Những cuộc điều tra liên quan tới Airbus trên khắp thế giới vẫn chưa kết thúc

Bằng việc chấp nhận nộp phạt 3,6 tỷ euro, Airbus - nhà sản xuất máy bay hàng đầu Châu Âu có thể tránh được việc bị tuyên án về hành vi hối lộ và tham nhũng.

Tuy nhiên, hàng chục cựu lãnh đạo của hãng này cũng như rất nhiều hãng hàng không nước ngoài đã dính líu vào các vụ việc thì khó có thể thể tránh khỏi việc ngồi ghế bị cáo trong thời gian tới.

Chi 3,6 tỷ Euro để khép lại điều tra tham nhũng

Ngày 28-1-2020, Tập đoàn Airbus đã thông báo rằng họ đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc với Văn phòng Công tố viên tài chính Quốc gia (PNF) của Pháp và các cơ quan tương tự của Anh và Mỹ trong bối cảnh tập đoàn này đang là đối tượng điều tra của những vụ việc tham nhũng và hối lộ .

"Chiểu theo thỏa thuận với các cơ quan tư pháp trên, Airbus sẽ phải phải trích ra một khoảng tiền 3,6 tỷ euro của năm tài khóa 2019 để nộp phạt cho các chính quyền Pháp, Anh và Mỹ. Các phiên điều trần để thông qua thỏa thuận này sẽ được tổ chức đồng thời ở Pháp, ở Anh và ở Mỹ vào ngày 31-1-2020 và Airbus sẽ hợp tác để giải quyết các tố cáo tham nhũng một cách thân thiện và cởi mở", thông cáo nhấn mạnh.

Việc giải quyết vụ kiện theo cách thức mà Airbus đã thông báo là giải pháp tối ưu tránh cho nhà sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu này bị kết án và chịu những hình phạt nặng nề hơn.

Việc Airbus trong những năm gần đây là đối tượng của các cuộc điều tra chống tham nhũng đã buộc tập đoàn này phải tăng cường đổi mới ban lãnh đạo, giới thiệu những gương mặt mới "sạch sẽ" với hy vọng có thể đi đến được các thỏa thuận " thân thiện" với nhà chức trách. Chỉ riêng trong năm 2018, hơn 100 cán bộ quản lý đã rời khỏi tập đoàn vì lý do "đạo đức" hay để "tuân thủ các quy tắc nội bộ" của công ty.

Airbus đã phải chấp nhận bỏ ra số tiền phật 3,6 tỷ euro để tránh các biện pháp trừng phạt.

Airbus đã phải chấp nhận bỏ ra số tiền phật 3,6 tỷ euro để tránh các biện pháp trừng phạt.

Hàng loạt cuộc điều tra khác đang bắt đầu

Thỏa thuận với tên gọi "Thỏa thuận tư pháp về lợi ích công" (CJIP) một mặt có thể giúp cho "pháp nhân" của nhà sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu này không còn bị trực tiếp đe dọa nữa, mặt khác nó lại được xem như là một "lời nhận tội" vì thế không có gì ngăn cản công lý tiếp tục "sờ gáy" cá nhân những giám đốc điều hành của tập đoàn trong quá khứ hay hiện tại, bởi vì các cuộc điều tra mới chỉ bắt đầu và họ vẫn có thể bị truy tố nếu các công tố viên nhận thấy việc đó phù hợp với luật pháp.

Những bê bối này không chỉ liên quan tới Airbus mà còn liên quan tới những khách hàng của họ ở khắp nơi trên thế giới. Việc công bố công khai nội dung của các thỏa thuận trên đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ bê bối liên quan đến các hợp đồng mua bán máy bay, vệ tinh hay trực thăng giữa Airbus và các hãng hàng không của nhiều nước.

Chính sách đối nội và sự phản ứng của dư luận trong nước ở những nước này sẽ tạo ra áp lực đòi hỏi chính quyền phải có phản ứng chứ không thể nhắm mắt làm ngơ cho dù họ có muốn như thế.

Liên quan tới những bê bối trong hợp đồng mua bán với Airbus là một danh sách rất dài các đối tác. Theo lệnh của Văn phòng Công tố tài chính Quốc gia của Pháp (PNF), cảnh sát đã tiến hành điều tra các giao dịch đáng ngờ tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nepal, Ấn Độ, Đài Loan, Nga, Ả Rập Saudi, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Thái Lan, Brazil và Kuwait.

Tại London, dưới sự lãnh đạo của Văn phòng Điều tra các gian lận nghiêm trọng (SFO), các điều tra viên đang nhắm tới những thị trường ở Indonesia, Sri Lanka, Malaysia, Ghana, Colombia. Họ cũng đã xem xét các hợp đồng của Airbus ở Mexico, Hàn Quốc và Đài Loan.

Việc Airbus công khai nhận tội chắc chắn sẽ nhanh chóng tạo ra những phản ứng dây chuyền ở nhiều nước. Tổng thống Sri Lanka đã yêu cầu mở một cuộc điều tra liên quan đến một hợp đồng mà Sri Lankan Airlines, hãng Hàng không Quốc gia Sri Lanka mua 10 chiếc máy bay của Airbus với giá tiền 2,3 tỷ USD.

Tại Malaysia, những tiết lộ về việc Airbus "bôi trơn" hàng chục triệu đô la để giành được những đơn đặt hàng từ Air Asia một hãng hàng không giá rẻ cũng đã thúc đẩy việc chính quyền mở cuộc điều tra. Vị chủ tịch của hãng này đã nhanh chóng xin tạm thời nghỉ việc trong hai tháng để chờ kết luận điều tra .

Cổ phiếu AirAsia Group Bhd (AAGB) và AirAsia X Bhd (AAX) đã giảm giá mạnh khi có tin các lãnh đạo của hãng dính líu vào vụ Airbus hối lộ 50 triệu USD.

Tổng thống Ghana đã chỉ định một công tố viên đặc biệt điều tra vụ Airbus hối lộ 5 triệu euro. Tại Colombia một cuộc điều tra nội bộ cho thấy nhiều khả năng sẽ dẫn đến các hành vi phạm tội.

Ở Nam Phi, một đơn vị đặc biệt đã được thành lập để lần theo dấu vết về "các hành vi sai trái, tham nhũng hoặc bất hợp pháp". Áo và Đức, từ nhiều tháng nay đã tiến hành điều tra liên quan đến bản hợp đồng mua bán máy bay tiêm kích năm 2003, với sự dính líu của Tom Enders cựu chủ tịch của Airbus, lúc đó đang là trưởng một bộ phận của tập đoàn này.

Ở Pháp, Văn phòng Công tố viên tài chính Quốc gia vẫn đang tiếp tục các cuộc điều tra đã bắt đầu từ nhiều năm trước và tên tuổi của các cựu lãnh đạo của Airbus có dính líu vào các vụ việc đã tuần tự xuất hiện trong hồ sơ của các cơ quan điều tra. Denis Ranque, Chủ tịch hội đồng quản trị; John Harrison, Tổng thư ký của tập đoàn đã bị triệu tập để làm nhân chứng liên quan đến những khoản chi trả hoa hồng đáng ngờ trong vụ mua bán trực thăng và vệ tinh giữa Airbus Helicopters và Kazakhstan.

Một cuộc điều tra khác cũng nhắm đến một khoản đầu tư của Airbus vào một mỏ vàng ở Mali, những nhà điều tra tin rằng dự án này là một trong các biện pháp rửa tiền và cất giấu tiền của lãnh đạo tập đoàn này.

Những thủ đoạn hối lộ tinh vi

Qua việc nghiên cứu các tài liệu nội bộ của Airbus, nhà chức trách đã nhận ra rằng, trong khoảng thời gian 2008- 2015, để gia tăng doanh số bán hang, Airbus đã đưa vào vận hành một hệ thống với những hoạt động vượt ra ngoài khuôn khổ của phát luật.

Cụ thể là từ năm 2008, tập đoàn đã tổ chức và cung cấp tiền để nuôi dưỡng một mạng lưới các nhà môi giới, "các đối tác kinh doanh" theo cái cách mà họ thường gọi. Mạng lưới này có tên gọi là "Tổ chức Chiến lược và tiếp thị" (SMO) có nhiệm vụ hỗ trợ Airbus "trong các cuộc đàm phán với khách hàng nhà nước cũng như tư nhân".

Với 150 nhân viên, SMO đảm nhiệm vai trò của một guồng máy nhằm "tạo mọi thuận lợi cho việc bán hàng". Cụ thể là sẽ lên kế hoạch tiếp thị cho các chiến dịch bán hàng, lập ra một danh sách những người tham gia vào việc ra quyết định, tuyển chọn các chuyên gia tư vấn và các luật sư phù hợp, đánh giá năng lực của các đối tác thông qua các hợp đồng mua bán máy bay hay vệ tinh trong quá khứ, giám sát thực thi các hợp đồng.

Bản thỏa thuận vừa được ký kết giữa Airbus và PNF đã chỉ ra rằng "trong một số trường hợp, các thông tin được Airbus đưa ra (…) không đầy đủ, sai lệch hoặc thiếu chính xác". Những khiếm khuyết này chủ yếu liên quan đến danh tính của những người được nhận tiền "hoa hồng", giá trị của khoản tiền được Airbus "hứa hẹn giữ bí mật", những cuộc kiểm toán được thực hiện "vội vã" thậm chí là mang tính chất đối phó.

Năm 2008, Airbus đã ban hành một quy chế nội bộ quy định rằng "không được phép chi trả những khoảng thù lao lớn hơn 15 triệu USD cho những người môi giới" tuy nhiên các cuộc điều tra cho thấy có rất nhiều trường hợp số tiền hoa hồng chi ra cho những người môi giới đã vượt xa con số này và chúng được thanh toán theo nhiều phương thức "sai trái" chẳng hạn như "núp bóng" dưới danh nghĩa các khoản vay giả tạo.

Công tố viên tài chính Quốc gia Pháp Jean Francois Bohnert khẳng định Tòa án Pháp đã chấp thuận để Airbus nộp phạt để được miễn truy tố về tội hối lộ và tham nhũng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, tổng số tiền hoa hồng mà SMO cam kết trả cho những người môi giới thậm chí đã vượt xa ngân sách của chính tổ chức này. Một số người môi giới đã được ghi tên tham gia vào một số chiến dịch bán hàng trong khi trên thực tế họ không tham gia hoặc chỉ tham gia về danh nghĩa thông qua những công ty ma.

Mục đích của việc này nhằm che dấu vai trò thực sự của những nhà môi giới này trong các hợp đồng mua bán quan trọng khác hoặc để "hợp thức hóa" cho số tiền hoa hồng quá cao, phá vỡ mức giới hạn trần đã quy định mà Airbus đã chi trả cho họ. Trong một số trường hợp người nhận tiền trong danh sách công khai được công bố chỉ là khâu trung chuyển, địa chỉ đến cuối cùng của số tiền đó là những người không có mặt trong danh sách.

Một vụ bê bối gần đây nhất vừa nổ ra liên quan tớ Hãng hàng không AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á. Theo một báo cáo mà Cơ quan Chống gian lận nghiêm trọng của Anh (SFO) công bố tuần trước, Tổng giám đốc Tony Fernandes và Chủ tịch Kamarudin Meranun của AirAsia đã nhận một khoản hối lộ lên tới 50 triệu USD, được Airbus chi trả dưới danh nghĩa một khoản tài trợ cho một e kip thể thao thuộc sở hữu của hai nhân vật nói trên.

Tony Fernandes và Kamarudin Meranun đã bị tạm đình chỉ công việc trong hai tháng để chờ kết luận của cuộc điều tra mà các nhà chức trách của châu Âu và Malaysia đang phối hợp tiến hành.

Dương Thắng (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/nhung-cuoc-dieu-tra-lien-quan-toi-airbus-tren-khap-the-gioi-van-chua-ket-thuc-581512/