Những đặc điểm hiếm có khiến ST25 là gạo ngon nhất thế giới

Hoàn toàn không sử dụng hóa chất tổng hợp, gạo dẻo mềm mà không nát, có mùi hương kép là hương dứa phảng phất với hương cốm, để nguội vẫn dẻo... là những đặc điểm nổi trội ở gạo ST25.

Điểm đặc biệt trong gạo ST25

Trưa 5/12, Tổ chức The Rice Trader, đơn vị tổ chức giải "Gạo ngon nhất thế giới" (World's Best Rice) công bố thông cáo báo chí về giải thưởng này. Theo đó, lần này The Rice Trader công bố rõ gạo ST25 do doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí phát triển giành giải nhất cuộc thi.

Trong thông cáo báo chí của TRT, ông Jeremy Zwinger, giám đốc điều hành TRT đã thông tin làm rõ và xác nhận rõ ràng những điểm chính về cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Thứ nhất, cuộc thi có khoảng 30 mẫu gạo từ nhiều quốc gia khác nhau, một số gửi nhiều hơn một mẫu và một số có nhiều mẫu. Thứ hai, chỉ có ba giống lúa đảm bảo một vị trí trong số ba giống lúa hàng đầu: một từ Campuchia, một từ Ấn Độ và một từ Việt Nam. Thứ ba, mẫu gạo chiến thắng đã được tất cả các đầu bếp trong cuộc thi nhất trí chọn, các đầu bếp đều không biết tên loại gạo của công ty nào khi thực hiện chấm giải.

Đặc biệt, thông báo nêu rõ, danh hiệu gạo ngon nhất thế giới 2023 là gạo ST25 của Việt Nam do Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí phát triển. Không có mẫu gạo nào khác của Việt Nam lọt vào top 3 chung cuộc và không ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc thi.

Gạo ST25 là sản phẩm do AHLĐ Hồ Quang Cua nghiên cứu lai tạo trong nhiều năm.

"ST25 được phát triển bởi nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng. Năm 2019, gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua là người tạo nên chiến thắng đầu tiên cho Việt Nam và là thành tích lớn cho đất nước" - Theo thông cáo của TRT.

ST25 là dòng lúa lai do AHLĐ Hồ Quang Cua phát triển trong nhiều năm. Theo AHLĐ Hồ Quang Cua, sau khi đạt giải gạo ngon nhất năm 2019, với dòng 68-10, ông và các cộng sự tiếp tục thanh lọc bằng cách trồng thuần từng cá thể lúa và đến 2021 dòng 72-6 lộ ra. Không có dạng hình nổi trội bởi cây lúa 72-6 thấp, hơi xiên nhưng ít đổ ngã, trổ sớm hơn 5 ngày nhưng chín cùng lúc với dòng 68-10 nên có cùng chu kỳ sinh trưởng. Hạt gạo ngắn hơn dòng cũ độ 0,2mm. Đặc biệt, dòng lúa này thường chín tới nên ít bị lừng, bao lúa nặng hơn dòng cũ và tỉ lệ thu hồi gạo khá hơn dòng 68-10 khoảng 0,5%.

Mẫu gạo dự thi năm nay được trồng trên quy mô 2,6ha ở ấp Tiên Cường, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào vụ hè thu của ông Lưu Văn Hải. Diện tích này nằm trong số hàng trăm mẫu ruộng thực nghiệm các chế phẩm sinh học để phòng ngừa bệnh tật và côn trùng trên cây lúa, đồng thời cũng là chất kích thích tăng trưởng tự nhiên, không sử dụng hóa chất tổng hợp. Lúa được thu hoạch vào ngày 14 và 15/9, lúc trời mưa tầm tã nên một phần mười diện tích bị thất thoát không thu được.

Để có gạo đem đi dự thi, nhóm của AHLĐ Hồ Quang Cua đã tổ chức xay xát hàng chục mẫu gạo từ các ruộng thực nghiệm không sử dụng hóa chất trong vụ hè thu 2023 và sau cùng chọn ra mẫu của ông Lưu Văn Hải. Điều đặc biệt là tuy gặp mưa, sau khi trời khô thu hoạch ngay mà mùi gạo vẫn thơm bền. "50 mẫu gạo đóng túi nhỏ 200g được đại biểu xin hết, ngay sau khi công bố kết quả và trầm trồ vì mùi thơm của gạo", AHLĐ Hồ Quang Cua cho biết.

Gạo ngon còn do đất trồng

AHLĐ Hồ Quang Cua cho biết, vùng đất Thạnh Thới An liền kề với xã Viên An, Viên Bình, Tài Văn, hàng trăm năm trước là vùng nguyên liệu của gạo Bãi Xào nức tiếng ở Hương Cảng là vùng đất xưa giờ cho hạt gạo lý tưởng (gạo no, trắng, lâu khô cơm) và cho đến nay, hàng trăm năm sau vẫn cho hạt gạo ngon nhất và luôn bán được giá cao nhất.

Gạo ST25 có mùi hương kép là hương dứa phản phất hương cốm, cơm thơm, ngon, mềm dẻo không khô khi để nguội. Đồng thời, cây lúa ST25 có phổ thích nghi rộng, chống chịu bệnh, chịu mặn, không quang cảm, năng suất cao và có thể gieo trồng quanh năm. Yếu tố này rất quan trọng, bởi người tiêu dùng sẽ có gạo mới quanh năm, khác với gạo thơm lúa mùa các nước khác.

AHLĐ Hồ Quang Cua kể công trình lúa thơm ST bắt đầu một cách tình cờ khi ông đi thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông 1996. Khi đó, ông phát hiện những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp khi quan sát giống VD20.

Lúc này, Thái Lan công bố việc lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng nên ông nghĩ tại sao họ làm được còn Việt Nam lại không. Vậy là vị kỹ sư nông nghiệp nghĩ đến giống lúa thơm và từ những cá thể VD20 đột biến đầu tiên, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời.

"Sự phát hiện này tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được chúng tôi thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất", ông Cua nhớ lại.

Không chỉ nghiên cứu lai tạo, nhân giống và quảng bá thương hiệu, AHLĐ Hồ Quang Cua còn tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. AHLĐ Hồ Quang Cua đã làm sống lại mô hình "con tôm ôm cây lúa" trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả tại Sóc Trăng.

ST25 lần thứ 2 đăng quang gạo ngon nhất thế giới, "Với kết quả này, có thể đưa vào dự án "Một triệu ha" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tương lai chúng ta có thể nâng cấp hạt gạo Việt Nam lên thêm nữa", ông Cua nói.

Được biết, The Rice Trader đã tổ chức giải "Gạo ngon nhất thế giới" (World's Best Rice) được 15 năm. Các đơn vị thắng giải không chỉ được vinh danh mà còn phải có nghĩa vụ đóng phí khi sử dụng logo (biểu tượng thương hiệu) giải thưởng "World's Best Rice" (Gạo ngon nhất thế giới) độc quyền của The Rice Trader vào mục đích tiếp thị và kinh doanh.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-dac-diem-hiem-co-khien-st25-la-gao-ngon-nhat-the-gioi-169231206091721382.htm