Những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Thủ tướng Nhật Abe Shinzo

Cho tới ngày chính thức từ chức, Thủ tướng Nhật Abe Shinzo là người nắm giữ nhiều kỷ lục về vai trò lãnh đạo chính phủ tại đất nước mặt trời mọc.

Ảnh chụp bố mẹ, ông Abe lúc 2 tuổi (trái) và anh trai Hironobu năm 1956. Ảnh: Wikipedia

Ảnh chụp bố mẹ, ông Abe lúc 2 tuổi (trái) và anh trai Hironobu năm 1956. Ảnh: Wikipedia

Theo CNN, ông Abe sinh năm 1954 tại Tokyo, trong một gia đình giàu truyền thống về chính trị. Cả ông ngoại và ông cậu của ông đều từng giữ cương vị thủ tướng Nhật, trong khi cha ông là cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.

Ông Abe theo học môn khoa học chính trị tại Đại học Seiki và Đại học Nam California. Ban đầu, ông làm công việc kinh doanh và đầu quân cho tập đoàn thép Kobe năm 1979. Tuy nhiên, 3 năm sau, ông Abe trở thành trợ lý cho Bộ trưởng Ngoại giao Nhật.

Vợ chồng ông Abe đã kết hôn được hơn 30 năm. Ảnh: The Guardian

Ông Abe kết hôn với bà Akie Abe, nhũ danh Matsuzaki vào năm 1987. Hai người không sinh con.

Năm 1993, khi 38 tuổi, ông Abe lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện. Ông tái cử 7 lần và giữ nhiều vị trí trong nội các suốt những năm 2000.

Ảnh: Mainichi

Theo báo Mainichi, năm 2003, ông Abe được bầu làm Tổng thư ký LDP và 3 năm sau trở thành chủ tịch của đảng.

Ông Abe tuyên thệ nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên năm 2006. Ảnh: Kantei

Ngày 26/9/2006, ông chính thức được đảng cầm quyền bổ nhiệm làm Thủ tướng thứ 90 của Nhật. Sự kiện đánh dấu việc ông Abe là thủ tướng đầu tiên sinh ra sau Thế chiến 2 và cũng là người nhậm chức trẻ tuổi nhất trong số các lãnh đạo Chính phủ Nhật sau cuộc đại chiến này.

Ảnh: Irish Times

Song, chỉ hơn một năm sau, vào tháng 9/2007, Thủ tướng Abe tuyên bố từ nhiệm với lý do sức khỏe. Động thái diễn ra chỉ hơn 2 tháng sau khi đảng của ông gặp thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử ở Hạ viện.

Thủ tướng Abe ra dấu hiệu chiến thắng tại trụ sở của đảng LDP ở Tokyo sau khi được tái bầu làm chủ tịch đảng năm 2012. Ảnh: Kyodo

Tháng 9/2012, ông Abe quay trở lại làm chủ tịch đảng LDP và đến tháng 12 cùng năm, đảng này đã giành được đa số ghế trong cuộc bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp.

Thủ tướng Abe (giữa hàng đầu) chụp ảnh cùng các quan chức trong Nội các Nhật tháng 12/2012. Ảnh: Kyodo

Ngày 26/12/2012, ông Abe nhậm chức thủ tướng lần hai sau khi đảng LDP và đảng liên minh Tân Komeito nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Tháng 7/2013, liên minh cầm quyền của ông Abe giành đa số ghế tại Thượng viện, chấm dứt tình trạng chia sẻ quyền lực với phe đối lập tại Quốc hội.

Ảnh: AP

Ngày 26/12/2013, Thủ tướng Abe đi thăm đền Yasukuni, nơi thờ 2,5 triệu vong hồn thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh của Nhật, kể cả những binh sĩ và tướng lĩnh đã bị kết tội gây tội ác chiến tranh vào những năm 1970. Động thái lần đầu tiên như vậy của một thủ tướng Nhật trong 7 năm đã vấp phải sự lên án dữ dội từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thủ tướng Abe và phái đoàn Nhật ăn mừng tại Buenos Aires tháng 9/2013 sau khi Tokyo được chọn là thành phố đăng cai Thế vận hội Olympics mùa hè 2020. Ảnh: Kyodo

Tháng 4/2014, Chính quyền Abe tăng thuế tiêu dùng của Nhật từ 5% lên 8%. Đến tháng 7, Chính phủ Nhật gây tranh cãi khi thông qua bản tái diễn giải Hiến pháp, cho phép nước này hỗ trợ các đồng minh đang bị tấn công vũ trang như một cách phòng vệ tập thể.

Ông Abe chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách tại lễ hội hoa anh đào ở vườn quốc gia Shinjuku Gyoen tại Tokyo tháng 4/2016. Ảnh: Kyodo

Thủ tướng Abe (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo các nước G7 thăm đền Ise Jingu ở thành phố Ise, miền trung Nhật tháng 5/2016. Ảnh: Kyodo

Tháng 9/2018, Thủ tướng Abe tiếp tục được bầu làm chủ tịch đảng LDP nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

Ông Abe tại một cuộc họp của đảng LDP năm 2018. Ảnh: Kyodo

Thủ tướng Abe bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh 2020 ở Osaka, Nhật tháng 6/2019. Ảnh: Kyodo

Tháng 7/2019, liên minh cầm quyền giành đa số ghế tại Thượng viện nhưng không có đủ 2/3 số ghế cần thiết tại Hạ viện để đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Ngày 1/10, chính quyền Abe đã tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% sau 2 lần trì hoãn.

Ảnh: AP

Ngày 24/3 năm nay, Thủ tướng Abe và Ủy ban Olympic quốc tế nhất trí hoãn tổ chức Thế vận hội Olympics Tokyo thêm một năm vì sự bùng phát Covid-19. Đến ngày 7/4, ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại 6 tỉnh, thành phố vì đại dịch.

Ảnh chụp Thủ tướng Abe rời bệnh viện ngày 24/8/2020. Ảnh: Kyodo

Ngày 17/8, ông Abe đến khám tại một bệnh viện ở thủ đô Tokyo. Song, một trợ lý của thủ tướng lúc đó nói đây chỉ là cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ngày 24/8, ông Abe tái khám ở bệnh viện.

Ông Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe tại cuộc họp báo ngày 28/8. Ảnh: Reuters

Ngày 28/8, ông Abe chính thức tuyên bố từ chức thủ tướng dù vẫn còn 1 năm trong nhiệm kỳ, với lý do cần phải điều trị bệnh viêm đại tràng mạn tính. Ông sẽ vẫn lãnh đạo Chính phủ Nhật cho tới khi đảng cầm quyền chọn được người kế nhiệm ông.

Cho tới thời điểm này, ông Abe đã lập kỷ lục là người có tổng thời gian làm thủ tướng lâu nhất Nhật. Ông cũng giữ kỷ lục về số ngày tại vị liên tiếp dài nhất trong lịch sử đất nước mặt trời mọc với 2.799 ngày liên tiếp tính tới này 24/8.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/chan-dung/nhung-cot-moc-dang-nho-trong-su-nghiep-thu-tuong-nhat-abe-shinzo-670120.html