Những địa điểm tiềm năng cho cuộc đối mặt Trump - Kim Jong Un

Trước thông tin Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ gặp nhau vào tháng 5, nhiều đồn đoán dấy lên về địa điểm nơi sẽ tổ chức cuộc gặp lịch sử này.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến nay đã làm dấy lên nhiều câu hỏi và nghi vấn, trong đó có vấn đề địa điểm nơi cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức.

Tổng thống Trump vốn được biết tới là chính trị gia không hứng thú với những chuyến đi xa. Trong khi đó, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thậm chí còn chưa rời khỏi Triều Tiên từ sau khi nắm quyền năm 2011.

Nếu hai nhà lãnh đạo thực sự gặp gỡ, một địa điểm phù hợp cho sự kiện sẽ là vấn đề không đơn giản bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào toan tính và thông điệp chính trị của các bên.

Khu vực phi quân sự tại biên giới liên Triều

Làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm trong khu vực phi quân sự DMZ liên Triều là một địa điểm tiềm năng. Trong quá khứ, nhiều cuộc họp giữa các quan chức Hàn - Triều đã được tổ chức tại phòng hội nghị nhỏ nằm ngay trên đường phân giới trong Khu vực An ninh hỗn hợp, với 2 cửa vào nằm ở 2 phía của biên giới.

Ngoài ra, một địa điểm khác tại DMZ cũng phù hợp cho tính chất cuộc gặp là Nhà Hòa bình, nằm bên phía Hàn Quốc. Đây là một tòa nhà lớn, với nhiều tiện nghi, từng là nơi tổ chức cuộc gặp giữa phái đoàn Hàn Quốc - Triều Tiên để thảo luận về việc Bình Nhưỡng gửi đại diện tới tham dự Olympics mùa đông PyeongChang.

Theo Yonhap, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ đến Nhà Hòa bình để gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cuộc gặp dự kiến tổ chức vào tháng 4 tới đây.

Phòng hội nghị nhỏ nằm trên đường biên giới liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: New York Times.

Phòng hội nghị nhỏ nằm trên đường biên giới liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: New York Times.

Washington D.C, Mỹ

Thủ đô Washington từng đón tiếp một số quan chức cấp cao Triều Tiên. Năm 2000, Đô đốc Jo Myong Rok, quan chức quân sự cấp cao của Triều Tiên, tới thăm Washington để mời Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới thăm Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Nhà Trắng lo ngại cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và ông Kim tại trung tâm quyền lực của Mỹ, trong bối cảnh Triều Tiên vừa thử hàng loạt tên lửa và hạt nhân năm 2017, có thể mang lại những giá trị tuyên truyền có lợi cho Bình Nhưỡng và bất lợi cho chiến dịch kiềm tỏa của Washington.

Ở chiều ngược lại, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chưa từng rời khỏi Triều Tiên từ sau khi tiếp quản quyền lực năm 2011. Ông Kim Jong Un nhiều khả năng cũng không muốn dành chuyến công du đầu tiên trên cương vị lãnh đạo đất nước tới thủ đô của Mỹ, quốc gia luôn bị Triều Tiên mô tả là kẻ thù lớn nhất của đất nước.

Bình Nhưỡng, Triều Tiên

Trong quá khứ, các cựu tổng thống Mỹ đã một số lần ghé thăm thành phố này. Năm 1994, cựu tổng thống Jimmy Carter tới Triều Tiên gặp mặt lãnh tụ Kim Nhật Thành. Kết quả của chuyến thăm là Triều Tiên chấp nhận tạm thời đóng băng chương trình hạt nhân. Năm 2009, cựu tổng thống Bill Clinton cũng đến Bình Nhưỡng trong sứ mệnh giải cứu 2 công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ.

Mặc dù vậy, New York Times cho rằng đây sẽ là một lựa chọn gây khó cho Tổng thống Trump bởi ông chủ Nhà Trắng sẽ cảm thấy mình phải đi tới tận Bình Nhưỡng để "cầu xin" thiện chí của Triều Tiên. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nghi ngờ Triều Tiên có thể sẽ tổ chức một màn duyệt binh hoành tráng để chào đón Tổng thống Trump, người từng nhiều lần yêu cầu Lầu Năm Góc phải tổ chức duyệt binh nhưng không thành.

Trong quá khứ, Triều Tiên từng tổ chức một cuộc diễu binh lớn chào đón Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright khi bà tới thăm Bình Nhưỡng năm 2000 để thuyết phục nước này chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo. Trớ trêu ở chỗ, cuộc diễu binh của Triều Tiên phô diễn luôn cả những loại tên lửa mà bà Albright muốn Bình Nhưỡng chấm dứt phát triển.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter (giữa bên phải) và cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành (giữa bên trái) trong cuộc gặp năm 1994 tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Mark Barry.

Stockholm, Thụy Điển

Thụy Điển nhiều năm nay đóng vai trò trung gian hòa giải cho nhiều xung đột, trong đó có cả cuộc đối đầu Mỹ - Triều Tiên. Do Mỹ không có đại sứ quán tại Triều Tiên, Thụy Điển chính là nước bảo vệ quyền lợi của Mỹ và cung cấp các dịch vụ lãnh sự cho công dân Mỹ, bao gồm cả các chuyến viếng thăm công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giam.

Trong quá khứ, Thụy Điển là nơi nhiều lần tổ chức các cuộc đối thoại giữa quan chức Triều Tiên với các học giả, chuyên gia từ Mỹ và Hàn Quốc.

Tuần trước, tờ báo Dagens Nyheter của Thụy Điển thông báo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho sẽ sớm đến thăm Stockholm, động thái làm dấy lên nghi vấn về khả năng Thụy Điển trở thành nơi gặp gỡ của Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Đảo Jeju, Hàn Quốc

Chính quyền Jeju hôm 9/3 đã công khai đề nghị tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

"Được mệnh danh là 'Hòn đảo của hòa bình', Jeju là địa điểm lý tưởng để tổ chức hội nghị Mỹ - Triều. Nếu sự kiện được tổ chức ở Jeju, tôi đề nghị không chỉ tổ chức cuộc gặp Mỹ - Triều, chúng ta sẽ tổ chức cả hội nghị cấp cao 3 bên Hàn Quốc - Triều Tiên - Mỹ. Đây là cơ hội để đạt được những chuyển biến lớn hướng tới nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên", Tỉnh trưởng Jeju Won Hee Ryong thông báo hôm 9/3.

Jeju là hòn đảo du lịch nằm ở ngoài khơi phía nam của bán đảo Triều Tiên. Hòn đảo có diện tích nhỏ, mật độ dân cư thấp, vì vậy công tác an ninh và chuẩn bị hậu cần cho cuộc gặp sẽ dễ dàng hơn so với tổ chức ở các thành phố lớn.

90s: Đối thoại hòa giải hay 'cái bẫy' của Triều Tiên Lãnh đạo Triều Tiên đề nghị gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump để đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân, một bước đi bất ngờ làm dấy lên nghi vấn về động cơ thực sự của Triều Tiên.

Geneva, Thụy Sĩ

Geneva là thủ đô của quốc gia trung lập Thụy Sĩ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhiều khả năng sẽ cân nhắc lựa chọn này bởi đây là nơi quen thuộc với ông sau nhiều năm học tập.

Thành phố Geneva từng nhiều lần tổ chức các cuộc hội nghị thượng định giữa các đối thủ chính trị, ví dụ như cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1985. Cuộc gặp này đã khởi động cho quá trình tan băng trong quan hệ Xô - Mỹ, giảm nguy cơ đối đầu hạt nhân, tạo tiền đề cho sự ra đời của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF đến nay vẫn còn tồn tại.

Ulan Bator, Mông Cổ

Mông Cổ, quốc gia nằm kẹp giữa Nga và Trung Quốc, nhiều năm nay theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập. Mông Cổ duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Triều Tiên. Hôm 9/3, cựu tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj chia sẻ trên Twitter cá nhân ủng hộ cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Triều.

"Tôi đề nghị thế này: Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un hãy gặp nhau tại Ulan Bator (thủ đô Mông Cổ) đi. Mông Cổ là nơi thích hợp nhất, lãnh thổ hoàn toàn trung lập", ông Elbegdorj viết.

Olympics mùa đông: Khi Thế vận hội phô bày hố sâu ngăn cách Hàn Quốc muốn Olympics mùa đông tại PyeongChang sẽ là kỳ "thế vận hội hòa bình" giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng khoảng cách 2 miền bán đảo ngày càng xa.

Duy Anh
Theo New York Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-dia-diem-tiem-nang-cho-cuoc-doi-mat-trump-kim-jong-un-post825652.html