Những công trình 'đại thủy nông' và hành trình chinh phục - Bài 2: Những triệu phú 'chân đất'

An Mã là hồ chứa nước có dung tích lớn nhất huyện Lệ Thủy với sức chứa hơn 60 triệu m3 nước. Nguồn nước mát ngọt này đã tiếp sức cho những cánh đồng lúa ở Lệ Thủy, làm dịu mát cả một vùng đồi núi bao la, điệp trùng lâu nay khô khát, kiệt quệ...

Bài 1: Bình yên Rào Đá…

Gần hai thập kỷ tồn tại, hồ chứa nước An Mã trở thành “điểm tựa” cho người dân xây dựng cuộc sống. Cũng chính từ dòng nước mát ngọt này, biết bao thế hệ người dân đã kiên cường bám đất, bám làng đẩy lùi nghèo khó để trở thành những triệu phú ở vùng phía Tây Nam huyện Lệ Thủy…

Anh Trần Công Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy đã mấy lần hẹn tôi lên với An Mã, lên gặp những nông dân “chân đất” đang ngày đêm cần mẫn khai hoang, bám hồ An Mã để làm giàu nhưng tôi lần lừa mãi. Thế rồi, vào một chiều nắng bỏng rát đầu tháng sáu, lời hẹn với An Mã, với anh Sáu đã thôi thúc tôi lên đường...

Vào lối rẽ từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, quanh co trên những con đường đất đỏ dưới những tán rừng trồng xanh thẳm, cuối cùng, tôi cũng đã chạm được dòng nước mát ngọt tại hồ An Mã. Đứng trên đập An Mã, phóng tầm mắt nhìn về phía xa là bao la trùng điệp của những cánh rừng và mênh mông nước hồ An Mã.

Anh Sáu, người bạn đồng hành dẫn tôi vào nhà anh Đỗ Thái Kỹ (SN 1988) ở thôn Việt Xô- người xây dựng cơ nghiệp dưới chân hồ An Mã. Anh Kỹ có gốc gác ở thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy. Năm 2015, sau khi lập gia đình, anh Kỹ cùng vợ là Trần Thị Thương (SN 1988) "gồng gánh" lên hồ An Mã thuê đất để làm trang trại tổng hợp.

Nhiều trang trại dưới chân hồ An Mã đã làm thay đổi diện mạo cả một vùng đất đai rộng lớn của huyện Lệ Thủy.

Nhiều trang trại dưới chân hồ An Mã đã làm thay đổi diện mạo cả một vùng đất đai rộng lớn của huyện Lệ Thủy.

Theo chia sẻ của anh Kỹ, với khoảng 5.000m2 đất thuê, anh đã mạnh dạn tận dụng nguồn nước sẵn có của hồ An Mã để đào ao thả cá; nuôi lợn, bò… Mấy năm đầu khởi nghiệp, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, do mùa mưa lũ, nước từ hồ An Mã dâng cao cuốn trôi những thành quả mà gia đình anh xây dựng được.

Nhưng không nản chí, vợ chồng anh lại cải tạo ao hồ, quyết bám đất, bám nguồn nước hồ An Mã để tiếp tục khởi nghiệp. Đến nay, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của vợ chồng anh đã cơ bản hoàn thiện với hơn 9 sào diện tích mặt nước nuôi cá hai vụ; một trang trại nuôi lợn gồm 10 con lợn nái và 80 con lợn thịt cùng 3 con bò... Mỗi năm, thu nhập từ trang trại lên đến vài trăm triệu đồng.

“Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trang trại gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tiêu thụ và giá thành giảm. Dẫu vậy, từ nhiều năm qua, tôi đã cảm nhận được và thầm cám ơn dòng nước mát ngọt hồ An Mã đã cho gia đình tôi cuộc sống đủ đầy hơn…!”, anh Kỹ bộc bạch.

Từ trang trại của anh Kỹ, tôi men theo con đường nhỏ bên cạnh hồ An Mã đi vào thăm trang trại của anh Lê Văn Hoàng (SN 1989). Anh Hoàng cũng thuộc thế hệ những người người trẻ tuổi, bám hồ An Mã để mưu sinh hàng ngày bằng con cá, con tôm, nhưng khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng ít, anh Hoàng lại chuyển sang hình thức sản xuất mới, đó là nuôi lợn rừng.

Trang trại của gia đình anh Hoàng nằm ngay ngã ba ranh giới giữa các xã Thái Thủy, Trường Thủy và Kim Thủy. Cách nói vui của anh là: "Giờ tôi muốn mình là người xã nào cũng được!".

Trong căn nhà nhỏ cạnh hồ An Mã, anh Hoàng chia sẻ, năm 2014, vợ chồng mới cưới nhau, bố mẹ cho "ra riêng" một khoảnh đất trong cánh rừng keo của gia đình ngay cạnh lòng hồ An Mã để sinh sống. Cơ ngơi, vốn liếng ban đầu chỉ là một chiếc thuyền nhỏ để làm kế sinh nhai trong lòng hồ An Mã. Nhưng, anh nghĩ chỉ dựa vào lòng hồ thì gia đình không khá lên được.

Anh Lê Văn Hoàng chăm sóc cặp lợn giống của gia đình.

Vậy là năm 2014, vợ chồng anh mua lại một cặp lợn rừng giống của bà con để về nuôi thử. Ngày đầu, do không am hiểu kỹ thuật, lại chưa biết cách nuôi, cặp lợn giống bỏ ăn, lăn đùng ra chết. Không nản chí, anh lại tiếp tục mua lợn rừng về nuôi. Lần này, anh lên mạng Internet, tìm kiếm sách vở để học cách nuôi lợn rừng.

Sau bao năm mày mò tìm hiểu, giờ anh Hoàng đã trở thành một “cao thủ” nuôi lợn rừng tại địa phương. Nhiều thương lái đã lên tận trang trại anh Hoàng tìm mua, năm vừa rồi, anh đã xuất bán được hơn 100 con lợn rừng, trung bình mỗi con có giá từ 4-5 triệu đồng.

Anh Hoàng cho biết thêm, ngoài nuôi lợn rừng, gia đình còn đầu tư nuôi thêm bò. Theo tính toán của anh, cuối năm xuất chuồng lợn rừng, nếu thuận lợi, gia đình sẽ có khoản thu vài trăm triệu đồng.

Anh Trần Công Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Thủy cứ tâm đắc mãi, rằng sự hiện diện của hồ chứa nước An Mã ngoài mục tiêu phục vụ nước sản xuất, còn có trọng trách "phân lũ" cho hạ du, rồi tạo sinh kế cho người dân các xã Trường Thủy, Thái Thủy, Kim Thủy… Và từ những dòng nước mát ngọt của hồ An Mã, người dân đã bám đất, bám làng để khởi nghiệp, làm giàu, trở thành những triệu phú vùng phía Tây Nam huyện Lệ Thủy.

Tôi rời An Mã trong một chiều miên man đầy gió và nắng, đứng trên đập An Mã vút tầm mắt nhìn xuống phía xa xa, chợt thấy cả vùng đất bao la đồi núi điệp trùng đã đổi mới, để biết rằng sự đóng góp của công trình “đại thủy nông” An Mã đối với người dân và vùng đất ở đây lớn lao biết nhường nào.

Ngọc Hải

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202106/nhung-cong-trinh-dai-thuy-nong-va-hanh-trinh-chinh-phuc-bai-2-nhung-trieu-phu-chan-dat-2190211/