Những cựu tù nặng lòng với Côn Đảo

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phần lớn các cựu tù chính trị Côn Đảo muốn mau chóng rời xa chốn đau thương ấy về với quê hương, người thân của mình. Thế nhưng, vẫn có nhiều người đã tình nguyện ở lại và vận động người thân ra dựng xây Côn Đảo.

MỘT LÒNG TRUNG KIÊN VỚI CÁCH MẠNG

Uống ngụm nước trà, lặng người đi một lúc ông Phan Hoàng Oanh - hay còn gọi là Bảy Oanh (cái tên trìu mến mà đồng chí, đồng đội thường gọi chú) - Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến Côn Đảo (SN 1945, ở khu dân cư số 6, huyện Côn Đảo) bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng đầy đau thương mà hào hùng khi ông và các chiến sĩ bị địch bắt tù đày. Những diễn tiến khi ở trong nhà tù dường như mới diễn ra ngày hôm qua với đối ông Bảy Oanh và các cựu tù chính trị. Ông kể: Sinh ra và lớn lên tại Kiên Giang, ông tham gia cách mạng khi mới tròn 19 tuổi, từ giao liên, tiếp tế cho bộ đội. Năm 1969, khi đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Đông Hưng (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), ông bị giặc bắn bị thương, sau đó bị bắt giam vào khám Kiên Giang. Năm 1970, ông Bảy Oanh bị đày ra Côn Đảo.

Cựu tù chính trị Côn Đảo Phan Hoàng Oanh luôn dõi theo các thông tin trong tỉnh qua báo chí.

Tại Côn Đảo, ông bị giam ở trại Phú Bình - trại giam chuồng cọp kiểu Mỹ với những cực hình tra tấn dã man. Đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ như in hình ảnh về khu chuồng cọp bao quanh bằng dây thép gai, các dãy phòng giam chật chội, ẩm thấp chỉ vọn vẹn chưa đầy 5m2. Số lượng tù nhân thì địch nhồi nhét đến 6, 7 người, có lúc cao điểm tới hơn 10 người. Vào mùa mưa, nước ngập cả nền phòng giam, người tù lúc đó chỉ có thể ngủ ngồi. Còn mùa nắng, trần nhà lợp bằng tôn xi măng, hơi nóng hừng hực phả vào các phòng giam. Cùng với đó là điều kiện vệ sinh tồi tệ, ăn uống kham khổ.

Còn với cựu tù Nguyễn Văn Ước - Tư Hùng (SN 1940, ở khu dân cư số 1) - người đã có 16 năm rưỡi sống trong cảnh tù đày ở Côn Đảo. Nhớ về sinh hoạt trong tù, chú Tư Hùng còn nhớ như in: Một tuần, địch cho tù nhân ăn 3 bữa gạo trắng, 4 bữa gạo đỏ ăn với tương hột, không có canh rau, các tù nhân phải chan nước lã vào cơm để dễ ăn hơn. Hàng ngày, hễ thấy tù nhân trò chuyện cai tù lại lôi ra đánh đập dã man.

Nhưng, những thủ đoạn tra tấn tinh vi, dã man nhất của kẻ thù không thể dập tắt được ý chí chiến đấu của những người tù chính trị nơi đây. Các chú, các bác vẫn tiếp tục kiên cường, kiên định đấu tranh vì độc lập, tự do. “Dù bọn đế quốc dùng nhiều thủ đoạn để làm lung lay ý chí, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, nhưng tôi cùng với những người tù chính trị tại Côn Đảo không hề nao núng, luôn kiên trung, một lòng sắt son với cách mạng. Kiên cường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh”, ông Tư Hùng nói.

Các Cựu tù chính trị Côn Đảo cùng ôn lại những ngày tháng đầy đau thương mà hào hùng khi bị địch bắt tù đày.

NẶNG LÒNG VỚI CÔN ĐẢO

Sau ngày Côn Đảo được giải phóng, tháng 5-1975, những chuyến tàu đầu tiên ra đón tù chính trị trở về đất liền đã cập cảng Côn Đảo trong niềm mong đợi của hàng ngàn người. Chưa đầy 2 tuần, phần lớn cựu tù đã lần lượt rời Côn Đảo. Trước lúc nhổ neo, tổ chức đề nghị những thanh niên khỏe mạnh ở lại làm nhiệm vụ ổn định tình hình, giữ trật tự trị an Côn Đảo. Sau những năm tháng bị giam cầm, ai cũng mong đợi ngày về đoàn tù gia đình. Nhưng khi nghĩ đến các đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh trên mảnh đất này và việc bảo vệ, xây dựng là việc làm cần thiết nên ông Bảy Oanh đã tình nguyện ở lại. “Sau khi tôi quyết định ở lại thì trong số những người bạn tù có người cũng ở lại rồi những người khác cũng lần lượt đăng ký bám trụ tại đây” – ông Bảy Oanh nhớ lại.

Tại Côn Đảo, ông Bảy Oanh nỗ lực tham gia nhiều phần việc, đảm nhiệm nhiều vai trò để dựng xây Côn Đảo qua các vị trí công tác như: Phó Bí Thư, Bí Thư Huyện Đoàn, Phó Giám đốc Nông lâm trường Côn Đảo, Giám đốc vườn Quốc gia, Trưởng Phòng VHTT, Trưởng Ban Quản lý các khu di tích, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng Côn Đảo... Ở bất kỳ vị trí công tác nào, ông đều đem sức lực, trí tuệ cống hiến dựng xây quê hương Côn Đảo bằng cả tâm huyết và tình yêu của mình dành cho mảnh đất này.

Tương tự, ông Tư Hùng cũng tình nguyện ở lại xây dựng, bảo vệ Côn Đảo sau ngày giải phóng. Ông tích cực tham gia nhiều công việc: lực lượng Biên phòng Côn Đảo, hải quân, Xí nghiệp vận tải Côn Đảo... Năm 1991, sau khi về hưu, ông Tư Hùng tiếp tục về địa phương chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi và tham gia công tác Chi hội Cựu chiến binh, Ban điều hành khu phố, công tác dân vận... Ở vị trí nào, các cựu tù chính trị ở lại xây dựng địa phương Côn Đảo cũng hoàn thành nhiệm vụ, được bà con nhân dân yêu mến, kính trọng.

Đa phần các cựu tù chính trị nay tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng ai cũng nặng lòng với việc xây dựng Côn Đảo. Ai cũng mong muốn mảnh đất “địa ngục trần gian xưa” sẽ ngày càng tươi đẹp hơn.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước có hơn 150 cựu tù chính trị tình nguyện ở lại bảo vệ, xây dựng Côn Đảo. Qua thời gian, người do điều kiện công việc, cuộc sống, bệnh tật phải chuyển vào đất để con cháu tiện chăm sóc, người do tuổi già sức yếu đã mất. Hiện nay, Côn Đảo còn 5 cựu tù sinh sống, gồm: Chú Phan Hoàng Oanh, chú Nguyễn Văn Ước, chú Nguyễn Xuân Viên, chú Nguyễn Văn Bảnh và cô Nguyễn Thị Ni.

ĐĂNG KHOA - BẢO KHÁNH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201812/nhung-cuu-tu-nang-long-voi-con-dao-830832/