Những cung đường tuần tra Xa-ma-khi

Trên tuyến biên giới bộ dài 179,628km do BĐBP Quảng Trị quản lý tiếp giáp với các tỉnh Sa Vẳn Na Khệt và Sa La Van của nước bạn Lào, có những đoạn vắt ngang trên đỉnh núi cao, lại có đoạn chạy thăm thẳm tận cuối thung sâu. Từng cung đoạn, từng xen ti mét đường biên, từng cột mốc chủ quyền hay dấu mốc quốc giới đều đậm in những bước chân tuần tra của các chiến sĩ BĐBP Quảng Trị và cán bộ, chiến sĩ các Đại đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự 2 tỉnh Sa Vẳn Na Khệt và Sa La Van, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, mà hai bên vẫn gọi là: Những cung đường tuần tra Xa-ma-khi (có nghĩa là những cung đường tuần tra đoàn kết).

Lực lượng tham gia tuần tra song phương Đồn Biên phòng Hướng Lập và Đại đội Biên phòng 321 gặp gỡ nhau tại cột mốc trước khi tiến hành đợt tuần tra. Ảnh: Thành Phú

Tôi may mắn gặp Đại úy Bun Mạc, Đại đội trưởng Đại đội Biên phòng 511, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sa La Van khi anh cùng đồng đội sang Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay, BĐBP Quảng Trị để triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra song phương đoạn biên giới từ mốc 634 đến mốc 638, với chiều dài 15,038km. Bun Mạc có vốn liếng tiếng Việt khá tốt nên sự trao đổi giữa chúng tôi không gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ. Nhận chức danh Đại đội trưởng Đại đội 511 hơn 2 năm nên Bun Mạc nhiều lần tham gia tuần tra song phương với các bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị, bởi đơn vị anh được giao bảo vệ đoạn biên giới từ mốc 608 đến mốc 638.

Bun Mạc kể: "Mỗi lần tham gia tuần tra song phương với các đồng chí BĐBP Quảng Trị đều để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ đơn vị và cá nhân tôi những ấn tượng tốt đẹp, như lần tuần tra song phương với các đồng chí ở Đồn Biên phòng Ba Lin làm tôi nhớ mãi".

Hôm ấy, sau khi quán triệt kế hoạch, tổ tuần tra song phương của 2 đơn vị gồm 18 cán bộ, chiến sĩ triển khai tuần tra từ mốc 624 đến mốc 633, với cung đường dài 25,807km. Lãnh đạo 2 đơn vị xác định đây là đoạn biên giới có địa hình rất phức tạp, đường biên giới khá xa dân nên mọi công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo. Bình thường những nơi khác, lượng lương thực, thực phẩm dự phòng tăng thêm chỉ khoảng từ một đến hai ngày so với kế hoạch, nhưng với đoạn biên giới này, chúng tôi đã chuẩn bị vượt quá đến 4 ngày, do đường rất khó khăn nên ưu tiên các loại thực phẩm khô. Kế hoạch đề ra hoàn thành trong 3 ngày, nhưng khi mới đi được hơn một nửa đường thì trời đổ mưa tầm tã, nước các con suối dâng cao và chảy rất mạnh nên tổ tuần tra phải căng bạt nghỉ lại giữa rừng.

Trời mưa to quá, không nấu được cơm, mọi người phải ăn lương khô để chống đói. Tôi nhận thấy số lượng lương khô mang đi có hạn, vậy mà ngày nào các anh Đồn Ba Lin cũng hỗ trợ lương khô cho chúng tôi. Đến khi kết thúc đợt tuần tra kéo dài hơn 10 ngày, tôi mới biết các anh Đồn Ba Lin đã ăn mì tôm sống, uống nước mưa để nhường lương khô cho chúng tôi. Tối hôm sau, sinh hoạt đơn vị, tôi đã kể lại câu chuyện này cho cán bộ, chiến sĩ nghe và ai cũng xúc động trước hành động nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin.

Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Bun Mạc tạm biệt tôi rồi chỉ huy cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng Đồn Biên phòng CKQT La Lay thực hiện nhiệm vụ tuần tra song phương. Nhìn các chiến sĩ Biên phòng Lào và Việt Nam hàng ngũ chỉnh tề, cùng xuất phát đi về hướng biên giới với tình cảm gắn bó, thân thiết khiến tôi tin tưởng rằng, khó có thế lực thù địch nào có thể chia rẽ mối tình đoàn kết Việt Nam – Lào được.

Thêm một lần đi công tác tại Đồn Biên phòng Tam Thanh, tôi gặp Đại úy Xu Ly Nha - Chính trị viên Đại đội 322, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sa Vẳn Na Khệt cùng đoàn công tác của đại đội sang bàn và thống nhất kế hoạch tuần tra song phương. Tuy đoạn biên giới do 2 đơn vị quản lý chỉ có 31,192km, nhưng chủ yếu trên sông Sê Pôn nên công tác tuần tra cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Thông qua cán bộ phiên dịch, Đại úy Xu Ly Nha chia sẻ: “Ngoài công tác phối hợp tuần tra song phương, giữa hai đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ lẫn nhau hết sức ý nghĩa như giao lưu bóng chuyền, hỗ trợ vật chất mỗi khi gặp khó khăn, nhưng chủ yếu là Đồn Biên phòng Tam Thanh hỗ trợ chúng tôi”.

Đối với Đại đội 321 cũng vậy, sự gắn kết keo sơn giữa các Đồn Biên phòng Thuận, Hướng Phùng, Hướng Lập, CKQT Lao Bảo với Đại đội 321, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sa Vẳn Na Khệt luôn được đắp bồi bền vững theo thời gian. Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập nói với tôi: “Mối quan hệ cả trong công tác lẫn trong tình cảm giữa 2 đơn vị đã vượt qua khuôn khổ nghi thức ngoại giao, hai đơn vị luôn đạt được sự thống nhất cao về quan điểm, biện pháp xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến biên giới.

Có thể khẳng định rằng, đoạn tuyến biên giới Quảng Trị tiếp giáp với các tỉnh Sa Vẳn Na Khệt và Sa La Van của nước bạn Lào sẽ là một trong những đoạn biên giới “kiểu mẫu” của mối đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của 2 nước bởi lực lượng bảo vệ biên giới nơi đây đều xem nhau như “anh em một nhà”, để trên mỗi cung đường tuần tra biên giới đều được gọi là “Những cung đường tuần tra Xa-ma-khi”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-cung-duong-tuan-tra-xa-ma-khi/