Những địa danh huyền thoại

Đóng góp vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngoài những nhà lãnh đạo, chiến sĩ cống hiến cuộc đời cho cách mạng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh, còn có những địa danh gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập. Giờ đây, tuy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử nhưng những địa danh trên vẫn là nơi lưu dấu giá trị lịch sử và dần trở thành những điểm du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống cách mạng.

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM

Nói đến khu di tích lịch sử (KDTLS) Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (MN), các thế hệ tuổi trẻ CAND vẫn luôn tự hào vì nơi đây là cứ địa quan trọng của lực lượng CAND ngay từ những ngày đầu bùng phát ngọn lửa cao trào Ðồng Khởi đến ngày thống nhất đất nước, cơ quan Trung ương Cục MN đã đứng chân vững chắc tại vùng rừng núi miền Ðông Nam bộ này với biệt danh bất diệt là: chiến khu "R".

Ðối với cán bộ, chiến sĩ ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hai chữ "Về R" có ý nghĩa thiêng liêng giống như được trở về vùng "đất thánh của cách mạng". Trong thời kỳ chiến tranh gian khổ và ác liệt, Căn cứ Trung ương Cục MN không những là niềm tự hào, kiêu hãnh cách mạng mà còn gây ra sự khiếp sợ cho kẻ thù.

Tuổi trẻ Công an TPHCM dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Trung ương Cục miền Nam

Tuổi trẻ Công an TPHCM dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Trung ương Cục miền Nam

Tuy hoạt động bí mật, nhưng bộ máy của cơ quan Trung ương Cục và các đơn vị trực thuộc trong những tháng năm kháng chiến không hề nhỏ bé mà ngược lại rất quy mô và vận hành như một nhà nước thu nhỏ. Tính đến năm 1969, tổng nhân sự Trung ương Cục MN lên đến trên 7.000 người và 24 cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Toàn bộ vùng rừng núi thiêng liêng, hiểm trở thuộc địa bàn huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã trở thành nơi sống và làm việc của một bộ máy chính quyền Trung ương Cục MN, là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại, nơi ghi dấu cuộc sống và làm việc trong những tháng năm kháng chiến trường kỳ gian khổ của các nhà lãnh đạo lỗi lạc, những nhà hoạt động chính trị - xã hội và những nhân sĩ trí thức yêu nước nổi tiếng của Ðảng, Nhà nước và Quân đội ta.

Nhiều địa danh khi nhắc đến đều gắn tên với một đồng chí như: Suối Nhung, suối Linh gắn với tên đồng chí Nguyễn Văn Linh; suối Mây, "núi Ðất" gắn với tên đại tướng Nguyễn Chí Thanh; suối Tiên Cô, Rùm Ðuôn, Chàng Riệc gắn với tên đồng chí Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng; suối Chò gắn với tên luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát...

Hơn 15 năm tồn tại, căn cứ bắc Tây Ninh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, kiến tạo nên địa bàn vững chắc cho Trung ương Cục chỉ đạo cách mạng miền Nam qua các giai đoạn - từ chống "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ", "chiến tranh phi Mỹ hóa và Việt Nam hóa" đến lúc hoàn toàn đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và trở thành địa danh huyền thoại với tên gọi: Khu DTLS Căn cứ Trung ương Cục MN.

C51 - CỨ ĐỊA CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN

Tháng 8-1962, Ban An ninh Trung ương Cục ra quyết định thành lập "Tiểu ban Bảo vệ chính trị” mang mật danh C51, đây được xem là đơn vị tiền thân của lực lượng an ninh nhân dân (ANND) trong những ngày đầu kháng chiến, có chức năng tham mưu, hướng dẫn trực tiếp tổ chức điều tra âm mưu, hoạt động của các cơ quan tình báo, cảnh sát của Mỹ - quân đội Sài Gòn; trực tiếp đánh địch, ngay từ những ngày đầu thành lập, C51 chỉ có 9 cán bộ và chỉ huy. Vừa chiến đấu, vừa trưởng thành, đến năm 1975, Tiểu ban Bảo vệ chính trị có quân số hơn 200 đồng chí hoạt động ở 11 bộ phận công tác khác nhau.

Nằm sát đại bản doanh Trung ương Cục MN, từ năm 1971, căn cứ C51 là căn cứ cuối cùng, ổn định nhất trong suốt cuộc trường chinh. Những đóng góp của khu căn cứ C51 cùng với những chiến công của lực lượng ANND trong suốt chiều dài lịch sử đã trở thành bản hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được kết tinh bởi truyền thống trung với Đảng, hiếu với dân, đoàn kết hiệp đồng, thông minh sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ ANND.

Những kỷ vật lưu giữ tại nhà trưng bày KDTLS Trung ương Cục miền Nam và C51

Ngày 22-12-2012, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đã về tận chiến khu R để thay mặt Nhà nước, cấp bằng công nhận "Di tích quốc gia đặc biệt" cho khu DTLS Trung ương Cục MN. Sau thời gian dài được đầu tư, xây dựng với 3 phân khu chính: Khu phục chế (trùng tu các nơi làm việc của lãnh đạo của Trung ương Cục MN giai đoạn 1973-1975, khu thứ 2 là khu tôn tạo (gồm có khu tượng đài bảo vệ ANTQ, khu thực hiện 6 điều Bác dạy), khu thứ 3 là khu nhà bảo tàng.

Tháng 8-2020, Bộ Công an đã chính thức giao lại toàn toàn bộ KDTLS Trung ương Cục MN (trong đó có khu di tích lịch sử C51) cho Công an Tây Ninh quản lý, tôn tạo và bảo tồn phát huy. Hàng năm, ngoài việc đón tiếp các đoàn thuộc lực lượng CAND, hàng chục nghìn lượt du khách cũng đã đăng ký đến tham quan, chiêm ngưỡng ghi nhận lại những dấu tích lịch sử mà những nhà lãnh đạo hoạt động cách mạng đã từng sống và làm việc tại hai khu di tích lịch sử trên.

KHU DI TÍCH DÂN CÔNG HỎA TUYẾN

Để phục vụ tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong đợt I và II tại Sài Gòn năm Mậu Thân 1968, cấp ủy xã Vĩnh Lộc, Chi bộ ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2, Thới Hòa cùng các cơ sở cách mạng nòng cốt đã vận động, tổ chức các đoàn dân công với hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia đi phục vụ chiến đấu. Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc là những nam, nữ thanh niên tham gia dân công với đa phần là nữ ở lứa tuổi đôi mươi.

Nhiệm vụ chủ yếu của dân công hỏa tuyến là phục vụ chiến đấu. Mỗi khi có trận đánh, các đoàn dân công luân phiên nhau phục vụ, mỗi đoàn khoảng 50 - 60 người, có du kích dẫn đường. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 15-6-1968, đoàn dân công với gần 60 người được lệnh đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hòa - Long An và tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công qua khỏi "vùng trắng" tới đồng bưng thì bị máy bay địch thả pháo sáng và phát hiện ra đội hình. Chúng xả đạn vào đoàn dân công.

Sau trận oanh kích đó, 35 người trong đoàn đã hy sinh, trong đó có 32 dân công (25 nữ, 7 nam, có 5 người đã lập gia đình). Ngay trong đêm, bất chấp hiểm nguy, bà con ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 đã ra đồng bưng cứu chữa những người bị thương và đưa xác con em mình lên những chiếc xe bò về nhà chăm sóc, tổ chức lễ an táng cho những người con đã hy sinh.

Ngày nay, Khu di tích Dân công hỏa tuyến tọa lạc tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; được UBND TPHCM công nhận là Khu di tích lịch sử cấp thành phố. Khu di tích cũng là bản hùng ca về hình ảnh các cô gái vùng ven Sài Gòn đi dân công phục vụ chiến trường; là nơi lưu giữ những tấm gương sáng ngời của thanh niên vùng ven thành phố trong cuộc chiến đấu vì lý tưởng cách mạng để mang lại hòa bình trọn vẹn cho dân tộc. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể đoàn dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh.

BIA TƯỞNG NIỆM LỰC LƯỢNG AN NINH T4 TẠI CÔNG VIÊN LÃNH BINH THĂNG

Cách đây hơn 35 năm, tháng 1-1968, để bảo vệ cho Bộ Tư lệnh tiền phương 2, Phân đội An ninh Võ trang T4 gồm 12 chiến sĩ được lệnh chốt tại Chợ Thiếc - Trường đua Phú Thọ để chiến đấu kìm chân địch. Một trận đánh ác liệt không cân sức kéo dài suốt 7 ngày đêm, từ mùng 1 đến mùng 7 Tết Mậu Thân giữa 12 chiến sĩ ta với 2 tiểu đoàn biệt động quân cùng lực lượng cảnh sát dã chiến ngụy được xe tăng và máy bay chi viện... Các chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường anh dũng, tiêu diệt 127 tên địch, bắn cháy 19 xe cơ giới (trong đó có 14 xe bọc thép), thu nhiều súng đạn... và tất cả đã hy sinh khi còn rất trẻ.

Theo phương án đã vạch ra, từ phía Nam, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Tiền phương 2 vào đến chợ Thiếc (Q11) thì bị địch phát hiện. Lực lượng an ninh vũ trang phải chia lực lượng, 12 chiến sĩ chốt chặn tại chợ Thiếc để bảo vệ Bộ Tư lệnh rút ra khỏi khu vực nguy hiểm. Suốt 5 ngày chiến đấu liên tục, ta diệt tại chỗ 50 tên địch, bắn cháy 10 xe trong đó có 5 xe bọc thép, bẻ gãy các cuộc tiến công của địch. Do địch chi viện mạnh, ta hy sinh 10 người, còn 2 người phải lui về phòng ngự ở nghĩa địa Phú Thọ Hòa.

Địch tiếp tục phản kích, ta diệt thêm 70 tên, bắn cháy 7 xe cơ giới. Hai đội an ninh vũ trang, đội 1 có 15 đồng chí và một số bộ phận của Bộ Tư lệnh Tiền phương II, ngày 4-2-1968 vào đến đường Hậu Giang thì gặp địch, chiến đấu quyết liệt diệt 37 tên cảnh sát, trong đó có tên Phó Ty cảnh sát quận 6, sau đó chuyển về Phú Hữu chống càn diệt 37 tên, làm bị thương nhiều tên khác.

Từ ngày 10-2-1968, lực lượng an ninh cùng các đơn vị vũ trang của ta lần lượt rút về căn cứ xuất phát; lực lượng vũ trang địa phương vẫn bám trụ kiên cường đánh địch ở các vùng Phú Lâm, Phú Thọ, Minh Phụng, Minh Mạng, Vườn Lài...

Để tưởng nhớ công ơn của các liệt sĩ ANT4, tháng 11/2003, tại Công viên Lãnh Binh Thăng (quận 11 - TPHCM), Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Quận ủy và UBND quận 11 đã tổ chức lễ khánh thành bia tưởng niệm 12 anh hùng liệt sĩ thuộc lực lượng vũ trang Khu Sài Gòn - Gia Định (T4).

Quỳnh Hương

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/nhung-dia-danh-huyen-thoai_98093.html