Những công việc cấp bách sau ngày độc lập tại Phú Yên

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp Chính phủ đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi tổ chức Quỹ Độc lập, phát động Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng, Chống giặc dốt và giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập.

Đoàn dân công tiếp tế chiến trường ở ga La Hai năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Xây dựng chính quyền non trẻ

Tại Phú Yên, ngày 26/8/1945, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời (UBNDCMLT) tỉnh Phú Yên ra mắt nhân dân tại tỉnh lỵ Sông Cầu. Thành phần ủy ban gồm các ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch; Trương Kiểm, Phó Chủ tịch; Lê Cấp, Ủy viên quân sự; Nguyễn Thái, Ủy viên an ninh, tư pháp; Lê Duy Trinh, Ủy viên tài chính và các ủy viên Hoàng Văn Phúc, Thanh Cưu, Phạm Ngọc Quế, Đoàn Văn Sơ.

Ngày 28/8/1945, Tỉnh ủy, Ủy ban Việt Minh tỉnh và UBNDCMLT tỉnh Phú Yên quyết định hệ thống chính quyền các phủ huyện và khu Đồng Bò, khu Tuy Hòa. Theo đó, ông Trần Suyền làm Chủ tịch UBNDCMLT phủ Tuy Hòa, ông Lê Văn Phú làm Chủ tịch khu (thị xã) Tuy Hòa, ông Huỳnh Lưu làm Chủ tịch phủ Tuy An, ông Trương Tấn Tiếp làm Chủ tịch huyện Đồng Xuân, ông Đoàn Tư làm Chủ tịch huyện Sơn Hòa, ông Đoàn Văn Sơ làm Chủ tịch khu Đồng Bò. Chính quyền cách mạng non trẻ tỉnh Phú Yên đứng trước vô vàn khó khăn thử thách, chỉ thu được trong ngân khố tỉnh đường cũ 300.000 đồng tiền Đông Dương rách, 300 tấn gạo quân đội Nhật cướp của dân buôn chở bằng thuyền buồm từ Sài Gòn ra cùng 300 tấn đường Đồng Bò và 100 khẩu súng trường của lính khố xanh.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, sau đó đánh chiếm Nha Trang và toàn tỉnh Khánh Hòa. Phú Yên trở thành vị trí chiến lược tiền tiêu của các đơn vị Nam tiến mà Phú Yên có trách nhiệm cung cấp hậu cần. Chính quyền cách mạng tỉnh Phú Yên đề ra khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng” phát động phong trào tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, thực hành tiết kiệm, xây dựng nếp sống mới, xây dựng “hũ gạo đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”, phát động hưởng ứng Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng đóng góp vào Quỹ Độc lập, đẩy mạnh phong trào xóa nạn mù chữ… Nhân dân nô nức ủng hộ các phong trào của chính quyền cách mạng phát động. Có thể dẫn chứng nhiều tấm lòng tiêu biểu còn lưu trong sử sách như chị Dương Thị Lệch (người Pháp - em ruột của đảng viên Cộng sản Jean Moreau Dương Bá Lộc ở tỉnh lỵ Sông Cầu) ủng hộ hai lượng vàng, anh Hai Rá (dân tộc Ê Đê ủng hộ 5 chỉ vàng và bộ cồng chiêng bằng đồng, chị Võ Thị Yêm ở Hòa Thịnh ủng hộ đôi xuyến vàng cưới 5 chỉ, chị Nguyễn Thị Yến ở Hòa Thịnh ủng hộ kiềng vàng và hoa tai 4 chỉ vàng của mẹ để lại; chị Cao Thị Mè (Phong Niên, Hòa Thắng), chị Đào Thị Xuân (Mỹ Hòa, Hòa Thắng) ủng hộ hoa tai, nhẫn vàng; các ông Lê Thông, Trần Tuân, Phạm Đạt, Tạ Xuân Thạnh, Trần Trọng… cùng nhiều bà con ở xã Hòa Quang đóng góp 20 lượng vàng. Gia đình ông Trần Văn Tiến ở Hòa Quang đóng góp 3 con trâu. Bà con xã Hòa Định đóng góp 8 lượng vàng và 35.000 đồng Đông Dương. Đặc biệt, cụ Nguyễn Thị Lễ (Thạch Chẩm, Hòa Xuân) rất nghèo, phải đi mót lúa để sống, cả đời dành dụm được một đôi hoa tai vàng cũng đem hiến cho Nhà nước. Tấm lòng của cụ lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân Phú Yên đóng góp được 8kg vàng, hàng trăm tấn đồng, 350.000 đồng Đông Dương và hàng ngàn tấn gạo cùng gia súc, gia cầm để nuôi quân và cứu đói.

Một công xưởng sản xuất vũ khí nằm dưới chân núi Nhạn (Tuy Hòa) sau Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Tư liệu

Chuẩn bị kháng chiến kiến quốc

Trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến kiến quốc, trong tháng 9/1945 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Việt Minh và UBNDCMLT, các đoàn thể cứu quốc tỉnh Phú Yên huy động hàng vạn lượt dân công tiếp tế lương thực, thực phẩm súng đạn cho 8 chi đội (mỗi chi đội tương đương một trung đoàn) và 7 đại đội quân Nam tiến (mỗi đại đội tương đương một tiểu đoàn ngày nay); tiếp tế cơm nước, quà bánh ở các ga La Hai, Chí Thạnh, Hòa Đa, Tuy Hòa và tiếp đón hàng ngàn bộ đội, thương binh và nhân dân tản cư từ vùng địch tạm chiếm Khánh Hòa, Đắk Lắk.

Với lượng đồng nhân dân đóng góp trong Tuần lễ đồng, UBNDCMLT tỉnh tổ chức các công binh xưởng sản xuất vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ địa phương. Thực hiện chủ trương này, những người có tay nghề cao đã từng tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành của Pháp như Đỗ Trực, Nguyễn Tiễm, Nguyễn Thanh và những người có tay nghề cao như ông Hồ Kiến Mão, ông Sáng và nhiều công nhân ở Nhà máy đường Đồng Bò… đã dùng những chiếc xe than gia đình ngày đêm chuyên chở máy móc thiết bị từ garage Công Tín Xương, garage Hoàng Văn Cái, xưởng của ông Hồ Kiến Mão, ông Sáng và cả những lò rèn của ông Sáu Méo, ông Hoàng Mây, ông Mười Do… hối hả tập kết về tỉnh lỵ Sông Cầu xây dựng công binh xưởng.

Ngày 10/10/1945, công binh xưởng Cao Thắng, đứa con đầu lòng của ngành Quân giới Phú Yên chính thức đi vào hoạt động dưới chỉ đạo trực tiếp của ông Đỗ Trực - một trong những người đã tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành.

Cùng với việc chống giặc đói và giặc ngoại xâm, tỉnh Phú Yên thực hiện chống “giặc dốt” như lời dạy của Bác Hồ “một dân tộc dốt là dân tộc yếu”, phát động phong trào “xóa nạn mù chữ”, tổ chức các lớp bình dân học vụ. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ bản toàn dân trong tỉnh đều biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Toàn dân đi học là một trong những dấu son tiêu biểu nhất của khí thế một dân tộc vươn lên làm chủ vận mệnh của mình…

76 năm nhìn lại, những công việc cấp bách sau ngày giành độc lập tại Phú Yên vẫn còn nguyên giá trị thời sự về ý chí vượt cam go trong tình thế ngặt nghèo. Giá trị tinh thần ấy vẫn đang tiếp sức cho hiện tại để hướng về tương lai trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.

PHAN THANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/263409/nhung-cong-viec-cap-bach-sau-ngay-doc-lap-tai-phu-yen.html