Những cuốn sách về trí thông minh nhân tạo

Thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ số, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đem lại nhiều giá trị to lớn cho loài người. Một số sách chỉ ra cơ hội, rủi ro của trí tuệ nhân tạo.

Tìm hiểu về trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence - AI), cũng như đưa ra dự báo cho tương lai với sự ảnh hưởng to lớn về mọi mặt của AI lên xã hội loài người, là những điểm chung có thể thấy qua các tác phẩm Năm 2062 - thời đại trí thông minh nhân tạo, EIGHT - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo...

Trí thông minh nhân tạo, một ngày nào đó...

“Một ngày nào đó, máy móc sẽ thông minh hơn con người. Khi nào điều đó xảy ra? Theo khảo sát của các chuyên gia, đó là vào năm 2062. Nếu những suy đoán sống động với đầy đủ chi tiết về tương lai là thứ bạn đang tìm, tác phẩm mới của Toby Walsh chính là lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn”. Đó là chia sẻ của Erik Brynjolfsson, giáo sư Viện công nghệ Massachusetts (MIT) sau khi đọc Năm 2062 - thời đại trí thông minh nhân tạo.

 Sách Năm 2062 thời đại trí thông minh nhân tạo của Toby Walsh. Ảnh: Trần B.A.

Sách Năm 2062 thời đại trí thông minh nhân tạo của Toby Walsh. Ảnh: Trần B.A.

Với tác phẩm này, Toby Walsh đã xem xét tác động của trí thông minh nhân tạo đến xã hội loài người ở nhiều phương diện, từ việc làm, kinh tế cho đến chiến tranh, chính trị, cuộc sống hàng ngày và thậm chí cả cái chết của con người. Đồng thời, sách giải đáp những câu hỏi như: Tự động hóa có lấy đi công việc của người lao động không? Robot sẽ có ý thức và lên nắm quyền trong mọi lĩnh vực?...

Theo Năm 2062 - thời đại trí thông minh nhân tạo, đó là lúc xuất hiện người số, là không còn dịch bệnh, không còn tuổi già, bản thể riêng của con người cũng mất đi, "vào khoảng năm 2062, chúng ta sẽ bị qua mặt bởi những thứ do chúng ta tạo ra hôm nay, chính là máy móc và thiết bị số".

Cũng là dự báo, tác giả Lee Ji-sung của EIGHT - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo cho rằng từ năm 2030 đến cuối thế kỷ 21, hàng tỷ người trên thế giới sẽ thất nghiệp bởi sự thay thế của trí thông minh nhân tạo. Những nghề nghiệp như bác sĩ, dược sĩ, luật sư, giáo viên, nhân viên văn phòng… có thể là những đối tượng đầu tiên bị trí thông minh nhân tạo thay thế. Lao động thế giới trong tương lai bị chia thành hai: Nhóm điều khiển AI và nhóm bị AI điều khiển.

Trong khi đó, ở sách Chuyển đổi số: Sống sót và bứt phá, tác giả Tom Siebel chỉ rõ AI "là chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh kinh tế và quân sự toàn cầu". Điều này trùng khớp với nhận định của một nhà lãnh đạo phương Tây khi cho rằng "Trí thông minh nhân tạo là tương lai [...]. Bất cứ ai trở thành người lãnh đạo trong lĩnh vực này sẽ trở thành người thống trị thế giới".

Dưới ảnh hưởng của chuyển đổi số, AI thâm nhập vào kinh tế, dịch vụ với việc hiện diện các "doanh nghiệp số" cùng những công nghệ mới ngày càng tiên tiến, hiện đại. Và ở cấp nhà nước, các chính phủ số cũng không còn là vấn đề lạ lẫm.

Giữ vị trí chủ thể của con người

Nhiều giải pháp, chỉ dẫn được các tác giả, nhà nghiên cứu đưa ra để giữ vị trí chủ thể vốn có của con người, cũng như hạn chế, hoặc sử dụng sức mạnh của AI đúng lúc, đúng chỗ.

Để các cá nhân, tổ chức có thể tồn tại, vươn lên trong cuộc chuyển đổi số có quy mô toàn cầu, Chuyển đổi số: Sống sót và bứt phá đưa ra các giải pháp, trong đó chủ động xây dựng được một lớp công nghệ mới, thực hiện cuộc chuyển đổi số là then chốt để "sống hoặc chết". Bên cạnh đó là vai trò, tầm nhìn cũng như kế hoạch hành động của CEO trong chuyển đổi số mang tính thúc đẩy.

EIGHT - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo, tác giả Lee Ji-sung cho rằng trí thông minh nhân tạo có những ưu thế vượt trội so với con người tự nhiên. Nhưng ở chiều ngược lại, con người lại có những năng lực tự nhiên mà chỉ họ mới có; máy móc, dù hiện đại, tân tiến đến đâu, cũng không thể so bì. Thuộc tính tự nhiên là lợi thế tiên quyết để con người có thể làm chủ trí thông minh nhân tạo.

Sách của tác giả Lee Ji-sung đưa ra giải pháp làm chủ trí thông minh nhân tạo. Ảnh: K.N.

Trên cơ sở ưu thế tự nhiên của con người, 8 phương pháp làm chủ trí thông minh nhân tạo được Lee Ji-sung đưa ra làm căn cốt thực hiện: Nói không với thiết bị IT; sử dụng sức mạnh của triết học làm vũ khí đánh thức năng lực sẵn có của con người; tăng cường quan sát, chia sẻ và dung hợp...

Tác giả đưa ra những phương pháp mà con người có thể dễ dàng thực hiện; ví dụ tăng cường giao tiếp: "Dành thời gian để nói chuyện, giao tiếp chân thành với người xung quanh dù chỉ một lần trong tuần"; "thỉnh thoảng hãy hòa mình với thiên nhiên... Hãy hoàn toàn tận hưởng niềm vui phát hiện, trải nghiệm và chia sẻ con người bên trong như thế".

Những hoạt động mang tính nền tảng, cơ bản của con người, chính là lợi thế tự nhiên của con người mà máy móc dù có tân tiến, hiện đại đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể có được. "Sẽ không có máy móc nào có thể thay thế quý vị khi quý vị thật sự trở thành con người", Lee Ji-sung kết luận.

Trần B.A

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cuon-sach-ve-tri-thong-minh-nhan-tao-post1151456.html