Những công trình 'đại thủy nông' và hành trình chinh phục

Được xem là hai công trình 'đại thủy nông' lớn của tỉnh Quảng Bình, hồ chứa nước Rào Đá (huyện Quảng Ninh) và An Mã (huyện Lệ Thủy) từ bao năm nay đã ' tiếp sức' cho những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay của hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, làm dịu mát những vùng đồi núi bao la vốn khô khát, kiệt quệ...

Và, dưới những công trình “đại thủy nông” lớn này, nhiều làng quê trù phú đã dần “thay da đổi thịt”; những nông dân bao năm chân lấm tay bùn tựa vào đó để mưu sinh và trở thành triệu phú…

Bài 1: Bình yên Rào Đá…

Rào Đá, tên của công trình thủy lợi lớn nhất, nhì tỉnh Quảng Bình, tên của dòng sông và cũng là địa danh của vùng đất vốn nhiều gian khó. Nhiều năm trước, cứ mỗi lần lên với Rào Đá, hầu như người dân phải đi bằng đường thủy. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, con đường liên xã nối từ Tân Ninh, qua Xuân Ninh, vượt dốc Ma Nang vào trung tâm xã Trường Xuân được kiến tạo, một chiếc cầu bê tông chắc chắn bắc ngang dòng sông Rào Đá xanh ngắt. Ẩn mình dưới công trình “đại thủy nông”, làng Rào Đá đã có những chuyển mình, dẫu còn bao bộn bề lo toan…

Tháng sáu, tiết trời nắng như đổ lửa, tôi vượt dốc Ma Nang vào làng Rào Đá (xã Trường Xuân). Giờ đang vào mùa gieo lúa vụ hè-thu, những cánh đồng quanh làng tấp nập người dân nói vui, gọi nhau í ới. Mấy lần điện thoại cho trưởng thôn Rào Đá Trần Công Huyền nhưng không liên lạc được. Theo giới thiệu của người dân, tôi đi về phía những cánh đồng đang đầy ắp nước để tìm trưởng thôn Rào Đá.

Gặp chúng tôi, sau cái bắt tay niềm nở, trưởng thôn Rào Đá Trần Công Huyền cho biết rằng: “Giờ đang vào vụ gieo lúa, em phải chạy ngược xuôi, từ xóm trên đến xóm dưới để điều tiết nước, khơi thông kênh dẫn cho bà con gieo lúa đúng lịch thời vụ mà huyện giao. Anh đợi em tí nhé, em chạy ra đầu làng xả nước cho bà con xong rồi về nói chuyện…” Nói rồi, Huyền vội vã lao lên xe phóng đi giữa cái nắng bỏng rát.

Lát sau Huyền trở lại, ngồi dưới cây bàng cạnh nhà văn hóa thôn Rào Đá, tôi và trưởng thôn Trần Công Huyền bắt đầu câu chuyện về quá trình hình thành làng và những đóng góp hữu ích của công trình thủy lợi Rào Đá vào đời sống của người dân nơi đây.

Theo trưởng thôn Rào Đá, các cụ cao niên trong làng bảo rằng, làng Rào Đá được lập từ những năm 60 của thế kỷ trước, chủ yếu là người dân di cư từ xã Xuân Ninh. Buổi đầu hình thành, dân làng chỉ làm lúa rẫy, trồng sắn, ngô và chặt củi ven rừng để mưu sinh qua ngày. Giờ làng Rào Đá đã có gần 140 hộ và hơn 400 nhân khẩu, đời sống người dân đã khá hơn nhiều, cả làng chỉ còn 4 hộ nghèo.

“Hồ chứa nước Rào Đá với dung tích chứa trên 82 triệu m3, đập đất dài 700m, chiều cao 33m, 3 đập phụ tổng chiều dài 469m… chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011. Công trình đã mở ra một trang mới trong hành trình phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Từ nguồn nước này, người dân Rào Đá đã mở rộng diện tích đất trồng lúa, đất màu với gần 30ha. Cũng nhờ dòng nước mát ngọt từ hồ Rào Đá, cây lúa có năng suất cao, sản lượng lớn trên một đơn vị diện tích. Và, nhiều người dân cũng "nương tựa" hồ Rào Đá để mưu sinh, làm giàu trên mảnh đất yêu thương này!”, trưởng thôn Trần Công Huyền chia sẻ.

Công trình hồ thủy lợi Rào Đá.

Công trình hồ thủy lợi Rào Đá.

Anh Nguyễn Hữu Sỹ (SN 1968) đã bám lòng hồ Rào Đá mưu sinh khoảng 10 năm nay, khi hoàng hôn buông xuống, anh lại đẩy thuyền vào lòng hồ đi thả lưới, bỏ rập để bắt cá, tôm. Những hôm thuận lợi, anh có thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/ngày.

“Thôn Rào Đá hiện có khoảng 30 hộ gia đình dựa vào lòng hồ Rào Đá để mưu sinh, trước đây, nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ dồi dào, ngày có thể cho thu nhập từ 700.000-1.000.000 đồng. Nay, nguồn lợi thủy sản giảm dần, người dân khai thác trong lòng hồ lại đông, nên thu nhập giảm đi đáng kể. Không ít gia đình phải bán đò, bán thuyền chuyển sang tìm nghề phụ khác để kiếm sống. Dẫu vậy, hồ Rào Đá đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống của bà con, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương…”, anh Sỹ cho biết.

Trong ngôi nhà được xem là khang trang nhất, nhì thôn Rào Đá, anh Trần Xuân Dũng, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Rào Đá (từ năm 2008-2020) đã chia sẻ với chúng tôi về hành trình bám làng, lập nghiệp tại đây.

Theo anh Dũng, trước đây, anh cùng các đảng viên trong thôn rất trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân Rào Đá. Rồi cũng thống nhất rằng, người dân cần chú trọng phát triển nông nghiệp vì có ưu thế về nguồn nước và chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng những cây có năng suất, sản lượng cao hơn.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, gia đình tôi đã chủ động khai hoang, mở mang làm 3,5 sào lúa nước, chuyển đổi 4 sào đất màu sang trồng mía, phát triển chăn nuôi, trồng rừng. Nay, mỗi năm, gia đình tôi thu được gần 10 tạ lúa, gần 20 triệu đồng thu nhập từ mía; riêng khoản thu từ chăn nuôi và trồng rừng đạt hơn 100 triệu đồng/năm…”, anh Dũng chia sẻ.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Công trình hồ chứa nước Rào Đá đã cung cấp nước tưới cho hàng ngàn héc-ta lúa 2 vụ của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; bảo đảm nước sinh hoạt cho hàng vạn dân các xã: Xuân Ninh, Hiền Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh… Đấy là những lợi ích tích cực, nhưng, hiện nay nhân dân thôn Rào Đá vẫn đang còn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về. Bà con còn có tư tưởng chưa yên tâm vì là đầu nguồn “túi nước”. Chính quyền địa phương đã rất tích cực vận động bà con yên tâm lao động sản xuất và từng bước giải quyết một số nguyện vọng của bà con Rào Đá là sẽ tiến hành quy hoạch, di dời dân mỗi khi mưa lũ, xây nhà tránh lũ cộng đồng…”.

Trước khi rời làng Rào Đá, tôi đi ngược lên phía lòng hồ Rào Đá. Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng Rào Đá yên bình giữa trập trùng núi đồi xanh mướt. Rồi nhận ra rằng, đã từ lâu, nước Rào Đá cứ âm thầm, lặng lẽ thấm xanh những cánh đồng lúa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, để rồi tạo nguồn sống, kết dày thêm những ân tình cho biết bao thế hệ con người nơi đây...

Ngọc Hải

Bài 2: Những triệu phú “chân đất”

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202106/nhung-cong-trinh-dai-thuy-nong-va-hanh-trinh-chinh-phuc-2190195/