Những cư dân Hong Kong lên xe màu xanh lá với chiếc vali rỗng

Cư dân Hong Kong đang tìm thấy ở Thâm Quyến, thành phố đại lục ngay kế bên, giá cả thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và đồ ăn ngon.

 Người Hong Kong đang đến Thâm Quyến để mua hàng, ăn uống và khám phá các cửa hàng trà sữa mới. Ảnh: The New York Times.

Người Hong Kong đang đến Thâm Quyến để mua hàng, ăn uống và khám phá các cửa hàng trà sữa mới. Ảnh: The New York Times.

Bà Shuen Chun-wa, 81 tuổi, và chồng vội vã lên chiếc xe buýt màu xanh lá cây cùng với hai chục cư dân Hong Kong khác, kéo theo những chiếc vali rỗng.

Họ dán nhãn du lịch màu tím trên áo khoác và đi mua sắm ở Thâm Quyến, một thành phố nhộn nhịp của Trung Quốc đại lục nằm ở phía bắc đảo Hong Kong, theo The New York Times.

Đảo ngược

Đây là chuyến đi thứ hai trong năm của bà Shuen đến Thâm Quyến để mua sắm. Lần trước bà đã trồng răng.

“Anh đoán xem tôi cần phải trả bao nhiêu”, bà nói.

Cụ bà đã chi 9.000 USD ở Thâm Quyến cho một ca phẫu thuật mà ở Hong Kong có tốn tới 25.000 USD.

“Tôi không có nhiều tiền. Vì thế tôi đã đến Thâm Quyến”, người phụ nữ chia sẻ.

Kể từ khi Trung Quốc đại lục mở cửa biên giới vào tháng 1/2023 sau vài năm đóng cửa vì đại dịch, cư dân Hong Kong đã biến Thâm Quyến trở thành điểm đến cuối tuần để mua sắm, ăn tối và thậm chí là tới phòng nha.

Mệt mỏi vì chi phí cao, dịch vụ kém và sự lựa chọn hạn chế ở Hong Kong, cư dân đảo này đang đến Thâm Quyến để mua hàng, ăn uống và khám phá các cửa hàng trà sữa mới. Hong Kong vẫn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới, nền kinh tế suy sụp và thị trường chứng khoán lao dốc đã khiến mọi người ý thức hơn về tiền bạc. Tại Trung Quốc đại lục, nền kinh tế trì trệ đã khiến giá cả sụt giảm, với mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và tiến tới hiện tượng được gọi là giảm phát.

Làn sóng mua sắm là sự đảo ngược thời kỳ người Trung Quốc đại lục đổ xô đến Hong Kong để mua sắm mọi thứ, từ túi xách xa xỉ đến sữa bột trẻ em. Giờ đây đối với người Hong Kong, sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc đại lục vô tình khiến giá cả sụt giảm hiếm thấy. Tất cả chỉ cần một chuyến xe buýt hoặc tàu điện ngầm ngắn vào đại lục.

 Cảng Luohu ở Thâm Quyến, một trong những cửa khẩu chính của Hong Kong với Trung Quốc đại lục. Hong Kong vẫn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. Ảnh: The New York Times.

Cảng Luohu ở Thâm Quyến, một trong những cửa khẩu chính của Hong Kong với Trung Quốc đại lục. Hong Kong vẫn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. Ảnh: The New York Times.

 Tại cửa khẩu Luohu, một màn hình video lớn hiển thị quảng cáo về phòng khám nha khoa trồng răng có giá 500 USD. Ảnh: The New York Times.

Tại cửa khẩu Luohu, một màn hình video lớn hiển thị quảng cáo về phòng khám nha khoa trồng răng có giá 500 USD. Ảnh: The New York Times.

Trên mạng xã hội và trong các nhóm trò chuyện, hàng trăm nghìn người Hong Kong nói về các món ăn mới ở Thâm Quyến như bánh ngọt nhân rong biển và chà bông heo. Họ chia sẻ các mẹo về nơi tìm trà trân châu, bao gồm cả nơi pha trà bằng robot.

Các công ty lữ hành từng tập trung vào các tour du lịch trọn gói đến Nhật Bản và Thái Lan cũng đang tổ chức những chuyến xe buýt đến các trung tâm mua sắm ở Thâm Quyến để ghé thăm các cửa hàng như Sam’s Club.

Một số ngày cuối tuần, cư dân Hong Kong xuất hiện ở các trung tâm mua sắm ở Thâm Quyến nhiều đến nỗi người dân địa phương nói đùa rằng du khách đã “tràn vào” đó.

Sự hiện diện của họ ở Thâm Quyến, một thành phố với dân số 17 triệu người, có thể nhận thấy ở khắp nơi. Một số cửa hàng điều chỉnh thông tin quảng cáo bằng cách sử dụng tiếng Quảng Đông để thu hút khách.

Các nhà hàng giảm giá cho khách có số điện thoại mang mã vùng 852 của Hong Kong. Tại một trung tâm mua sắm lớn gần cửa khẩu, các bác sĩ nhãn khoa và phòng khám nha khoa hứa hẹn dịch vụ rẻ hơn so với Hong Kong khi chỉ cần một chuyến đi ngắn.

“Tới khám răng với khoảng cách bằng 0”, một bảng quảng cáo khổng lồ màu hồng neon mời chào.

Lan Xinghua, giám đốc bán hàng tại GoodFeel Dentist, cho biết vào một ngày bận rộn, phòng khám răng GoodFeel có thể tiếp đón hơn 100 khách hàng từ Hong Kong. Ông cho biết doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi khi Trung Quốc đại lục nối lại đi lại hoàn toàn với Hong Kong vào năm ngoái. Phòng khám đã mở một quầy gần cửa khẩu cảng Luohu. Nhân viên phải nói tiếng Quảng Đông cũng như tiếng Quan Thoại.

“Khách hàng Hong Kong chi tiêu mạnh tay hơn và thường không mặc cả quá nhiều”, ông Lan nói. “Đôi khi cả một gia đình đến để vệ sinh và sửa răng”.

 Người mua hàng xếp hàng tại Sam's Club ở Thâm Quyến. Việc cư dân Hong Kong tới Thâm Quyến mua sắm là sự đảo ngược so với thời kỳ mà người Trung Quốc đại lục đổ xô đến Hong Kong để mua sắm. Ảnh: The New York Times.

Người mua hàng xếp hàng tại Sam's Club ở Thâm Quyến. Việc cư dân Hong Kong tới Thâm Quyến mua sắm là sự đảo ngược so với thời kỳ mà người Trung Quốc đại lục đổ xô đến Hong Kong để mua sắm. Ảnh: The New York Times.

 Tới Thâm Quyến, người Hong Kong có cơ hội mua được nhiều mặt hàng với giá mềm hơn so với ở nhà. Ảnh: The New York Times.

Tới Thâm Quyến, người Hong Kong có cơ hội mua được nhiều mặt hàng với giá mềm hơn so với ở nhà. Ảnh: The New York Times.

Thanh toán còn bất cập

Người Hong Kong dùng đồng HKD và các thương nhân của đặc khu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thanh toàn tiền mặt. Trong khi đó, hình thức thanh toán chính của Trung Quốc đại lục là kỹ thuật số: Hai ứng dụng thanh toán chính là WeChat và Alipay mới chỉ được cung cấp cho người dân Hong Kong gần đây và không phải ai cũng quen dùng.

Để giúp những người mua sắm, các áp phích dán trong cửa hàng và ga tàu điện ngầm ở Thâm Quyến hướng dẫn cách người Hong Kong có thể sử dụng WeChat và Alipay. Khách du lịch cũng có thể thanh toán bằng HKD và không cần đổi tiền sang đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, việc thanh toán không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Trong chuyến đi gần đây nhất, bà Shuen đã dùng tiền mặt để mua bồ công anh mà con trai bà sử dụng trong hành nghề y học cổ truyền ở Hong Kong, cũng như một ít tôm khô. Nhưng bà cho biết thanh toán bằng tiền mặt rất khó khăn.

 Kể từ khi Trung Quốc đại lục mở cửa biên giới vào tháng 1/2023, cư dân Hong Kong đã biến Thâm Quyến trở thành điểm đến cuối tuần để mua sắm, ăn tối và thậm chí là tới phòng nha. Ảnh: The New York Times.

Kể từ khi Trung Quốc đại lục mở cửa biên giới vào tháng 1/2023, cư dân Hong Kong đã biến Thâm Quyến trở thành điểm đến cuối tuần để mua sắm, ăn tối và thậm chí là tới phòng nha. Ảnh: The New York Times.

 Một nhóm người Hong Kong tại nhà hàng nổi tiếng ở Thâm Quyến. Ảnh: The New York Times.

Một nhóm người Hong Kong tại nhà hàng nổi tiếng ở Thâm Quyến. Ảnh: The New York Times.

Việc đi lòng vòng khám phá Thâm Quyến cũng có thể khó khăn. Hai phụ nữ đến từ Hong Kong đã phải hỏi một cư dân Thâm Quyến, Kristen Lu, 28 tuổi, cách sử dụng ứng dụng định vị địa phương trên điện thoại. Họ đã không nhận ra rằng Google Maps không hoạt động ở Trung Quốc đại lục vì công ty này đã bị chặn.

Yeung, nhân viên công nghệ, đã đến thăm Thâm Quyến hai lần trong năm qua. Anh thích ăn lẩu, chơi bắn cung và bóng rổ trong khu liên hợp thể thao giải trí. Anh cho biết những người bán hàng anh gặp ở Thâm Quyến dễ chịu hơn.

 Tiệm trà nổi tiếng với cả người dân đại lục và người Hong Kong. Trên mạng xã hội và trong các nhóm trò chuyện, hàng trăm nghìn người Hong Kong bàn luận về đồ ăn và trà ở Thâm Quyến. Ảnh: The New York Times.

Tiệm trà nổi tiếng với cả người dân đại lục và người Hong Kong. Trên mạng xã hội và trong các nhóm trò chuyện, hàng trăm nghìn người Hong Kong bàn luận về đồ ăn và trà ở Thâm Quyến. Ảnh: The New York Times.

 Người mua hàng tại một gian hàng bán chảo nấu ăn. Ảnh: The New York Times.

Người mua hàng tại một gian hàng bán chảo nấu ăn. Ảnh: The New York Times.

Anh nói dịch vụ ở Hong Kong cộc cằn và vội vàng hơn.

"Gọi món đã đời"

Đối với Iris Yiu, 29 tuổi, một sinh viên đang theo học thạc sĩ ở Hong Kong, cô đến Thâm Quyến chỉ vì đồ ăn. Yiu cho biết mình là người thích đồ ăn cay, một món ăn chủ yếu ở các vùng phía nam Trung Quốc. Và vào tháng 11/2023, cô cùng hai người bạn đã đến Thâm Quyến và “gọi món đã đời” tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Tứ Xuyên nổi tiếng có tên Taier Sauerkraut Fish.

Tiếp theo, họ dừng chân ở Bobo Chicken, một nhà hàng cung cấp rau và thịt được phục vụ theo từng miếng nhỏ trên que có giá 14 xu mỗi miếng.

Yiu cho biết những thực khách địa phương đã nhìn chằm chằm vào nhóm bạn của cô khi họ cố gắng lấy càng nhiều xiên que càng tốt. Có người ở bàn gần đó nói: “Đây là phong cách của người Hong Kong, cứ như thể họ không cần tiền vậy!”.

 Người phụ nữ Hong Kong chờ mua bánh ngọt tại cửa hàng Bao Shifu. Ảnh: The New York Times.

Người phụ nữ Hong Kong chờ mua bánh ngọt tại cửa hàng Bao Shifu. Ảnh: The New York Times.

 Khách hàng tại tiệm mát-xa trên phố chợ ở Thâm Quyến, nơi được du khách Hong Kong ưa chuộng. Ảnh: The New York Times.

Khách hàng tại tiệm mát-xa trên phố chợ ở Thâm Quyến, nơi được du khách Hong Kong ưa chuộng. Ảnh: The New York Times.

Snow Wong, 28 tuổi, biết đến Thâm Quyến khi bạn bè và đồng nghiệp của cô trở về sau chuyến đi cuối tuần. Sau rất nhiều lời khen ngợi, Wong quyết định tự mình kiểm tra.

Cô đến các khu vui chơi giải trí và quán karaoke và nhận thấy thành phố này có nhiều trò chơi “escape room” thú vị. Cô dùng đồng HKD để đi spa.

Trên hết, bà Snow nói, Thâm Quyến mang đến một thứ mà Hong Kong thiếu: Nhịp sống chậm.

Bà Wong nói: “Nhịp độ của Thâm Quyến và Hong Kong rất khác nhau. Thâm Quyến là nơi tôi đến để thư giãn”.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cu-dan-hong-kong-len-xe-mau-xanh-la-voi-chiec-vali-rong-post1461700.html