Những điểm cần làm rõ trong vụ học sinh bị đuổi học vì nói xấu thầy cô

Thạc Sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật Sư Hà Nội) gửi tới Lao Động bài viết phân tích về những điểm cần làm rõ để có một quyết định kỷ luật hợp lý và hợp tình trong vụ việc học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) bị đuổi học vì xúc phạm thầy cô.

Việc nhóm học sinh bị đuổi học vì hành vi nói xấu giáo viên trên Facebook đã gây nhiều tranh cãi nhưng ngày qua?

Cần làm rõ việc “nói xấu” của học sinh là nói như thế nào?

Những ngày qua dư luận xôn xao trước thông tin 7 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi bị đuổi học do có hành vi xúc phạm, nói xấu giáo viên trên mạng xã hội Facebook. Đã có rất nhiều tranh luận về việc kỷ luật đuổi học với nhóm học sinh có hành vi nói xấu thầy cô liệu có quá nặng hay không?

Để trả lời câu hỏi này, cần làm rõ việc “nói xấu” của học sinh là nói như thế nào?

Nếu nội dung trao đổi, nói chuyện của các em chỉ là một hình thức bày tỏ quan điểm, chính kiến cá nhân của mình, phản ánh sự thật, thì câu chuyện của các em chỉ dừng lại ở việc thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, sự tự do ngôn luận cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, được pháp luật cho phép, phù hợp với các quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nếu câu chuyện của các em học sinh không phải chỉ ở mức độ tự do ngôn luận mà đã lợi dụng, lạm dụng sự tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân. Cụ thể là có nội dung xúc phạm (dùng lời lẽ tục tĩu), vu khống giáo viên nhà trường, thì hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Hành vi xúc phạm giáo viên sẽ bị xử lý thế nào?

Mức độ xử lý kỉ luật áp dụng đối với học sinh phổ thông được quy định tại thông tư số 08/TT ngày 21.3.1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.

Theo quy định, việc thi hành kỉ luật đối với học sinh phổ thông vi phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình với 5 hình thức, bao gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học một năm.

Trong đó, nếu học sinh có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo, dù chỉ là một lần, song có tác hại nghiêm trọng, khuyết điểm sai phạm lớn thì có thể bị cảnh cáo trước toàn trường.

Nếu những học sinh vi phạm khuyết điểm này đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác thì có thể bị xử lý kỉ luật đuổi học một tuần lễ.

Tuy nhiên, việc đuổi học 1 năm chỉ áp dụng nếu học sinh mắc khuyết điểm sai phạm đã bị Hội đồng kỉ luật nhà trường đuổi học 1 tuần lễ mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm sai phạm khác ở mức rất nghiêm trọng, gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người.

Ví dụ: Tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng vũ khí (dao găm, lưỡi lê, súng lục, lựu đạn,…) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương.

Nếu nhóm học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa mới chỉ vi phạm lần đầu, không lặp lại một trong những sai phạm nghiêm trọng vừa liệt kê ở trên thì chưa đủ cơ sở để nhà trường ra quyết định kỉ luật đuổi học 1 năm với những học sinh này.

Học sinh và cha mẹ có quyền khiếu nại

Để đảm bảo quyền lợi, học sinh và cha mẹ học sinh nếu nhận thấy hình thức xử lý kỉ luật học sinh là chưa chính xác hoặc chưa đúng trình tự, thủ tục thì có quyền khiếu nại trong thời hạn một tuần lễ kể từ ngày được thông báo quyết định kỉ luật.

Nếu bị kỉ luật cảnh cáo trước toàn trường hoặc bị đuổi học 1 tuần lễ, cha mẹ có thể làm đơn khiếu nại với nhà trường.

Nếu bị kỉ luật đuổi 1 năm, cha mẹ có thể làm đơn khiếu nại với nhà trường hoặc cơ quan giáo dục cấp trên như Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo để nhờ vào cuộc, bảo vệ quyền "được học tập" của con em mình.

Còn tiếp: Giáo viên có quyền tịch thu điện thoại của học sinh hay không?

Luật sư Đặng Văn Cường

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/nhung-diem-can-lam-ro-trong-vu-hoc-sinh-bi-duoi-hoc-vi-noi-xau-thay-co-639564.ldo