Những địa danh có chữ 'đượng' ở Quảng Ninh

Địa danh gắn liền với không gian sống, với phong tục tập quán của cư dân bản địa. Vùng đất Quảng Ninh có sự phong phú về địa hình, có nhiều dân tộc với phong tục tập quán đặc sắc nên kho tàng địa danh văn hóa rất giàu có. Trong sự phong phú đó, những địa danh có chữ 'đượng' thể hiện đời sống của một bộ phận rất lớn người dân Quảng Ninh xưa gắn bó chặt chẽ với sông nước, biển đảo.

Một cái đượng ở Hoàng Tân (TX Quảng Yên) chưa được đặt tên. Ảnh: Thành Vũ (CTV).

Ông Nguyễn Cảnh Loan, Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh cho rằng, những địa danh có chữ "đượng" thì chỉ tìm thấy ở vùng biển và ven biển, không thấy trên miền núi. Theo giải thích của các tác giả công trình Địa danh Quảng Ninh thì "đượng" có nghĩa là gò nổi trên bãi sông, bãi biển. Người Pháp gọi "đượng" là base. Theo thống kê của các tác giả này, Quảng Ninh hiện có 38 địa danh có chữ "đượng" và đều nằm ở TX Quảng Yên. Trong đó, đa số đượng đều liên quan đến gò đất, như: Đượng Cả (phường Cộng Hòa); Đượng Chiêng, Đượng Cồ, Đượng Dứa, Đượng Năm, Đượng Năng, Đượng Ngựa, Đượng Xem (phường Yên Hải); Đượng Chùa, Đượng Đình, Đượng Giang, Đượng Trẩy, Đượng Tròn (phường Nam Hòa); Đượng Dài, Đượng Sim, Đượng So, Đượng Soi, Đượng Le, Đượng Ổi (phường Minh Thành). Từ tên của các gò đất, người xưa lấy đặt làm tên cho những cánh đồng, như: Cánh đồng Đượng Cồn (Yên Hải), Đượng Mắt (Liên Vị), Đượng Ngang (Cộng Hòa), Đượng Rúng (Nam Hòa), Đượng Trẩy (Phong Cốc), Đượng Vải (Liên Vị). Tên "đượng" còn được đặt tên cho những ngọn núi như: Núi Đượng Hạc, Đượng Chuông, Đượng Máng (Hoàng Tân).

"Đượng" sau này còn được lấy làm tên một khu vực như: khu Đượng Đen, Đượng Gôi (xã Sông Khoai), Ba Đượng (phường Đông Mai), Đượng Giáng (phường Nam Hòa), Đượng Gai (phường Cộng Hòa), Đượng Vườn Mía (xã Cẩm La). Ở Quảng Yên còn có những tên "đượng" xuất phát từ tên của những con người bình dân nào đó, như: Đượng Ba Thằng, Đượng Bà Tý. Ngoài ra, các địa phương như: Uông Bí, Vân Đồn, Hạ Long, Cô Tô đều có những địa danh có chữ "đượng", tuy nhiên số lượng ít, không tập trung.

Chữ “đượng” xuất hiện nhiều trong các địa danh ở Quảng Yên có liên quan đến lịch sử vùng đất này, đặc biệt là vùng làng đảo Hà Nam. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XVI, có 17 vị Tiên công người phường Kim Hoa là những kẻ sỹ, nông dân sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh cá ven hồ, ven sông Kim Ngưu. Hưởng ứng lời kêu gọi khai canh lập ấp của vua Lê, các Tiên công đã cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra quan ải Bạch Đằng giang thuộc lộ Hải Đông cắm thuyền, tìm đất. Lúc đầu họ ở trên thuyền, sống bằng nghề đánh bắt cá, dãi chài, phơi lưới trên các đượng đất cao trên triều ở vùng cửa sông Bạch Đằng. Sau này, các cụ Tiên công quyết ở lại khẩn hoang lập đất lập làng, dần hình thành nên vùng Hà Nam trù phú như ngày hôm nay.

Chữ “đượng” còn liên quan đến địa danh trại Yên Hưng. Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cho biết: “Những hiện vật giúp chúng tôi hiểu hơn về trận Bạch Đằng. Từ đây, chúng tôi cũng biết được rằng địa danh trại Yên Hưng là có thật, xung quanh trại đều có dấu tích đời Trần. Lúc Ô Mã Nhi vào đánh trại Yên Hưng thì nước biển cao hơn ngày nay chừng 1 mét. Sau đó biển lùi. Vì vậy mà đượng 6 mét ngày xưa là chỗ cây gạo bây giờ, chỗ cao nhất chính là nơi có dấu tích rõ nhất của trại Yên Hưng. Sau chiến trận, có thể vì âm khí trận đánh còn nặng nề nên người dân mới chuyển vị trí trại Yên Hưng ra khu vực miếu Vua Bà ngày nay. Và khu vực miếu Vua Bà chính là một bến cảng của thời đó. Những mảnh gốm sứ phát hiện ở rìa sông Chanh cổ sát liền bãi cọc đã chỉ ra sự tồn tại một làng bến cổ, hoàn toàn trùng với ghi chép của “Nguyên sử” về việc Ô Mã Nhi đã đem thuyền đánh phá trại Yên Hưng”.

Ông Trần Văn Tu vẫn mưu sinh ở vùng Đượng Hạc. Ảnh: Dương Phượng Toai (CTV).

Vì là gò nổi tách biệt trên mặt nước nên trước kia những địa danh có chữ "đượng" thường rất nguyên sơ, hoang vu. Ông Dương Phượng Toại, cộng tác viên lâu năm của Báo Quảng Ninh, đã được nghe kể một câu chuyện hy hữu có thật, xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ tại vùng Đượng Hạc (Hoàng Tân), về một người đàn bà đã nằm trong nanh vuốt một con cọp dữ mà vẫn sống sót trở về... Ông Toại lấy chuyện về cụ Đàm Thị Dừa (tên người đàn bà may mắn ấy) làm nguyên mẫu để viết thành truyện ngắn “Người đàn bà cọp vồ”. Ông Trần Văn Tu, con trai cụ Dừa năm nào là cậu bé sống sót khi lạc mẹ trong rừng, nay vẫn làm ăn ở vùng Đượng Hạc.

Tại khu vực Đượng Hồng, Đượng Hạc, tháng 5/1998, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy dấu tích của một bến cảng cổ và cả dấu tích về kiến trúc đời Trần. Nơi đây hiện vẫn còn lại rất nhiều di vật cổ là mảnh vỡ bằng gạch rồi gốm sứ, sành vốn là đồ gia dụng như vò, liễn, bát, bình, lọ, âu với những kích cỡ khác nhau...

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202003/nhung-dia-danh-co-chu-duong-o-quang-ninh-2472987/