Những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của Ninh Bình

Ninh Bình-vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, với tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, có giá trị nổi bật, mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có, hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Ninh Bình hiện có gần 2.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, trong đó có 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia (3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt), 5 bảo vật quốc gia, 314 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 393 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê; phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay. Trong số đó, tiêu biểu là 3 di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư; Danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam CốcBích Động; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non Nước.

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư (địa bàn huyện Hoa Lư):

Di tích cấp quốc gia đặc biệt, được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên của cả nước năm 1962. Năm 2012, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cố đô Hoa Lư là Kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên, nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại: Đinh-Tiền Lê và khởi đầu triều Lý ở thế kỷ X.

Cùng với Thăng Long-Hà Nội, Huế, Hoa Lư là một trong 3 Kinh đô ổn định lâu dài của nước Đại Việt-Việt Nam thống nhất. Cố đô Hoa Lư hiện lưu giữ nhiều di tích liên quan đến 2 triều Đinh-Tiền Lê, đa dạng về loại hình thờ tự như lăng tẩm, đền, chùa, phủ…

Trong các di tích đó, tiêu biểu, đặc sắc nhất là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là nơi thờ phụng vua Đinh-vị Anh hùng dân tộc, người có công thu phục và dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử nước ta vào năm 968.

Ngôi đền này cùng với đền thờ vua Lê Đại Hành bên cạnh là không gian văn hóa diễn ra Lễ hội Hoa Lư truyền thống (được tổ chức từ ngày 8-10/3 âm lịch hàng năm).

Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (địa bàn huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan và thành phố Ninh Bình):

Quần thể danh thắng Tràng An. Ảnh: Mạnh Thắng

Được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nhiều giá trị về cảnh quan tự nhiên, kiến trúc và những giá trị địa chất, địa mạo của Việt Nam và thế giới. Nhiều hang động đa dạng về hình thái và chủng loại. Cảnh quan thiên nhiên (dòng sông Ngô Đồng, hang Cả, hang Hai, hang Ba…) kết hợp hài hòa với các công trình kiến trúc (đền Thái Vi, chùa Bích Động…) tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp.

Tràng An sở hữu một kho tư liệu lịch sử trái đất và một dạng địa mạo riêng biệt; chứa đựng kho tư liệu về người tiền sử. Với những giá trị về văn hóa và thiên nhiên riêng biệt, nổi bật. Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được Ủy ban di sản Thế giới UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động được ví như Hạ Long cạn, đẹp tựa bức tranh sơn thủy hữu tình, vừa lãng mạn, vừa nên thơ. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một quần thể danh lam thắng cảnh tuyệt mỹ, với hệ thống động cạn và hang xuyên thủy, những dáng núi, hình sông như chỉ có trong cổ tích, huyền thoại.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non Nước (địa bàn thành phố Ninh Bình):

Núi Non Nước. Ảnh: Mạnh Thắng

Được xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia năm 1962 và xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2019. Núi Non Nước gắn với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước qua các giai đoạn lịch sử khác nhau: Thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt, núi Non Nước là trạm tiền tiêu của kinh thành Hoa Lư xưa; trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, núi Non Nước là nơi hiệu triệu tinh thần đấu tranh của Nhân dân chống giặc ngoại xâm…

Núi Non Nước nằm ở ngã ba sông Vân và sông Đáy, nhìn từ hướng Nam có hình dáng như bông sen nở bên bờ sông Vân, nhìn từ hướng Bắc có hình con chim chả đậu trên mặt nước, được các vị vua, bậc anh hùng, danh nhân, thi sĩ nhiều thời đại vịnh bút, đề thơ.

Trên núi có khoảng 50 bài thơ khắc và hàng trăm bài thơ vịnh, là nguồn dữ liệu quan trọng trong kho tàng văn học nước ta. Đường lên đỉnh núi có gần 200 bậc đá. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, có lầu vọng nguyệt hay còn gọi là Nghênh Phong Các, đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần trên nền móng cũ. Núi Non Nước hiện nay là điểm tham quan du lịch hấp dẫn trên địa bàn thành phố Ninh Bình.

Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-di-san-van-hoa-vat-the-tieu-bieu-cua-ninh-binh/d202401290959167.htm