Những đảng viên có tấm lòng nhân hậu

Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có nhiều tấm gương trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, có những đảng viên - bí thư chi bộ với tấm lòng nhân hậu, thương yêu, giúp đỡ người nghèo.

Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận Ðặng Thị Thủy (bên phải) cùng giáo viên nhà trường góp quỹ từ thiện phụng dưỡng mẹ liệt sĩ, người già neo đơn.

Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận Ðặng Thị Thủy (bên phải) cùng giáo viên nhà trường góp quỹ từ thiện phụng dưỡng mẹ liệt sĩ, người già neo đơn.

Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có nhiều tấm gương trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, có những đảng viên - bí thư chi bộ với tấm lòng nhân hậu, thương yêu, giúp đỡ người nghèo.

Giáo dục học sinh từ nghĩa cử đẹp

Cách đây hơn bốn năm, khi cô giáo Ðặng Thị Thủy, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) đứng ra kêu gọi phụng dưỡng mẹ liệt sĩ Ðặng Thị Rớt, ngụ khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, tập thể giáo viên trong trường đồng lòng hưởng ứng. Ðầu năm học 2015-2016, cô Thủy cùng với chi bộ, nhà trường tiếp tục nhận phụng dưỡng mẹ liệt sĩ Lê Thị Xinh và bà Thị Ðấp, một người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Hằng tháng, cô Thủy quyên góp từ viên chức, người lao động, phụ huynh học sinh rồi chuyển 300 nghìn đồng đến tận tay ba trường hợp nêu trên.

Cô Nguyễn Thị Bích Nhi, giáo viên của trường cho rằng: “Ðây là một hoạt động thiết thực, thể hiện tấm lòng, tình cảm của người trẻ tuổi sẻ chia, đền đáp công ơn của những người đi trước, và tinh thần nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách đối với những hoàn cảnh già yếu, neo đơn tại cộng đồng. Vì vậy, khi cô Thủy phát động, đề xuất cách làm, chúng tôi đã nhiệt tình hưởng ứng và duy trì đến hôm nay”. Cô giáo Lê Thị Anh Ðào có cùng suy nghĩ: “Việc làm này không chỉ tri ân các mẹ, chia sẻ với người khó khăn, mà còn là một hoạt động giáo dục rất thực tế đối với học sinh về lòng biết ơn và sự sẻ chia trong cuộc sống”.

Cô Ðặng Thị Thủy giảng dạy tại Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận đã nhiều năm, trong đó 15 năm làm công tác quản lý. Với lòng nhiệt tình và trách nhiệm cao, cô đã đưa ngôi trường làng với nhiều khó khăn vươn lên đạt chuẩn quốc gia. Chi bộ Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu nhiều năm liền. Cá nhân cô Thủy được Tỉnh ủy Kiên Giang tặng bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2013-2017). Nói về việc giúp đỡ người già yếu neo đơn, cô Thủy chia sẻ: “Môi trường sư phạm, tấm gương đạo đức của giáo viên có ảnh hưởng rất nhiều, góp phần hình thành nhân cách của học sinh. Việc nhà trường nhận phụng dưỡng mẹ liệt sĩ, người già neo đơn là nghĩa cử nhằm giáo dục học sinh về phương châm sống, đó là sự sẻ chia, đùm bọc”. Hoạt động “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của thầy và trò Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận là cách thức giản dị, thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Vận động giúp dân thoát nghèo

Chị Lý Thị Hằng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cạnh Ðền (xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận) được nhiều người dân trong ấp ngợi khen là cán bộ của người nghèo. Ông Nguyễn Việt Phân, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng ấp Cạnh Ðền kể, trước năm 2016, trong ấp có bà Trương Thị Sử (65 tuổi) là hộ nghèo, cuộc sống phụ thuộc vào việc làm thuê. Bà Sử sống trong căn nhà lá, chỉ cần cơn gió to là sập. Các con của bà cũng nghèo, không hỗ trợ được nhiều. Chị Lý Thị Hằng nhiều lần đến nhà bà Sử tìm hiểu cuộc sống. Tại một cuộc họp chi bộ, chị Hằng đưa ra bàn và chi bộ ấp thống nhất ra nghị quyết đề nghị xã xem xét xây dựng nhà đại đoàn kết cho bà Sử, đồng thời hỗ trợ vốn tạo việc làm cho hộ nghèo. Ðến đầu năm 2017, bà Sử có được căn nhà kiên cố. Anh Nguyễn Văn Bé Anh (con bà Sử) được xét vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Gia đình mở tiệm bán rau, củ, quả tươi. Hiện nay, gia đình bà Sử đã trả hết vốn vay và thoát ra khỏi diện nghèo. “Không có cô Hằng thì mẹ con tôi không có ngày hôm nay. Cô Hằng không chỉ giúp tôi nhà cửa mà còn giúp lo thủ tục, giấy tờ để vay vốn làm ăn”, bà Sử nói.

Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Hằng (60 tuổi), ngụ tổ 3, ấp Cạnh Ðền, thuộc diện hộ nghèo, không có con, không đất sản xuất. Trong các cuộc họp chi bộ, chị Hằng luôn dành thời gian thông tin về hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Hằng, bàn bạc cùng chi bộ ra nghị quyết giúp đỡ hộ bà Nguyễn Thị Hằng thoát nghèo. Do bà Nguyễn Thị Hằng có hộ khẩu cùng với người em ruột cho nên ấp tạo điều kiện cho em của bà đứng ra vay vốn để bà gây dựng lại cơ sở kinh doanh. Hiện nay, gia đình bà Hằng đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Cảm động trước sự giúp đỡ của Bí thư Chi bộ ấp, bà Nguyễn Thị Hằng tâm sự: “Nói là hỗ trợ nhưng nhiều thủ tục đối với dân rất nan giải. Nếu không có cô Hằng tận tình giúp đỡ, làm dùm thì chúng tôi rất khó khăn”.

Sau hai năm đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, chị Lý Thị Hằng đã vận động nhân dân trong ấp xây dựng mới và sửa chữa 14 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách. Chị còn tích cực vận động các nhà hảo tâm đóng góp hơn 14 triệu đồng để mua 58 suất quà Tết tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo trong ấp; mở hai lớp tập huấn sản xuất cho người dân. Vừa qua, chị đã vận động được hơn 150 triệu đồng để lắp đặt đèn chiếu sáng các trục đường. Biết tin này, người dân trong ấp rất phấn khởi. Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong Võ Văn Kiệu nhận xét, chị Lý Thị Hằng có nhiều năm làm công tác đoàn thể ở cơ sở cho nên hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, khi giữ vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, chị Hằng được đảng viên hết sức tin tưởng, nhân dân quý mến.

Bài và ảnh: ÐỨC BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/43049902-nhung-dang-vien-co-tam-long-nhan-hau.html