Những cuộc đảo chính thảm khốc do Mỹ chống lưng

Trong từ điển từ vựng người Mỹ, cụm từ 'thay đổi chế độ' được nhìn nhận một cách dễ dàng chẳng khác chi 'ăn bánh táo'.

Gần như cả lịch sử của đất nước này, đặc biệt giai đoạn thế kỷ XX trở lại đây, nước Mỹ luôn cho rằng phải can thiệp vào vận mệnh của các nước khác, dưới hình thức “bảo vệ an ninh quốc gia” và nhiều động cơ sâu xa hơn nữa, trong đó không ít lần Mỹ đã thúc đẩy, thậm chí tham gia vào những cuộc lật đổ vô cùng tồi tệ.

Âm mưu đảo chính ở Syria

Sự tham gia của Mỹ vào cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ chế độ dân chủ ở Syria sau Chiến tranh Thế giới II đã gây những tranh cãi chưa bao giờ chấm dứt.

Đại đa số ý kiến cho rằng khi đó (năm 1949), CIA đã quyết định đặt cược cho “lợi ích Mỹ” ở khu vực này là khuyến khích một cuộc đảo chính nội bộ ở Syria.

Nhà cầm quyền Syria khi đó, dưới sự lãnh đạo của Shukri-al-Quwatli, thể hiện thái độ không hưởng ứng trong đề xuất xây dựng một đường ống dẫn dầu xuyên Ảrập. Tất nhiên, điều làm cho Mỹ dễ mất lòng nhất là đụng chạm đến quyền lợi dầu mỏ của nước này.

Chính vì vậy, một luật sư tên là Husni al-Zaim (trong hình), người mà trước đó chưa đầy 1 thập kỷ đã bị bắt giữ và kết án, đã được CIA đẩy lên và giúp đỡ để hoàn thành cuộc lật đổ chính quyền của Tổng thống Shukri-al-Quwatli ở Syria.

Sau đó, gần như ngay lập tức, các kế hoạch về đường ống dẫn dầu nói trên đã được phê duyệt, cùng với một số sáng kiến thân Mỹ như cuộc đàm phán hòa bình với Israel (trong khi cuộc chiến tranh đầu tiên giữa Ả-rập và Israel mới chỉ kết thúc vào năm trước đó).

Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau khi lên nắm quyền, chính al-Za'im lại bị phế truất và bị bắn bởi một người khác. Nhân vật này cũng lên cầm quyền được khoảng 5 năm trước khi bị hạ bệ.

Sau đó, Syria chìm trong gần 2 thập kỷ của những cuộc đảo chính liên miên, cho đến khi Hafez al-Assad lên cầm quyền và tại vị suốt 30 năm cho đến lúc qua đời.

Chiến dịch PBSUCCESS

Giống như nhiều trường hợp khác, cuộc thay đổi chế độ ở Guatemala do Mỹ điều khiển diễn ra năm 1954 do lo ngại phía Cộng sản sẽ đạt được vị thế cao ở nước này. J

acobo Arbenz, vị tổng thống bầu cử thứ hai của Guatemala, đã tiến hành một số cải cách về đất đai cũng như tiến hành các hành động dân túy để cải thiện đời sống cho những người nghèo nhất ở nước này.

Tuy nhiên, CIA không có chung cách nghĩ với Jacobo Arbenz và đã đưa ông vào “tầm ngắm”. Thêm vào đó, United Fruit - một công ty Mỹ sở hữu nhiều đất đai ở Guatemala, đã chịu ảnh hưởng do các lệnh cải cách đất đai và gặp khó khăn trong bóc lột người lao động do các chính sách tiến bộ của Arbenz - cũng tích cực vận động chính phủ Mỹ, khiến vị thế của vị tổng thống này càng trở nên mong manh. Arbenz trở thành mục tiêu của âm mưu ám sát, cho đến khi ông chịu từ chức.

Năm 1953, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã thông qua chiến dịch PBSUCCESS, một kế hoạch “chiến tranh tâm lý và hành động”. Thêm vào đó, CIA còn huấn luyện và tài trợ cho một nhóm dân binh do Castillo Armas lãnh đạo, với mục tiêu lật đổ Arbenz.

Mối đe dọa từ sự can thiệp của Mỹ đã khiến Arbenz buộc phải từ chức. 10 ngày sau, Armas lên cầm quyền, thiết lập chế độ cầm quyền độc tài kéo dài 4 thập kỷ. Đây cũng là giai đoạn diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu, tàn phá dân số Maya của Guatemala.

(Còn tiếp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-cuoc-dao-chinh-tham-khoc-do-my-chong-lung-3332162-b.html