Những đại dịch làm chao đảo thế giới

Đêm 11-3, theo giờ Hà Nội, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus Corona chủng mới (virus SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố dịch bệnh do một chủng virus Corona gây ra là đại dịch (trước đây từng có hai dịch bệnh khác cũng do virus Corona chủng khác gây ra là hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2004 và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2018).

Khi nào một dịch bệnh được coi là đại dịch?

Theo WHO, “dịch bệnh” được giải thích là sự bùng phát của một căn bệnh với tốc độ lây nhiễm không lường trước được, vượt khỏi tầm kiểm soát nhưng trong phạm vi một khu vực, một quốc gia nào đó.

Khi dịch bệnh lan rộng ra nhiều nơi, trải rộng ở nhiều châu lục và ảnh hưởng đến một số lượng lớn người thì WHO gọi đó là “đại dịch”. WHO nhấn mạnh, đại dịch liên quan đến sự lây lan theo địa lý của nó chứ không liên quan gì đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Có nhiều lý do để WHO công bố một dịch bệnh là đại dịch, một trong số đó là để nghiêm túc kiểm soát, không bỏ qua các triệu chứng và có được tài chính cần thiết để giải quyết và kiểm soát dịch bệnh.

Theo kế hoạch phòng, chống đại dịch của WHO, khi một đại dịch toàn cầu được công bố, yêu cầu các chính phủ quốc gia phải hành động để "phân phối thiết bị bảo hộ cá nhân, thuốc chống siêu vi và vật tư y tế khác như chương trình quốc gia bằng cách "huy động toàn bộ hệ thống y tế, cơ sở vật chất và nhân công ở cấp quốc gia và địa phương".

 Bản đồ lây lan dịch Covid-19 trên thế giới. Ảnh: kapitalis.com.

Bản đồ lây lan dịch Covid-19 trên thế giới. Ảnh: kapitalis.com.

Mối đe dọa của đại dịch

Trong lịch sử loài người đã từng xảy ra nhiều đại dịch, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có ít nhất 7 đại dịch cúm từng xảy ra ở thế kỷ 19 và 20. Một trong số đó là đại dịch cúm năm 1918, còn được gọi là cúm Tây Ban Nha. Đại dịch cúm này đã lây nhiễm khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ và làm chết khoảng 50 triệu người trên toàn cầu.

Kể từ khi thành lập năm 1948, WHO đã nhiều lần công bố đại dịch, trong đó có dịch cúm A/H1N1 (còn được gọi là cúm châu Á) bùng phát ở Đông Á năm 1957, làm chết 1,1 triệu người trên toàn thế giới. Năm 1968, một đại dịch do virus cúm A/H3N2 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới. Đại dịch năm 1968 làm chết khoảng 100.000 người khắp Trung Quốc và 1 triệu người tử vong ở phần còn lại của thế giới. Hầu hết trường hợp tử vong là người từ 65 tuổi trở lên.

Đầu thập niên 1980, dịch bệnh HIV/AIDS bùng phát bắt nguồn từ một virus trong con tinh tinh ở Tây Phi, lây lan qua đường máu, tình dục, từ mẹ sang con. Dịch bệnh lan rộng khắp toàn cầu, cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người, buộc WHO phải công bố là một đại dịch. Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng căn bệnh HIV/AIDS vẫn chưa thể đẩy lùi. Hiện vẫn còn gần 38 triệu người đang sống chung với virus nguy hiểm này.

Vào mùa xuân năm 2009, virus cúm A/H1N1 bùng phát, được phát hiện đầu tiên ở Mỹ và sau đó lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 151.700-575.400 người tử vong khắp thế giới trong năm đầu tiên H1N1 xuất hiện. Trên toàn cầu, 80% số ca tử vong rơi vào nhóm người dưới 65 tuổi. Đến tháng 8-2010, WHO tuyên bố đại dịch cúm toàn cầu. Tuy nhiên, quyết định trên của WHO đã nhận nhiều chỉ trích vì tạo ra sự hoảng loạn không cần thiết.

Kể từ đó, WHO không công bố thêm một đại dịch mới nào, dù có nhiều dịch bệnh nguy hiểm xảy ra như: Ebola (năm 2014 và 2018), SARS hay MERS…. Tuy nhiên, trước tình hình lan rộng của dịch Covid-19, tối 11-3, WHO tuyên bố dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới (virus SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Theo WHO, kể từ khi bùng phát hồi cuối tháng 12-2019, dịch Covid-19 đã lây lan nhanh chóng ra hơn 126.000 người ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong một tuyên bố, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, đại dịch không phải là một từ để sử dụng một cách dễ dàng hay bất cẩn. Đó là một từ mà nếu bị lạm dụng có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý hoặc sự chấp nhận một cách vô lý rằng cuộc chiến đã kết thúc, dẫn đến đau khổ và chết chóc không cần thiết.

Ngăn ngừa là biện pháp trụ cột chính

Theo Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc mô tả tình hình hiện nay như một đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do SARS-CoV-2 gây ra, và điều này không thay đổi những gì mà WHO đang làm cũng như các quốc gia cần làm. Ngoài ra, ông Ghebreyesus nói thêm rằng, các nước cần đưa ra cả những biện pháp giảm nhẹ và ngăn ngừa, song ngăn ngừa cần phải là biện pháp trụ cột chính.

Trong khi đó, Giáo sư Nigel McMillan của Viện Sức khỏe Menzies ở Queensland (Australia) cho rằng, công bố một đại dịch có nghĩa là lệnh cấm du lịch sẽ đương nhiên hiệu lực hoặc có ý nghĩa là cảnh báo các cơ quan y tế cần chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Điều này bao gồm chuẩn bị cho các bệnh viện có khả năng đáp ứng một lượng lớn bệnh nhân, dự trữ bất kỳ loại thuốc chống virus nào và khuyên mọi người rằng đến lúc họ cần phải cân nhắc tự cách ly và điều trị ở nhà nếu bị bệnh, giữ khoảng cách với xã hội và tránh tụ tập đông người.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhung-dai-dich-lam-chao-dao-the-gioi-612151