Những cuộc gọi 'ma' - Mặt trái của ngành dịch vụ công nghệ Ấn Độ

Cơ hội việc làm ngày càng ít khiến nhiều thanh niên Ấn Độ rơi vào cạm bẫy của các hợp đồng biểu diễn, trung tâm cuộc gọi lừa đảo với mức lương thấp và ít sự bảo vệ.

Hình ảnh minh họa một trung tâm cuộc gọi. (Nguồn: Quỹ Thomson Reuters/Nura Ali)

Sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố Ahmedabad, miền Tây Ấn Độ, Saurav, 25 tuổi, mất 4 tháng đi tìm việc cho đến khi thanh niên này bắt gặp một quảng cáo và đăng ký việc làm tại một trung tâm dịch vụ khách hàng. Saurav không biết rằng sẽ có ngày công việc này đưa anh ta vào tù.

Công việc hàng ngày của Saurav là gọi điện cho những người ở Hoa Kỳ, lôi kéo họ đăng ký các khoản vay và hợp đồng bảo hiểm, sau đó thuyết phục họ chi thêm từ 50-100 USD để cải thiện điểm tín dụng cá nhân.

Tuy nhiên, nơi mà Saurav đang làm việc không phải là ngân hàng hay công ty bảo hiểm, mà là một trung tâm cuộc gọi lừa đảo, chuyên rao bán các sản phẩm fake (hàng nhái) và ăn cắp trắng trợn khoản tiền của những người muốn cải thiện điểm tín dụng.

Saurav cho biết: "Tôi đã không nhận ra tính chất của công việc lừa đảo này cho đến khi nói chuyện với những người làm cùng trung tâm. Tuy nhiên, do nghĩ là đang làm rồi và chắc chắn không thể kiếm được một công việc khác với mức thu nhập 20.000-25.000 rupee (241-302 USD) mỗi tháng, tôi đã tiếp tục làm việc ở đó".

Mỗi ngày, các trung tâm cuộc gọi "ma" thực hiện hàng nghìn vụ lừa đảo qua điện thoại đối với khách hàng ở Ấn Độ, Hoa Kỳ, Anh và nhiều nơi khác. Các nhân viên đóng giả làm quan chức thuế, nhân viên ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng như hỗ trợ kỹ thuật.

Vài năm gần đây, cảnh sát Ấn Độ đã đột kích hàng trăm trung tâm như vậy ở Ahmedabad, Delhi, Gurugram, Mumbai và Kolkata, và buộc tội hàng nghìn người về tội lừa đảo .

Giống hai "đồng nghiệp" cùng trung tâm, Saurav đã bị bắt vào năm ngoái và phải chịu mức án tù 5 tháng.

Câu chuyện của Saurav là một trong những minh chứng, phơi bày một phần mặt trái của ngành dịch vụ công nghệ thông tin trị giá 220 tỷ USD của Ấn Độ, đang bùng nổ khi nhiều công ty toàn cầu áp dụng hình thức thuê ngoài dịch vụ hỗ trợ khách hàng với những người lao động có trình độ cùng mức thù lao thấp.

Tuy vậy, chính những yếu tố này khuyến khích sự ra đời các "trung tâm ma", và chỉ riêng công dân Mỹ đã mất hơn 10 tỷ USD cho các băng nhóm lừa đảo và các trung tâm kiểu như vậy có nguồn gốc từ Ấn Độ trong năm 2022, theo dữ liệu của FBI được trích dẫn bởi phương tiện truyền thông địa phương.

Ajit Rajiaan, cảnh sát ở Ahmedabad, người đã truy quét hàng chục hoạt động lừa đảo như vậy cho biết: “Tất cả những gì một kẻ lừa đảo cần là máy tính, điện thoại, kết nối Internet và dữ liệu, những thứ đó có thể dễ dàng tìm kiếm ở chợ đen. Trung tâm cuộc gọi "ma" có thể đặt từ một ngôi nhà, một văn phòng hoặc bất cứ nơi nào và gần như tất cả những người bị bắt là nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, có trình độ học vấn trung học hoặc đại học".

Theo thống kê mới nhất, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào tháng 4, vượt qua Trung Quốc với hơn 1,43 tỷ người. Quốc gia này cũng có dân số trẻ nhất, với hơn 40% dưới 25 tuổi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đủ để đáp ứng khoảng 12 triệu người tham gia lực lượng lao động mỗi năm. It cơ hội việc làm khiến nhiều người người trẻ tuổi có học thức phải tìm kiếm việc ở thị trường tự do với mức lương thấp, bấp bênh và nhiều rủi ro về pháp luật.

(Theo Context)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-cuoc-goi-ma-mat-trai-cua-nganh-dich-vu-cong-nghe-an-do-226294.html