Những công trình khoa học nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ BĐBP

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ Học viện Biên phòng trở thành phong trào sôi nổi, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, chất lượng các đề tài ngày càng được nâng cao. Năm học 2017-2018, học viện có 41 đề tài được phê duyệt, 9 đề tài gửi tham dự Giải thưởng 'Tuổi trẻ sáng tạo' Quân đội lần thứ XVIII, trong đó, 4 đề tài đoạt giải Nhất, Nhì và Ba. Nhân dịp Học viện Biên phòng tổng kết phong trào 'Tuổi trẻ sáng tạo' lần thứ X, phóng viên Báo Biên phòng đã ghi lại ý kiến của một số tác giả có những công trình khoa học đoạt giải.

Thượng úy Phạm Thị Phương Mai, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Chủ nhiệm đề tài “Nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở Học viện Biên phòng”, giải Nhất “Tuổi trẻ sáng tạo” Quân đội lần thứ XVIII:

Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới là không thể thiếu. Vì vậy, từ trong nhà trường, việc nâng cao chất lượng huấn luyện tự học ứng dụng công nghệ thông tin của học viên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho mỗi học viên có thể ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong giải quyết các vấn đề học tập, công tác của BĐBP khi ra trường và khắc phục hạn chế của một bộ phận học viên còn thụ động trong việc tiếp cận tri thức.

Đề tài này chúng tôi tập trung nghiên cứu để giải quyết những hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin của học viên; làm rõ một số vấn đề lý luận nâng cao chất lượng huấn luyện về ứng dụng công nghệ thông tin, đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện về tự học ứng dụng công nghệ thông tin cho học viên mang tính khoa học, khả thi. Từ đó, mỗi học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định rõ động cơ đúng đắn, mục đích, thái độ học tập về ứng dụng công nghệ, để có phương pháp học tập phù hợp, xây dựng nền tảng kiến thức công nghệ thông tin vững chắc, khi ra trường phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Thiếu tá, Thạc sĩ Đỗ Bích Việt, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, giải Nhì “Tuổi trẻ sáng tạo” Quân đội lần thứ XVIII, với đề tài “Nâng cao chất lượng dạy môn tiếng Anh chuyên ngành cho học viên đào tạo chuyên ngành Quản lý cửa khẩu”:

Trình độ ngoại ngữ của cán bộ BĐBP đang là một hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới và công tác đối ngoại biên phòng. Đề tài “Nâng cao chất lượng dạy môn tiếng Anh chuyên ngành cho học viên đào tạo chuyên ngành Quản lý cửa khẩu” giúp các học viên, cán bộ, sĩ quan thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu, cảng biển, phát huy hết khả năng, năng lực trong hoạt động ngoại giao..., góp phần xây dựng Quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, kết luận một cách sát thực nhất về thực trạng chất lượng học tiếng Anh của học viên, để đưa ra giải pháp cụ thể, khắc phục các tồn tại, hạn chế. Từ đó, để mỗi học viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, xác định rõ thái độ học tập nâng cao chất lượng tự học tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đề ra: “Cán bộ phải có năng lực làm việc tốt trong môi trường quốc tế”.

Trung tá, Thạc sĩ Đàm Đình Khang, Phòng Khoa học quân sự, Chủ nhiệm đề tài “BĐBP tỉnh Điện Biên phòng, chống hoạt động lợi dụng dân tộc Mông xâm phạm an ninh trật tự ở khu vực biên giới”, giải Ba “Tuổi trẻ sáng tạo” Quân đội lần thứ XVIII:

Tình trạng các đối tượng phản động lợi dụng đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở khu vực biên giới tỉnh Điện Biên có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, để tuyên truyền, kích động lôi kéo đồng bào chống phá Đảng, Nhà nước làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở đây diễn biến hết sức phức tạp.

Việc nghiên cứu lý luận, thực tiễn phòng chống lợi dụng dân tộc Mông xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới của BĐBP là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân... dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đấu tranh làm thất bại những âm mưu lợi dụng các vấn đề dân tộc xâm phạm an ninh trật tự khu vực biên giới góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự trên địa bàn biên giới. Từ đó, xây dựng khu vực biên giới bình yên, giúp bà con yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, tạo nên khối đoàn kết toàn dân bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc biên giới.

Đại úy, Thạc sĩ Lê Thị An, Khoa Lý luận Mác-Lênin, Chủ nhiệm đề tài “Phát huy truyền thống “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" trong thanh niên BĐBP", giải Ba “Tuổi trẻ sáng tạo” Quân đội lần thứ XVIII:

Khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" đã in sâu trong tâm trí của mỗi cán bộ BĐBP, trở thành truyền thống tốt đẹp trong toàn lực lượng, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để mỗi cán bộ, chiến sĩ vượt qua muôn vàn khó khăn, giữ vững biên cương trong mọi tình huống. Trong đó, thanh niên BĐBP là lực lượng xung kích, có nhiệt huyết, sôi nổi, hăng hái, không ngại khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nên họ thiếu chín chắn, dễ hoang mang dao động khi đối mặt với những nguy hiểm, khó khăn, phức tạp và những cám dỗ của cuộc sống đời thường. Vì vậy, cần thiết phải giáo dục, phát huy truyền thống “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt trong thanh niên BĐBP", nhằm tạo nên ở họ tình cảm yêu thương, gắn bó với đơn vị, địa bàn công tác, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, để hoàn thành xuất sắc vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Xuất phát từ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh niên giới ngày càng phức tạp trong tình hình mới, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu truyền thống “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", khảo sát thực trạng, nghiên cứu giải pháp nhằm phát huy hiệu quả truyền thống này trong thanh niên BĐBP, để thế hệ trẻ của lực lượng tiếp nối cha ông giữ vững bờ cõi, biên cương của Tổ quốc.

Viết Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-cong-trinh-khoa-hoc-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-bdbp/