Anh chị trồng chủ yếu là hoa huệ, hoa lay ơn và hoa cúc các loại, còn các loại hoa khác anh chị vẫn lấy hàng từ Đà Lạt về phân phối lại.

“Tôi đang trồng thử nghiệm cúc bất tử, nay đã nở búp rồi, thích lắm. Sắp tới, vợ chồng tôi dự định sẽ mở rộng ra thêm khoảng 9.000 m2 trồng thêm hoa các loại như hướng dương, cẩm chướng, đồng tiền và 3.000 m2 trồng kiểng, mở rộng thêm thị trường trong và ngoài tỉnh”, chị Ngọc cho biết.

Ngoài trồng hoa, chị Ngọc còn mở thêm một shop bán hoa tươi tại xã Long Mỹ phục vụ bà con tại địa phương và các vùng lân cận. Các mối lấy hàng của chị rải khắp trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là tại chợ Vĩnh Long.

“Nghề này ngoài nắm rõ kỹ thuật thì cũng rất tốn công để chăm sóc, canh thời gian để tưới, ngắt đọt. Hai vợ chồng làm không xuể phải thuê thêm lao động tại địa phương. Chỗ của chúng tôi cũng bán cây giống để mọi người có thể mua về trồng. Dịp tết, chúng tôi bỏ được thêm nhiều mối tại chợ Vĩnh Long và tại địa phương, giá bán cũng không cao hơn nhiều”, chị Ngọc cho biết thêm.

Mô hình “mang hoa Đà Lạt về đồng bằng” của chị Bích Ngọc

Chị Ngô Nguyễn Hiền Nhi, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Mỹ (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đây là mô hình khởi nghiệp của hội viên phụ nữ theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao, vốn đầu tư cũng khá cao. Hội LHPN xã cũng hỗ trợ cho chị Ngọc vay thêm 30 triệu đồng, tuy số tiền này không thấm vào đâu nhưng nó thể hiện sự quan tâm của địa phương, khuyến khích chị tiếp tục phấn đấu lao động sản xuất. Chị Ngọc là một hội viên phụ nữ có bản lĩnh, năng động, dám nghĩ dám làm. Chị Ngọc được Hội LHPN tỉnh khen thưởng hội viên tiêu biểu trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp.

Cũng khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, chị Nguyễn Đặng Phương Khánh (xã Trường An, TP Vĩnh Long) đang thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ trồng trong nhà lưới. Sau nhiều khó khăn, đến nay mô hình của chị cũng gặt được nhiều thành công. Hiện tại, chị có kênh mua bán hàng online, giới thiệu sản phẩm, các mặt hàng như dưa lưới, cà chua bi, dưa leo, nấm bào ngư và liên kết với các doanh nghiệp cung cấp gạo sạch hữu cơ. Chị Khánh chia sẻ: “tôi tìm hiểu qua các kênh thông tin và tham quan các mô hình nông nghiệp đô thị, tham gia các lớp tập huấn để nắm kỹ thuật trồng. Sắp tới, tôi có dự kiến sẽ mở rộng thêm nhà lưới, tạo thêm việc làm cho chị em tại địa phương, hướng tới chất lượng bữa ăn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”.

Cơ hội đi kèm với thách thức

Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng, tập trung thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Các hoạt động này được triển khai đến các cấp hội trong toàn tỉnh nhằm hướng đến tiếp sức các mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho chị em đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương.

Nổi bật nhất là sự ra đời của Hội Nữ doanh nhân tỉnh Vĩnh Long, đây là cơ sở liên kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ nhỏ và vừa phát triển kinh doanh, thực hiện các ý tưởng sáng tạo, xây dựng chuỗi liên kết, khởi nghiệp. Tính trong năm 2018, các cấp hội đã hỗ trợ 336 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua nhiều hình thức, giúp chị em có vốn mua bán, chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao chuỗi giá trị; với tổng số tiền hỗ trợ trên 4,6 tỷ đồng.

Phụ nữ Vĩnh Long trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp đến mọi người.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì phụ nữ khởi nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Số doanh nghiệp do nữ làm chủ chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, những định kiến tồn tại lâu đời liên quan đến gia đình và con cái khiến chị em có ít cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi…

Bà Phan Kim Quyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long cho biết, thông qua các ý tưởng khởi nghiệp đã tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ phát triển, khơi dậy sức sáng tạo của phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh những điều kiện và năng khiếu sẵn có, chị em cần phải tự tin, sáng tạo, phát huy tài năng, nắm bắt thời cơ, tìm kiếm nguồn hỗ trợ hiệu quả để thật sự tỏa sáng.

Phạm Thương Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/san-pham-hong/nhung-con-song-nho-phat-trien-kinh-te-gia-dinh-cua-phu-nu-vinh-long-post65878.html