Những dấu mốc thời gian gắn liền với ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Cho tới nay, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch vẫn được biết đến là ngày quốc lễ kỉ niệm Giỗ Tổ Hùng Vương. Sau đây là những sự kiện quan trọng nhất liên quan tới các quyết định, các sắc lệnh và những công nhận về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Năm 1917 (năm Khải Định thứ 2)

Chính thức xem ngày mùng 10 tháng 3 là ngày Quốc lễ.

Theo sách sử, bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “... Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Đền Hùng (ảnh: TL)

Đền Hùng (ảnh: TL)

Điều ấy có nghĩa là: từ thời hậu Lê trở về trước, các triều đại quản lý đền Hùng bằng việc cho dân bản địa trông nom và tổ chức cúng lễ, bù lại, người dân bản địa sẽ được miễn một số loại sưu thuế và được hưởng một số quyền lợi liên quan tới đất đai.

Phải tới năm Khải Định thứ 2 (1917), chúng ta mới thực sự có một quyết định: xem ngày mùng 10 tháng 3 là ngày quốc giỗ, đánh giấu ngày lễ giỗ tổ được hợp thức hóa bằng luật pháp.

Năm 1946

Chính phủ nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành sắc lệnh toàn dân được nghỉ lễ ngày giỗ tổ.

Sự kiện này đánh giấu sự quan tâm của Đảng và nhà nước về đền Hùng cũng như về tục thờ cúng vua Hùng. Việc Hồ Chủ Tịch ban hành sắc lệnh toàn dân nghỉ lễ trong ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch đã khiến cho việc tưởng nhớ và viếng thăm những người đã có công dựng nước trở nên thiết thực hơn, thiêng liêng hơn.

Năm 2001

Nhà nước ban hành quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo quy định của nhà nước về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ban hành năm 2001, vào các “năm chẵn” và “năm tròn” (những năm có kết thúc bằng số 0 và số 5) Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức Lễ hội mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

Các năm còn lại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội, quy mô của ngày lễ nhỏ hơn năm chẵn và năm tròn.

Năm 2012

UNESCO công nhận Giỗ Tổ Hùng Vương là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này đánh giấu chuyện nghi lễ giỗ tổ của người Việt trở thành niềm tự hào của toàn thể dân tộc trước bạn bè quốc tế.

Bảo Anh (th)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-dau-moc-thoi-gian-gan-lien-voi-ngay-gio-to-mung-10-thang-3-72342.html