Những cuộc đời sau cơn bão dữ

Cơn bão Linda quét qua vùng biển Cà Mau, một thế hệ ngư phủ mất đi và một thế hệ lớn lên mồ côi cha. Sau 21 năm, những nỗi đau còn đó...

Cơn bão "tử thần"

Những ngày cuối tháng 10 năm 1997, như thường lệ, ngư dân Đất Mũi (Cà Mau) lại giong tàu ra khơi đón bình minh trên biển. Trên đất liền, những người vợ ngồi đan lưới cho chồng, ánh mắt luôn dõi về phía biển hứa hẹn ngày trở về tôm cá đầy khoang.

Nhưng bất biến, chiều tối ngày 30-10, một vùng áp thấp hình thành ở Nam Biển Đông, đến đêm thì mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Sáng hôm sau, áp thấp thành bão số 5 có tên quốc tế là Linda. Vận tốc của bão ban đầu 15km/h sau đó tăng dần lên 20km/h theo hướng di chuyển Tây Tây Bắc.

Xóm làng sau bão dữ giờ đã đổi thay.

Cơn bão có ba điểm đặc biệt là mạnh lên rất nhanh, di chuyển nhanh và hoàn lưu của bão rất lớn, mở rộng ra. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn xác định đây là cơn bão hết sức nguy hiểm và đã thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho ngư dân. Tuy nhiên, ít ai tin là cơn bão sẽ gây nguy hiểm bởi vùng biển Tây Nam là vùng biển thánh địa chưa bao giờ có bão.

Cách bờ biển xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) hơn 10 hải lý, các ngư dẫn vẫn thong dong đóng đáy hàng khơi để buông kéo lưới. Trên những căn chòi nhỏ như tổ chim giữa biển, ngư dân tập trung ngồi chờ để kéo đáy.

Ngoài kia, sóng biển lăn tăn dào dạt, trời xanh và mây trắng. Khung cảnh bình yên đến lạ. Trên vùng biển Cà Mau, hơn 700 tàu thuyền với mấy ngàn con người vẫn ung dung đánh bắt. Họ có nghe tin bão nhưng không mấy quan tâm, bởi ở xứ này, bao đời này không ai biết đến bão lớn là như thế nào.

Ở đất liền xã Đất Mũi nghe tiếng gió rít rất mạnh, sóng đánh liên hồi vào bờ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm vươn khơi ra các vùng biển lớn, ông Mã Văn Tiến nhận ra điều chẳng lành. Ông chạy khắp xã thông báo cho bà con chằng chéo nhà cửa. Một số người tin làm theo nhưng không ít người thờ ơ với lời cảnh báo của ông Tiến.

Đêm ngày 2/11, bão Linda đã đổ bộ vào hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu với sức gió cấp 10, giật trên cấp 11. Những dãy hàng khơi bị cuốn bay tan tác hàng chục người trên chòi canh rơi xuống biển.

Anh Khoa nghẹn ngào khi nhớ về thời khắc sinh tử trên biển 21 năm trước.

Cuộc vật lộn giữa sự sống và cái chết ở trên biển còn khốc liệt hơn nhiều. Ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Đất Mũi) là một trong số ít người sống sót sau trận bão ấy. Trong tâm trí của mình, cái đêm kinh hoàng 21 năm trước lúc nào cũng văng vẳng bên tai, có lẽ sẽ ám ảnh trong suốt cuộc đời.

Trong lúc tàu sắp chìm, 4 thủy thủ không ai bảo ai, mỗi người đã chuẩn bị một món đồ để tự cứu mình. Ba người trên tàu ôm ba cái phao tròn nhỏ, còn ông Tuấn ôm phao bảo hiểm. Những cái phao kết vội vào với nhau thả xuống biển rồi cả 4 người bấu vào đó.

Suốt đêm chống chọi với sóng lớn, đến 8 giờ sáng thì một người đuối sức. Thấy vậy, ông Tuấn trẻ khỏe nhất nên tự nguyện buông phao ra. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sức lực cạn kiệt, ông Tuấn buông xuôi và xác định rõ cái chết. Vừa lúc đó thì có khúc dừa trôi đến, ông mừng rơi nước mắt liền bám vào nhưng phần phía ngọn đã mục, nếu sóng đánh mạnh sẽ rã ra.

Bão Biển được sinh ra ngay trong ngày cha mất.

Người ta nói "chết trôi gặp cọc mục" thì còn bi đát hơn, nhưng đây là hy vọng cuối cùng của người đang sắp chết, ông Tuấn vẫn quyết định bám vào rồi mặc kệ đến đâu thì đến. 2 ngày trời lênh đênh trên sóng biển, không có thứ gì trong bụng, ông Tuấn liền bẻ ngọn dừa nhai rồi ngấu nghiến nuốt.

Ngọn dừa khô, xơ rất cứng cứa vào miệng, cổ họng khi vào bụng lại gây chảy máu bao tử, hệ lụy đến ngày hôm nay. Nhưng dù sao thì ông vẫn biết ơn khúc dừa mục đã đưa mình vào bờ một cách kỳ diệu.

Thoát chết trong cơn bão Linda còn có anh Điệp Anh Khoa (xã Khánh Hội, huyện U Minh). Chiếc ghe đánh cá do anh Khoa làm chủ tàu và cũng là tài công lái chính. Khi sóng dồn dập đánh vào mạn ghe, biết là không thể chống chọi nổi nên anh Khoa kêu anh em tập trung ra phía trước mũi ghe rồi đi tìm kiếm đồ để kết bè.

Ghe nhỏ bé, đơn sơ chỉ có mấy cái can nhựa cột chồng lên nhau. Anh Khoa động viên mọi người khi nào ghe chìm thì tất cả cùng nhảy xuống biển. Trước giờ phút sinh tử ấy, anh lấy hết dũng khí nói một câu: "Sống thì sống chung, chết cũng chết chung".

Vừa nói xong thì ghe chìm, sóng cao quá đầu người liên tiếp tấp vào người thủy thủ. Sau những ngày lênh đênh tìm cá, họ đuối sức, anh Khoa dù là chỗ dựa của cả đội nhưng cũng cảm thấy tuyệt vọng. Anh thều thào nói: "Bỏ tôi ra đi, tôi không sống nổi đâu", rồi anh tháo chiếc đồng hồ đưa cho anh bạn, xem như kỷ vật cuối cùng của người sắp chết. Lúc đó tình người là sợi dây duy nhất vực họ dậy. Mấy anh em ôm chặt lấy cơ thể mềm nhũn của người tài công, nói anh ráng cầm cự nhưng không thể. Anh Khoa trôi tự do khoảng 100m thì có ghe cứu hộ chạy tới.

"21 năm quên không được thì biết khổ cỡ nào"

Rất nhiều người đã không bao giờ quên được những ngày tháng bi thương tột cùng mà bão Linda gây ra. Bà Trần Thị Lăng (xã Khành Hội) đón được người con trai trở về sau cơn bão nhưng chồng thì mãi mãi nằm lại ngoài khơi xa.

Tính cả hai bên nội ngoại, bà Lăng phải chịu tang 11 người. Trong lòng bà, dù là hai mấy năm hay hơn thế nữa thì nỗi đau là không thể xóa nhòa. Cứ nghĩ người chồng đi giã cào gần bờ thôi mà phải tan thân nát thịt, khổ tận cùng trời.

Suốt hai thập kỷ sau bão dữ, nỗi đau không thể xóa nhòa với người ở lại.

Bà nghẹn lại trong tiếng nói đứt quãng: "21 năm rồi quên không được thì biết khổ cỡ nào". Hàng đêm, trong mùng có cái gối của chồng, bà Lăng luôn để bên cạnh với suy nghĩ người chồng đang nằm cùng mình. Bà thức trắng đêm nhiều tháng trời, phải uống thuốc ngủ triền miên. Tha thẩn nghĩ về chồng, có lúc bà quên cả con cái.

Những ngày sau bão tan, bà Lăng cứ chạy ra bãi biển tìm. Đứa em của bà cũng đi tìm về, nói: "Chị ơi, xác người chết chất cao như củi ngoài kia, chắc anh không còn sống đâu". Bà vẫn cố tìm, nhưng tìm hoài không thấy. Bà suy nghĩ, cứ đi thế này thì hết tiền, con mình không có gì mà sống. Nếu người còn sống thì đã trở về rồi, đâu có chỗ nào mà ở cả năm trời.

Không còn hy vọng nữa, bà về lập bàn thờ chồng. Mẹ con bà Lăng dắt nhau đi làm thuê làm mướn. Bà làm quần quật quanh năm suốt tháng để quên đi hình bóng người chồng. 5 năm sau, thằng con trai thứ 2 quyết định theo nghề của ba. Nó nói với mẹ: "Con đi ra biển để tìm ba".

Trong số nạn nhân còn trẻ, có con trai của bà Trần Thị Mỹ Dung (xã Đất Mũi). Biết con bị bão cuốn đi, bà Dung gào khóc hết nước mắt nhưng vẫn có một niềm tin là con trai chỉ bị sóng cuốn trôi dạt đi đâu đó rồi vài năm sẽ trở về.

Nhờ có niềm tin ấy, ngày nào bà cũng mang tấm ảnh của con ra ngắm qua mỗi mùa mưa bão, bà Dung lại ra biển chắp tay lạy trời, "thần biển" hãy mang con trai trở về. 21 năm, nỗi đau đã lặn ngấm vào trong từng thớ thịt. Đó thật sự là một đêm kinh hoàng nhất trong cuộc đời của người dân Cà Mau. Một thế hệ ngư phủ mất đi và một thế hệ lớn lên mồ côi cha.

Để nhớ đến sự kiện này, một đứa con được đặt tên là Nguyễn Bão Biển. Cha của Bão Biển là một trong hàng nghìn ngư phủ thiệt mạng trong trận cuồng phong của biển cả. Nó lớn lên trong cảnh tang tóc, khốn cùng của làng quê vừa bị cơn bão quét qua. Nó nghe các chú kể lại là ba chết trong cabin con tàu chuẩn bị chìm. Biết mình không thể trở về với gia đình, để đứa con đang nằm trong bụng phải mất cha, người thủy thủ này đã khóc rất nhiều.

Bão Biển ở cùng bà ngoại, được yêu chiều hết mực, bà không bắt nó phải làm việc gì. Nó biết rằng, bà ngoại đang muốn bù đắp cho nó tất cả. 15 tuổi, Bão Biển muốn ra biển nhưng bị ngăn cản quyết liệt. Bà ngoại tuyên bố nếu Bão Biển ra biển thì bà sẽ chết để phản đối.

Thương bà, Bão Biển lên TP Hồ Chí Minh tìm việc làm. Ban đầu cậu làm phục vụ cho một quán ăn. Công việc nặng nhọc, lại thường xuyên bị chủ la mắng nên Bão Biển chuyển sang làm cho công ty sơn. Chỉ được thời gian ngắn, cậu không chịu nổi áp lực đành bỏ ngang.

Trở về quê, Bão Biển buồn lắm, nhìn ngoại ngày càng già đi nhưng vẫn lụ khụ đi kiếm cái ăn cho cả gia đình, cậu thương mà không thể khóc nổi. Cánh trai làng cùng trang lứa vươn khơi, mỗi chuyến trở về cũng được một khoản tiền giúp cha mẹ càng khiến Bão Biển nao lòng. Chiều đến, cậu hay ra bãi đá kè biển ngồi tha thẩn một mình. Ở đây, trai lớn lên nếu không ra biển thì làm gì? Đó là câu hỏi giằng xé với cậu con trai vừa bước qua tuổi 21.

Ngọc Thiện - Cát Tường

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/nhung-cuoc-doi-sau-con-bao-du-508470/