Những cung đường cán đích 30-4

Có thể coi Dự án xây dựng Đường Tuần tra biên giới (TTBG) là một “Đường Trường Sơn” của bộ đội ta trong thế kỷ 21. Công trình với tổng chiều dài toàn tuyến gần 14.000km, dự kiến thi công trong khoảng thời gian 25-30 năm. Trong 40 gói thầu triển khai từ năm 2007, có 15 gói thầu ở những vị trí khó khăn, gian khổ nhất đã kịp cán đích chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975 / 30-4-2010).

KHÍ THẾ “MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN” Đêm miệt rừng Tây Nguyên hoang sơ và huyền bí. Vệt sáng từ đèn pha ô tô như hai chiếc “vòi rồng” song song, xuyên vào những cánh rừng âm u. Vượt qua những cung đường đang thi công dang dở, lên đến đỉnh một con đèo chưa được đặt tên thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chợt anh lái xe reo lên: - Các bác nhìn kìa! Đẹp quá! Chúng tôi dừng lại, mở cửa xe bước xuống. Phía lưng chừng dốc, hàng chục bóng đèn điện sáng trưng hệt như một mảng trời đầy sao vừa rụng xuống rừng. Tiếng động cơ vọng vào vách đá vang xa. Những người lính trần lưng đánh vật với đất đá, bê tông. “Ta đi bộ xuống đó với anh em. Đây là đoạn đường ngang, thuộc gói thầu của Công ty 728, Binh đoàn 16.” - Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban quản lý dự án đường TTBG (Dự án 47) nói. Hình hài cung đường vừa được mở bên vách núi dốc thăm thẳm. Đơn vị thi công đang bước vào công đoạn đổ bê tông. Họ sử dụng máy phát điện để chiếu sáng, phục vụ công trình. Dù ai nấy đã mệt đừ sau cả ngày đường vượt núi băng đèo, song khi đến đây, chứng kiến khí thế lao động quên ngày đêm của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi cảm thấy như khỏe hẳn lại. Từ những người thợ tóc đã hoa râm cho đến chàng binh nhì trẻ măng, ai cũng nhiệt huyết và say mê. Tạm ngừng điều khiển máy trộn bê tông, anh Phạm Văn Long đưa tay áo quệt mồ hôi nói với chúng tôi: - Thời gian của mùa khô không còn nhiều nữa. Chúng tôi phải tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm để bảo đảm tiến độ công trình, kịp đưa gói thầu hoàn thành vào ngày 30-4. Rừng Tây Nguyên rất lạ. Ban ngày nắng như đổ lửa nhưng ban đêm thì lộng gió, se se lạnh. Làm đường ban đêm có nhiều điều thú vị lắm. Trong số hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, công nhân… bám rừng xây dựng Đường TTBG có cả những chị, những anh đã từng mở đường Trường Sơn năm xưa. Chị Lê Thị Nghên, quê ở Bố Trạch, Quảng Bình từng là một thanh niên xung phong Trường Sơn, nay lại có mặt trên cao nguyên Kon Tum góp sức mình cho con đường mới. Không còn sung sức như những thanh niên trai trẻ để xẻ núi mở đường, chị tình nguyện lên rừng làm cấp dưỡng phục vụ cán bộ, chiến sĩ. “Cơm dẻo canh ngọt cũng góp phần mở đường thắng lợi mà.” – Chị Nghên cười hồn nhiên. NHỮNG GÓI THẦU VỀ ĐÍCH 30-4 Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết: Trong tổng số 40 gói thầu triển khai từ năm 2007, có 15 gói thầu kịp cán đích 30-4-2010. Những gói thầu này trải đều trên toàn tuyến Đường TTBG từ Bắc chí Nam và đều nằm ở những vị trí trọng yếu, điều kiện thi công khó khăn, nếu không kịp hoàn thành trước mùa mưa sẽ rất dễ bị lũ quét phá hỏng. Tại tỉnh Sơn La, các gói thầu của Đoàn Công binh H29, Công ty 49 (Binh chủng Công binh), Đoàn Công binh N43, Công ty Tây Bắc (Quân khu 2)… vừa hoàn thành. Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, nhiều gói thầu của các đơn vị, công ty thuộc Quân khu 7, Quân khu 5, Binh đoàn Cửu Long, Binh đoàn 11, Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Công ty Tân Cảng Sài Gòn… cũng vừa đổ mẻ bê tông cuối cùng. Đi trên những cung đường mới mở, chúng tôi mang cảm giác như đang “bay” trên tán lá rừng. Mặt đường bê tông phẳng lì như dải lụa vắt ngang lưng chừng trời giữa bạt ngàn màu xanh cây lá. Chúng tôi đến huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi Công ty 36 (Binh đoàn 11) đang thi công gói thầu qua rừng Đắc Dục. Đây là một trong những địa điểm khó khăn, gian khổ nhất, thử thách ý chí, nghị lực và sức bền của bộ đội. Núi rừng ở đây dày đặc khe suối, dù ở thời điểm này các dòng khe không một giọt nước. Tuyến đường dài có 5,2km nhưng bộ đội phải xây dựng đến… 37 cái cống. Những đốt cống cuối cùng đang được gắn kết bằng bê tông. Thiếu tá Ngô Quang Bích, Phó giám đốc Xí nghiệp 30 đảm nhiệm thi công gói thầu nói: - Chỉ một trận mưa lớn, những dòng suối trơ đáy này sẽ lập tức biến thành những con “rồng” phun nước khổng lồ. Mùa mưa, khu vực này liên tục xảy ra lũ và lũ quét. Việc thi công hệ thống cống thoát nước theo các dòng khe, suối được tính toán, thiết kế rất kỹ lưỡng để đủ khả năng chịu đựng lượng mưa lớn trong thời gian dài... Giữa đại ngàn âm u, hình ảnh của những tấm pa-nô, những câu khẩu hiệu thể hiện khí thế thi đua chào mừng ngày hội lớn của đất nước làm cho những công trình cán đích 30-4 thêm nhiều ý nghĩa, mặc dù khẩu hiệu vừa căng ra đã nhuốm đầy bụi đất… Phóng sự của PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/57/57/109500/Default.aspx