Những đề tài khoa học 'đắp chiếu'

Hiện vẫn còn tình trạng nhiệm vụ khoa học-công nghệ chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống; những đề tài, công trình khoa học khá hoành tráng nhưng bị 'đắp chiếu'.

Theo bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào nhóm cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển, vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế.

Đây là những tiến bộ đáng mừng, song nhìn nhận thực tế, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vẫn còn tình trạng nhiệm vụ khoa học-công nghệ chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống; những đề tài, công trình khoa học khá hoành tráng nhưng bị “đắp chiếu”.

Không ít đề tài ra đời theo diện khoán sản phẩm, mục đích để giải ngân kinh phí mà không có tính khả thi; có sự “trùng lặp ngẫu nhiên” về đề tài nghiên cứu ở nhiều địa phương; hoặc sản phẩm, bài báo khoa học là tiêu chí bắt buộc khi đề bạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ... đã gây ra sự lãng phí lớn.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học-công nghệ bằng nguồn ngân sách thích đáng. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Đơn cử như, năm 2016, dự án “Xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức” của Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai được cấp kinh phí 2 tỷ đồng, dù dự án không sử dụng được, không hoàn thành mục tiêu đề ra, song Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai Huỳnh Văn Tâm vẫn nghiệm thu, thanh quyết toán cho nhà thầu. Vụ việc bị phát hiện, khiến ông này bị truy tố hồi tháng 2 vừa qua.

Tháng 8-2022, khi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra những vấn đề như: Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đầu tư nhưng không có giá trị ứng dụng, trong khi nhiều đề tài có tính ứng dụng lại không có kinh phí. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp quốc gia bị dừng thực hiện, không nghiệm thu được, gây lãng phí lớn.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học-công nghệ bằng nguồn ngân sách thích đáng. Do đó, để không còn tình trạng đề tài khoa học “đắp chiếu”, phát huy hiệu quả nguồn ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chúng ta cần phải có sự thay đổi tư duy, mà cốt lõi là nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ cuộc sống, từ thực tế học tập, lao động.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự điều chỉnh về cách đánh giá những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học một cách sâu sát, thực chất hơn, giá trị thực tiễn cao hơn. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý về ngân sách, tài chính phải có sự linh hoạt, phù hợp, tránh trở thành rào cản lớn đối với người làm nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, hoạt động nghiên cứu khoa học là lĩnh vực mang nhiều tính đặc thù, đòi hỏi tư duy, trình độ cao, không thể một sớm, một chiều mà thành công ngay nên phải chấp nhận rủi ro để có thể nghiên cứu sâu hơn ở những lần kế tiếp. Nói cách khác, không thể làm khoa học theo kiểu “ăn xổi” mà phải bảo đảm tiêu chí phục vụ hiệu quả, thiết thực cho đời sống.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nhung-de-tai-khoa-hoc-dap-chieu-728350