Những cung đường mang sắc màu tình yêu

Hà Nội của Thăng Long hơn nghìn năm tuổi, mảnh đất kinh kỳ vốn đã chứa đựng trong mình cái đẹp ngàn năm, cái đẹp của truyền thống lịch sử, của văn hóa, của hiện tại hội nhập. Ngay mỗi con đường góc phố cũng đều gợi nhớ, gợi thương.

Mỗi con đường, con phố của Hà Nội là những chứng nhân lịch sử. Con đường gọi tên người anh hùng yêu nước, con đường mang tên người chiến sĩ cách mạng hay con đường để gọi tên thi nhân,… Hà Nội 36 phố phường – dẫu tên gọi chỉ mang tính ước lệ, tượng trưng song qua bao thập kỉ, qua bao thế hệ, nó vẫn là cách gọi dấu yêu chỉ riêng về Thủ đô, về Hà Nội.

Ảnh minh họa

Hôm nay, trong cuộc sống gấp gáp của đô thị hóa, trên những cung đường, con phố, bên cạnh những khối bê tông là những sắc màu nghệ thuật được làm nên từ tình yêu Hà Nội.

Đúng mười năm trước, trong dấu ấn của nghìn năm Thăng Long, Hà Nội có thêm một con đường Gốm sứ với những con số, mảng màu kỉ lục. Con đường gốm sứ ven sông Hồng có diện tích khoảng 6.500m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Đây chính là bức tranh gốm đa dạng mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng…

Con đường gốm sứ là một bức tranh lớn gồm 21 trường đoạn, thể hiện các chủ đề: Tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ văn hóa Đông Sơn qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... đã đạt kỷ lục Guiness bức tranh gốm dài nhất thế giới. Tháng 5/2010 công trình được khánh thành sau ba năm xây dựng.

Theo số liệu ghi lại, con đường gốm sứ đã thu hút 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế trực tiếp tham gia thực hiện. Đoạn tranh gốm đầu tiên là của nghệ sĩ Đan Mạch Ghết-xen thực hiện tháng 3/2008. Đây là đoạn tranh nằm trên bức tường đê đối diện bến xe Long Biên, mang phong cách đương đại.

Đến tháng 6/2009, nghệ sĩ Pháp Đô-mi-ních đờ Mi-xcôn thực hiện đoạn tranh gốm với chủ đề sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Tháng 8/2009, Đại sứ quán Hà Lan tài trợ một đoạn tranh với chủ đề Van Gốc.

Tháng 10/2009, họa sĩ New Zealand Ana Tzarev thiết kế đoạn tranh với chủ đề hoa nhiệt đới. Đoạn tranh này được nhiều người nhận xét là rực rỡ, bắt mắt và là một trong những điểm nhấn thú vị của Con đường Gốm sứ. Tháng 12/2009, hai nghệ sĩ Mỹ J.Bri-man và J.Ben-nét đã thực hiện đoạn tranh gốm hoa lam nền trắng. Ba nữ họa sĩ Argentina khởi đầu công việc cho năm 2010 với đoạn tranh tái hiện phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của cả Việt Nam và Argentina…

Rồi thông qua trang web của dự án Con đường Gốm sứ, nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã hưởng ứng bằng nhiều cách khác nhau, như gửi tặng Hà Nội những viên gạch nghệ thuật, gửi phác thảo... Gần 100 nghệ sĩ gốm và họa sĩ từ Hungaria, Mexico, Brazil, Argentina, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Croatia... đã gửi những viên gạch nghệ thuật tặng cho dự án. Tháng 9/2009, phóng sự về dự án được phát trên kênh truyền hình CNN nên thu hút thêm sự chú ý của nhiều nghệ sĩ quốc tế khác. UNESCO cũng đóng góp một trường đoạn gốm tái hiện các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được công nhận: Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ Bắc Ninh. Có thể nói, con đường Gốm sứ vì tình yêu Hà Nội của các nghệ sỹ Việt Nam đã khơi dậy tình yêu Hà Nội, tình yêu Việt Nam của các nghệ sỹ bạn bè trên khắp thế giới.

Dù trực tiếp hay gián tiếp, tình cảm của họ với Hà Nội, với Việt Nam đã in đậm trên công trình văn hóa này đúng dịp Thăng Long – Hà Nội tròn ngàn năm tuổi… Đúng như cách người mang ý tưởng đến cho con đường gốm sứ - họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ: “Những viên gạch trang trí hoa cúc dây thời Lý, những bình gốm men lam và men trắng thời Lê, những thạp gốm lớn hoa nâu thời Trần... Đã khiến tôi xúc động. Tôi nghĩ về một dòng chảy lịch sử xuyên suốt thời gian được lưu giữ trên chất liệu gốm truyền thống. Và tôi đã muốn có một con đường, một bức tranh, tái hiện lại một phần những họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử trên con đường này”.

Với mục đích huy động tối đa sự cố kết của cộng đồng trong và ngoài nước, nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam, trẻ em và bạn bè khắp nơi trên thế giới. Bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật công cộng sống động phản ánh những nét văn hóa truyền thống xen lẫn hiện đại của Thủ đô… Con đường gốm sứ - Con đường tình yêu, con đường hữu nghị là vậy. Con đường gốm sứ vẫn đang được thổi hồn bởi bàn tay người nghệ sĩ tài hoa. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục trình UBND Thành phố Hà Nội phương án thực hiện đoạn còn lại của con đường gốm sứ vào năm 2019.

Mang đến cho phố phường những gam màu sự sống, thổi hồn cho những bức tường, Hà Nội giờ đây không chỉ có con đường gốm sứ kỉ lục, Hà Nội đã có thêm nhiều con đường khoác lên mình vẻ đẹp của những bức tranh bích họa. Trên đoạn đường Phùng Hưng giao Hàng Cót, nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc và Việt Nam sau rất nhiều cố gắng đã hoàn thành những bức tranh đẹp mắt trên bức tường cổ kính. Đây là một hoạt động của chương trình Đưa nghệ thuật vào không gian sống đang được triển khai tại phố Phùng Hưng. Dự án mỹ thuật cộng đồng này được triển khai nhằm gợi nhớ những ký ức tốt đẹp về Hà Nội xưa cũ và cả những bước chuyển mình hiện đại.

Hay đơn giản, để ngăn chặn quảng cáo dày đặc trên tường làm mất mỹ quan, những người dân ở Duy Tân (Cầu Giấy) đã cùng nhau tạo nên "con đường gốm sứ" thứ hai ở Hà Nội gây ấn tượng lớn. Những bức tranh tường bằng gốm mang chủ đề phong cảnh làng quê giữa phố phường Hà Nội quả đã để lại nhiều cảm xúc cho những ai có dịp ghé qua khu phố.

Và trong Hà Nội nhộn nhịp 24h không ngủ, trong sự ngược xuôi hối hả có một gam màu nơi ngõ nhỏ Hà Nội phủ kín tranh cổ động thập niên 90. Những bức tranh sinh động, tươi vui phản ánh cuộc sống, cổ vũ tinh thần học tập, lao động được cụ ông Cao Trí Thịnh vẽ kín các bức tường trong ngõ Ao Dài, đường Điện Cơ, thuộc phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Hay đâu đó là những con đường tranh3D hiện đại… Một đoạn đường trong ngõ 68, Yên Phụ được ví như một “góc phố Venice” thu nhỏ nhờ trở nên nổi bật, đẹp thơ mộng. Bức tranh 3D phong cảnh góc phố Venice có chiều cao gần 5m, dài khoảng gần 50m2, kéo dài từ đầu tới cuối con ngõ. Hay con đường tranh 3D được cho dài nhất Thủ đô với rộng gần 1.000 mét vuông (chiều dài hơn 300m, cao khoảng 3m) nằm trên lối đường Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm). Bức tranh lớn này gồm 40 bức tranh nhỏ được thực hiện bởi 20 họa sĩ và hoàn thiện trong một tuần với các chủ đề gồm: Truyện cổ tích Việt Nam, Tết Trung thu, tranh Đông Hồ, phong cảnh Việt Nam… Qua 40 bức tranh nhỏ, các tác giả đã cho người xem thấy được những hình ảnh chân thực nhất về không khí Tết Trung thu cổ truyền và lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Một Hà Nội cổ kính, một Hà Nội hiện đại được tái hiện trên những mảng màu mang hơi thở cuộc sống. Những con đường, con phố chứa đựng trong mình lịch sử, văn hóa nơi mỗi người dân sinh sống đã tượng hình nên Hà Nội hôm nay. Với người yêu Hà Nội, con đường, con phố ấy được gọi tên bằng tình yêu.

Minh Giao

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//nhung-cung-duong-mang-sac-mau-tinh-yeu_n37251.html