Những công nghệ phòng ngừa tại nạn khi lái xe say rượu

Liên tục trong thời gian qua, tại Việt Nam đã xảy ra các tai nạn liên quan đến tài xế say rượu khi lái xe. Để phòng ngừa các vụ tai nạn ngoài ý thức tài xế còn cần áp dụng các công nghệ mới.

Công nghệ của Volvo

Mới đây, trong thông cáo của hãng xe Volvo đã thông báo về việc ứng dụng công nghệ mới phát hiện tài xế say rượu. Theo đó, Volvo cho biết, đến năm 2020 các loại xe của Hãng sẽ được lắp camera và cảm biến xác định tài xế say xỉn để hạn chế tai nạn giao thông.

Camera và cảm biến được Volvo lắp đặt ngay phía trên tài xế.

Camera và cảm biến được Volvo lắp đặt ngay phía trên tài xế.

Cách thức hoạt động của hệ thống này trên xe Volvo rất đơn giản, nếu phát hiện tài xế uống vượt mức giới hạn, không phản ứng với các tín hiệu cảnh báo phát ra trong xe, ngay lập tức chiếc xe tự động giảm tốc độ, hoặc dừng hẳn, đồng thời truyền tín hiệu đến cảnh sát nhờ can thiệp.

Theo ông Henrik Green - Phó chủ tịch Nghiên cứu và Phát triển Volvo, việc thiết lập hệ thống này giúp loại trừ tai nạn do người lái say xỉn gây ra.

“Camera và cảm biến sẽ giám sát chặt chẽ từng hành vi của tài xế để phân tích khả năng say xỉn, có dấu hiệu ngủ gật, sử dụng điện thoại hoặc có hành vi đánh lái tránh chướng ngại vật một cách không thích hợp, hay phản ứng với các tình huống trên đường quá chậm, từ đó công nghệ sẽ tự động can thiệp” - ông Henrik Green chia sẻ.

Ông Trent Victor, giáo sư giảng dạy về hành vi lái xe tại Volvo cho biết, có rất nhiều tai nạn do tài xế say xỉn gây ra, vì nhiều người vẫn tin rằng họ kiểm soát được xe sau khi uống nhiều rượu bia. Do đó, công nghệ này của Volvo là để đảm bảo mọi người không đặt mình vào nguy hiểm đến từ nguyên nhân uống quá nhiều.

Đây cũng là một phần trong kế hoạch của Volvo Vision nhằm giảm số người chết hoặc bị thương nặng xuống con số 0% khi điều khiển xe Volvo.

Vào đầu năm 2019, Volvo đã tích hợp công nghệ khóa xe ở tốc độ cao nhất là 180 km/giờ. Thông qua đây, nhà sản xuất xe hơi Thụy Điển muốn gởi thông điệp nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của việc chạy xe quá tốc độ cho phép.

Giám đốc Điều hành Volvo Hevkan Samuelsson chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, giới hạn tốc độ sẽ giúp cứu mạng người. Vì tốc độ luôn là trò chơi gây nghiện và là nguyên nhân gây tai nạn hàng đầu. Một nghiên cứu của Cơ quan Quản lý an toàn giao thông Hoa Kỳ cho thấy, một phần tư số trường hợp tử vong là do chạy quá tốc độ”.

Volvo còn kết hợp giữa công nghệ kiểm soát tốc độ với việc xác định vùng địa lý, để buộc chiếc xe phải tự đi chậm khi đến các khu vực trường học hay bệnh viện.

Hệ thống DADSS

Ngoài hệ thống của Volvo hiện nay còn có một công nghệ khác đang được phát triển. Đó là hệ thống phát hiện tài xế say rượu (viết tắt là DADSS), hệ thống này gồm 2 bộ cảm biến, đo nồng độ cồn trong hơi thở và trên da của tài xế. Hai thiết bị cảm biến này được đặt ngay trên vô-lăng và nút khởi động của xe.

Khi tài xế vào xe, không khí quanh ghế lái được hút vào cảm biến. Từ đó thiết bị sẽ phân tích nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế. Trong khi cảm biến còn lại chiếu tia hồng ngoại vào phần da tiếp xúc ở nút khởi động. Ánh sáng phản chiếu lại chứa thông tin về nồng độ cồn trong mao mạch.

Sự kết hợp của cả 2 thiết bị đảm bảo rằng kết quả từ người lái chính chứ không phải hành khách đi cùng xe. Tất cả quá trình này chỉ diễn ra trong vòng 1 giây.

Hệ thống DADSS được gắn trong xe.

Nếu nồng độ cồn đo được vượt quá mức quy định tức 0,08% động cơ xe sẽ tự động tắt.

Đây là phát minh của một nhóm kỹ sư người Mỹ. Hiện nhóm đang liên kết cùng các hãng sản xuất ô tô để đưa công nghệ này vào thực tế.

Cơ quan an toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) cũng đang cân nhắc tích hợp vào mọi loại ô tô, như một tính năng an toàn để tránh nguy cơ gây tai nạn giao thông do say rượu lái xe.

Nguyễn Long

Bạn đang đọc bài viết Những công nghệ phòng ngừa tại nạn khi lái xe say rượu tại chuyên mục Khoa Học - Công nghệ của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/phong-ngua-lai-xe-say-xe-bang-cong-nghe-moi-150930.html