Những công dụng của vị thuốc hương phụ

Người xưa đã nhận định: Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ. Hương phụ được dùng để trị nhiều chứng bệnh khác nhau, là vị thuốc thiết yếu với nữ giới mà cũng có ích với các bệnh của nam giới.

Cây hương phụ, còn gọi là cỏ gấu, là một loại cỏ sống lâu năm, cao 20 - 60cm, thân rễ phát triển thành củ, tùy theo đất rắn hay xốp củ phát triển to hay nhỏ, ở vùng bờ biển củ to dài còn gọi là hải hương phụ (hương phụ vùng biển).

Các lương y thường dùng thất chế hoặc tứ chế hương phụ, phổ biến nhất là tứ chế. Thất chế hay tứ chế cũng lại có nhiều cách làm. Dưới đây chúng tôi giới thiệu phương pháp hay dùng nhất: Cân 1kg hương phụ, chia làm 4 phần: một phần (250g) ngâm với 200ml dấm (có độ axít axetic 5%), một phần ngâm rượu 40%, một phần ngâm nước tiểu trẻ em (nước tiểu của trẻ em khỏe mạnh), bỏ phần đầu và phần cuối, chỉ lấy phần giữa, một phần ngâm nước muối 15%. Thời gian ngâm thay đổi tùy theo mùa: 1 ngày 1 đêm nếu là mùa Hè, 3 ngày 3 đêm nếu là mùa Thu, 7 ngày 7 đêm nếu là mùa Đông. Cuối cùng lấy ra sao hay phơi khô rồi trộn đều 4 phần với nhau.

Theo lý luận đồng y, ngâm giấm vị chua là để thuốc vào gan, muối vị mặn sẽ dẫn thuốc vào thận, rượu bốc lên cho nên dẫn thuốc đi lên trên, nước tiểu thêm tác dụng bổ. Đáng lẽ chia 4 phần, có người dùng dấm và rượu mỗi thứ 160g, muối 20g, nước tiểu trẻ con mạnh khỏe vừa đủ để ngập hương phụ, cho vào đó 600g hương phụ rồi ngâm theo thời gian nói trên, cuối cùng sấy hay phơi khô mà dùng.

Thất chế là làm như trên nhưng thêm 3 lần tẩm nữa như tẩm với nước gừng, tẩm nước cam thảo, tẩm nước vo gạo. Nghĩa là tẩm với 7 thứ. Trên thực tế còn nhiều cách chế biến rất phức tạp và thay đổi tùy theo sáng kiến của thầy thuốc. Cho nên khi dùng cũng như khi nghiên cứu cần biết dùng loại hương phụ nào. Qua kinh nghiệm hơn 20 năm, chúng tôi không chế biến gì cả, kết quả vẫn rất tốt.

Một số nghiên cứu trên tử cung cô lập của thỏ, mèo, chó và chuột bạch đã chứng minh hương phụ có khả năng ức chế sự co bóp của tử cung, làm dịu sự căng thẳng của tử cung dù con vật có thai hay không có thai đều như nhau, gần như có tác dụng trực tiếp làm cơ tử cung dịu lại. So sánh tác dụng của cao lỏng hương phụ và cao lỏng đương quy thì tác dụng giống nhau, nhưng tác dụng của đương quy mạnh hơn.

Đối với kinh nguyệt: tinh dầu có hoạt tính nhẹ của kích thích tố nữ, vì vậy, Hương phụ thường được dùng làm thuốc điều kinh (Trung dược học).

Giảm đau, an thần kinh: cồn chiết xuất hương phụ có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giải nhiệt nhẹ. Có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh (Trung dược học).

Về tác dụng khai uất, điều kinh: hương phụ chia làm 4 phần, ngâm riêng mỗi phần với muối, dấm, rượu, nước tiểu trẻ em. Sao khô, nghiền thành bột mịn làm hoàn. Dùng khi tinh thần uất ức gây nên kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, vú trướng đau, đây cũng là tác dụng “đặc biệt” của hương phụ, đến nỗi người xưa đã có câu: “Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ”, người phụ nữ do tâm tính riêng biệt, dễ bị uất ức dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, vú trướng đau… rất cần vị hương phụ (tẩm dấm - để đi vào can khí) để giải các uất ức. Đây có lẽ do hương phụ có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh (y học hiện đại) và sơ can giải uất (y học cổ truyền).

Trị kinh nguyệt không đều: hương phụ (sao) 9g, ích mẫu thảo 20g, đường đỏ (hồng đường) 20g. Hương phụ và ích mẫu nấu trước, khi sôi đều, lọc bỏ bã, thêm đường vào uống. Liên tục 3 - 5 ngày.

BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-cong-dung-cua-vi-thuoc-huong-phu-348809.html