Những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế

Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. (VOV) - Mặc dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 của nước ta tăng trưởng đạt 3,9% và tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2009 đạt 3,9% trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 1,25%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3,48%; khu vực dịch vụ đạt 5,5%. Xuất –nhập khẩu gặp nhiều khó khăn Ông Bùi Hà - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh cả về giá và lượng khiến giá trị xuất khẩu giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 10,3 tỉ USD. Giá bình quân hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ: Dầu thô giảm 53%, cao su giảm 44%, cà phê giảm 28,3%, gạo giảm 21,6%. Tuy nhiên lượng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng mạnh so với cùng kỳ như sắn và các sản phẩm sắn tăng hơn 3 lần, gạo tăng 56,2%, hạt tiêu tăng 40,4%, cà phê tăng 22,3%, chè tăng 10,9%. Trong số các mặt hàng xuất khẩu, thủy sản liên tiếp có mức tăng trưởng dương qua các tháng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2008. Các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, EU là các thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Theo đánh giá chung của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch lớn giảm so với cùng kỳ do khó khăn về thị trường xuất khẩu. Giá xuất khẩu bình quân cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Dầu thô giảm 53,6%, cao su giảm 44,3%, gạo giảm 35,2%, cà phê giảm 28%. “Mặc dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới khiến giá xuất khẩu giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp thì đây cũng là kết quả đáng khích lệ”-ông Bùi Hà nói. Cũng theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 6 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,9 tỉ USD, tăng 4,1% so với tháng 5/2009, đưa kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đạt 29,7 tỉ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu ở mức 2,1 tỉ USD. “Nếu xét về cán cân xuất-nhập khẩu thì đây là điều đáng mừng, nhưng xét về tăng trưởng thì đây là điều phải lưu ý. Bởi 85% hàng hóa sản xuất trong nước phụ thuộc nhập khẩu” – ông Bùi Hà phân tích. Một số mặt hàng có mức nhập khẩu cao như lúa mỳ tăng 61,6%, dược phẩm tăng 27,6%, cao su tăng 24,5%, sợi các loại tăng 16,5%, khí đốt hóa lỏng tăng 15,1%. Các mặt hàng nhập khẩu giảm gồm sắt thép (giảm 54,7%), ô tô nguyên chiếc các loại giảm 47,9%, gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 40,3%, thức ăn gia súc giảm 23,3%, hóa chất giảm 19,8%, máy móc thiết bị phụ tùng giảm 19,2%, sữa và các sản phẩm sữa giảm 10,4%. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tháng 6 là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam nhập siêu trở lại sau 3 tháng đầu năm xuất siêu nhờ sự tăng đột biến của kim ngạch xuất khẩu vàng. Dự báo riêng trong tháng 6 nhập siêu có thể lên tới 1 tỉ USD. Nhiều địa phương giảm chỉ tiêu tăng trưởng Cũng giống tình hình chung của cả nước, các chỉ tiêu kinh tế của hầu hết các địa phương đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2008. Đại diện của các tỉnh Bạc Liêu, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đều chung một đánh giá là: tình hình kinh tế của địa phương 6 tháng qua gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng GDP, công nghiệp, thu ngân sách, nông nghiệp… đều giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái và khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Như Vĩnh Phúc đã phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ mức trên 10% xuống còn 4 - 5%. Đặc biệt, Hà Nội, địa phương hàng năm luôn đứng trong top đầu về tốc độ tăng trưởng thì theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 6 tháng qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn: Tốc độ tăng GDP chỉ là 3,6% (thấp hơn mức trung bình của cả nước là 3,9%), giá trị nông nghiệp giảm tới trên 12%, thu hút FDI đạt rất thấp, chỉ có 30 dự án được cấp phép, vì thế, việc thu ngân sách được Hà Nội được cho là sẽ rất khó đạt chỉ tiêu. Và những tín hiệu vui từ FDI và ODA Ông Bùi Hà, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2009 cả nước có 306 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 4,7 tỉ USD. Trong 6 tháng có 68 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 4,1 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm trong 6 tháng đạt 8,87 tỉ USD. Về giải ngân 6 tháng đầu năm các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm trong 6 tháng đạt 8,87 tỉ USD, bằng 22,6% so với cùng kỳ năm 2008. “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay đạt được kết quả trên cũng là khá. Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi và tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam” – ông Bùi Hà cho biết. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét: “Trong tình hình suy thoái chung, dòng vốn FDI vẫn hài hòa và chấp nhận được”. Với các “cung bậc” FDI 6 tháng qua, vốn giải ngân tuy ở “bè trầm” cùng nhiều con số khá “khiêm tốn” khác, nhưng thực tế tỷ lệ giải ngân lại cao, chiếm tới 45% tổng vốn đăng ký. Đây là điều đáng ghi nhận bởi câu chuyện giải ngân chậm vẫn là câu chuyện dài trong nhiều năm qua. Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho biết tính từ đầu năm đến ngày 16/6, tổng giá trị vốn ODA được ký thông qua các hiệp định với nhà tài trợ đạt 1,78 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó vốn vay là 1,7 tỉ USD, vốn viện trợ không hoàn lại đạt 83 triệu USD. Các nhà tài trợ có giá trị hiệp định ODA ký kết lớn là Nhật Bản đạt 852 triệu USD, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đạt 482 triệu USD và Ngân hàng thế giới đạt 265 triệu USD. Mức giải ngân ODA 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 1,27 tỉ USD, trong đó vốn vay đạt 1,16 tỉ USD. Vốn viện trợ không hoàn lại đạt 107 triệu USD. Ông Bùi Hà cho rằng, trong thời gian tới có một số vấn đề tồn tại, khó khăn cần được quan tâm xử lý như: Giá cả có xu hướng tăng, nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại và đời sống của người dân bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế… Thống kê cho thấy mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa giảm sút nhưng số doanh nghiệp đăng ký mới trong 6 tháng qua tiếp tục tăng cao, khoảng 40.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tăng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên số vốn đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm giảm sút khá lớn, chỉ đạt 170.000 tỉ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ./. Vũ Hạnh

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/nhung-dau-hieu-kha-quan-cua-nen-kinh-te/20096/114843.vov