Những di sản ngoại giao vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất mà còn là một nhà ngoại giao tài ba của dân tộc Việt Nam.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tại Hội nghị ngoại giao lần thứ nhất vào tháng 3/1957. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tại Hội nghị ngoại giao lần thứ nhất vào tháng 3/1957. (Ảnh tư liệu)

Người đã để lại một kho tàng tri thức ngoại giao vô giá, làm nên nền tảng tư tưởng cho Ngoại giao Việt Nam, không chỉ về tư duy đối ngoại mà còn cả về phong cách ngoại giao cũng như xây dựng ngành ngoại giao. Việc vận dụng tư tưởng và các bài học ngoại giao của Người trong bối cảnh tình hình mới của đất nước và thế giới hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với Ngành.

Kết tinh văn hóa Việt Nam

Năm 1945, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng được thành lập và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Giữa trăm công nghìn việc đối nội, Người vẫn dành sự quan tâm lớn nhất cho công tác này, lèo lái đất nước vượt qua những khó khăn hiểm nghèo để giữ vững nền độc lập cho đất nước. Ngoại giao trở thành công tác gắn bó suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế, Người đã hoạt động đối ngoại ngay từ lúc bắt đầu đi tìm đường cứu nước. Những trải nghiệm cá nhân qua 34 năm bôn ba ở nước ngoài đã hun đúc những kinh nghiệm, định hình tư duy và tư tưởng cũng như phong cách ngoại giao của Hồ Chí Minh.

Nhưng điều làm nên nhà ngoại giao Hồ Chí Minh và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh còn có cội nguồn sâu xa hơn thế, đó là truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần hiếu khách, nhịn miệng đãi khách, bán anh em xa, mua láng giềng gần, bao dung, độ lượng, đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại. Tư tưởng ngoại giao của Bác cũng kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam, luôn coi trọng quan hệ hòa hiếu, công tâm, để thu phục lòng người. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh còn tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, tinh thần hướng thiện, khoan dung của Phật giáo, tư tưởng tự do, bác ái của cách mạng Pháp và những quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin về sự bình đẳng giữa các dân tộc.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm về chính trị quốc tế và hệ thống tư duy về mục tiêu, nguyên tắc, đường lối đối ngoại cũng như chiến lược, sách lược ngoại giao. Về mục tiêu đối ngoại, Người luôn đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết, thể hiện rõ qua khẩu hiệu nổi tiếng của Người: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó còn là mục tiêu toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, không chấp nhận bất cứ sự chia cắt nào, như câu nói của Bác tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946 “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Những bài học vô giá

Những định hướng đối ngoại cơ bản mà Người vạch ra từ lâu, đến nay còn nguyên giá trị. Đó là đường lối mở rộng quan hệ với tất cả các nước, không gây thù chuốc oán với ai. Đó là chủ trương ưu tiên quan hệ với láng giềng, đồng thời phải coi trọng quan hệ với các nước lớn, đơn giản vì đó là những nước luôn có ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng quan hệ quốc tế. Người chủ trương giữ thể diện, không đối đầu, biết giữ cân bằng trong quan hệ nhưng đồng thời phải biết tranh thủ mâu thuẫn, phân hóa giữa các nước lớn.

Người cũng dặn dò ngoại giao phải luôn thực hiện các phương châm lớn là độc lập tự chủ gắn liền với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phải dựa vào thực lực để làm ngoại giao. Người ví thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng và “chiêng có to, tiếng mới lớn”.

Người cũng để lại nhiều bài học về sách lược ngoại giao, trong đó bài học lớn nhất là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhân nhượng thỏa hiệp đúng lúc, đúng nguyên tắc. Người còn dạy phải biết giành thắng lợi từng bước, bằng những lời thơ giản dị mà ý nghĩa trong kháng chiến chống Mỹ “Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào”.

Các sách lược “hòa để tiến” trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và “vừa đánh vừa đàm” trong kháng chiến chống Mỹ là những bài học vô giá đối với các thế hệ ngoại giao hiện nay cũng như mai sau. Người cũng dạy phải biết lấy nhu thắng cương, biết “biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự và tiểu sự thành vô sự”.

Người dạy cán bộ ngoại giao phải vận dụng ngũ tri: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Câu thơ nổi tiếng của Người “Được thời một tốt cũng thành công” đem lại bài học rất giá trị về dự báo thời cơ, nắm thời cơ và tạo thời cơ, thời thế, để có thể lấy yếu thắng mạnh.

Cùng với những tư tưởng chỉ đạo đường lối ngoại giao nói trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều bài học về công tác ngoại giao và xây dựng ngành ngoại giao. Trong một hội nghị ngoại giao những năm 60 của thế kỷ trước, Người nhắc nhở nhiệm vụ của ngoại giao là thực hiện chính sách đối ngoại, “góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh của đồng bào miền Nam thống nhất đất nước, thực hiện các nhiệm vụ quốc tế của Đảng và Nhà nước, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước”.

Trong một hội nghị khác, Người dặn dò, đã là cán bộ ngoại giao dù vị trí nào cũng là đại diện cho dân tộc, cho Đảng và Nhà nước, phải biết bảo vệ lợi ích dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “phải giữ gìn danh dự và quyền lợi của Tổ quốc, nâng cao địa vị và uy tín của nước mình”. Cùng với việc giữ thể diện quốc gia, Người nhấn mạnh phải coi trọng công tác tuyên truyền đối ngoại, căn dặn phải coi ngoại giao là một mặt trận và hết sức coi trọng ngoại giao nhân dân.

Cán bộ ngoại giao phải làm tốt công tác nghiên cứu, “có nghiên cứu tốt thì mới làm tai mắt, làm tham mưu cho nước nhà được, mới kiến nghị đúng chính sách đối với nước sở tại”, nhưng phải chú ý điều tra, nghiên cứu cho đàng hoàng, cho khéo léo. Phong cách ngoại giao của Người để lại những bài học về tiếp xúc và ứng xử ngoại giao. Điều nổi bật của phong cách này thái độ nhã nhặn, tinh tế, nhưng khiêm tốn, giản dị và chân thành, tạo nên sự gần gũi dễ gần của một nhà ngoại giao.

Định hướng tới tương lai

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngoại giao. Nhân Hội nghị ngoại giao lần thứ ba năm 1964, Người đã đến nói chuyện và căn dặn cán bộ ngoại giao phải có quan điểm lập trường vững vàng, nắm vững đường lối chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phải có tư cách đạo đức tốt, có trình độ văn hóa và hiểu biết về ngoại giao. Cán bộ ngoại giao phải có kiến thức rộng, ngoại ngữ tốt.

Về tư cách đạo đức, Người nhấn mạnh cán bộ ngoại giao phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, “không được nửa trong nửa ngoài”, phải chống cái ác, làm điều thiện. Người cảnh báo cán bộ ra nước ngoài có thể bị vật chất cám dỗ lôi kéo, sinh hoang phí, tham ô, hủ hóa, thậm chí sa ngã, mất tư cách. Người dặn dò phải chú trọng đào tạo cán bộ ngoại giao, không chỉ qua trường lớp chính quy mà còn phải đào tạo ngay trong công việc, vừa làm vừa học. Người nói cán bộ mới phải học ăn học nói, học gói học mở.

Những tư tưởng và bài học nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành di sản vô giá, trường tồn và có ý nghĩa rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước tiếp tục đẩy mạnh hội nhập, tạo môi trường thuận lợi để phát triển mọi mặt, nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn và xử lý những vấn đề phức tạp như Biển Đông hay nguồn nước sông Mekong.

Những lời căn dặn của Người vô cùng giá trị đối với sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại, nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới đang đặt ra hiện nay.

Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-di-san-ngoai-giao-vo-gia-cua-chu-tich-ho-chi-minh-227548.html