Những điểm du lịch sợ quá tải

Nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới đã thực hiện các biện pháp như thu phí, đặt giới hạn số lượng du khách nhằm duy trì hoạt động du lịch bền vững.

Du lịch quốc tế đã quay trở lại mạnh mẽ kể từ sau đại dịch, đồng nghĩa với việc những đám đông du khách trở nên phổ biến và tình trạng quá tải có thể xảy ra ở các điểm đến nổi tiếng.

Nhằm giảm thiểu tình trạng này cũng như hướng đến phát triển du lịch bền vững, một số điểm đến đã có những kế hoạch, chính sách cụ thể để hạn chế du lịch quá mức trong thời gian này.

Thái Lan

Với các thành phố nhộn nhịp, những bãi biển tuyệt vời và kiến trúc cổ, Thái Lan là một trong những điểm đến thu hút hàng đầu trên thế giới. Trên thực tế, quốc gia này đã đón 11,8 triệu khách du lịch vào năm 2022 và dự kiến sẽ đón hơn gấp đôi con số đó trong suốt năm nay.

Ảnh: apiguide/Shutterstock.

Mặt khác, quốc gia này muốn duy trì hoạt động du lịch bền vững nên đã công bố kế hoạch áp dụng thuế du lịch từ tháng 6. Khoản phí 300 baht (9,10 USD) sẽ được thu từ khách du lịch hàng không đến nước này và sẽ được sử dụng cho các điểm du lịch, chẳng hạn Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, và chăm sóc du khách.

Bhutan

Là một trong những quốc gia tiên phong về du lịch bền vững, Bhutan đã thực hiện các biện pháp để giữ số lượng du khách ở mức ổn định. Khi mở cửa biên giới trở lại vào tháng 9/2022, đất nước này yêu cầu mỗi du khách trả phí phát triển bền vững cao hơn là 163 bảng Anh (200 USD) mỗi đêm (tăng từ 53 bảng Anh (65 USD) vào những năm trước đó).

Ảnh: Khanthachai C/Shutterstock.

Số tiền này sẽ được đưa vào các dự án phát triển khác nhau, bao gồm trồng cây, duy trì lối đi bộ, đào tạo nhân viên ngành du lịch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trong nước. Bhutan là một trong số ít quốc gia trên thế giới có lượng khí thải carbon âm.

Tây Ban Nha

Một quốc gia khác đang phải vật lộn với lượng khách du lịch trong những tháng mùa hè là Tây Ban Nha.

Ảnh: Sopotnicki/Shutterstock.

Nhiều điểm phổ biến nhất của quốc gia này đã đưa ra các hạn chế, chẳng hạn công viên quốc gia Donana ở Andalusia chỉ cho phép 886 người/ngày, trong khi hòn đảo San Juan de Gaztelugatxe của xứ Basque có giới hạn 1.500 người/ngày.

Ảnh: krivinis/Shutterstock.

Đối với thành phố Barcelona nổi tiếng, nơi khách du lịch đổ xô đến vì kiến trúc đẹp, đồ ăn ngon, thời tiết nắng ấm... các quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng đường phố đông đúc cũng được thực hiện.

Vào mùa hè năm 2022, chính quyền địa phương có thông báo các nhóm du khách tại trung tâm phố cổ sẽ có giới hạn là 30 người, trong khi ở các khu vực nhỏ hơn sẽ giới hạn còn 15 người. Thành phố cũng cấm sử dụng loa phóng thanh và quy định 24 đường phố một chiều để làm giảm tắc nghẽn giao thông.

Đỉnh Everest, Nepal

Hình ảnh đám đông xếp hàng dài trên đỉnh Everest đã lan truyền chóng mặt trên Internet vào tháng 5/2019. Du lịch quá mức có thể gây ra tác hại cho cấu trúc ngọn núi, đồng thời những điều kiện nguy hiểm trên núi cũng có thể khiến số người tử vong cao hơn.

Ảnh: Daniel Prudek/Shutterstock.

Nepal đã đưa ra một hệ thống hạn ngạch để hạn chế số lượng người leo lên đỉnh Everest. Theo các quy tắc mới được đề xuất, những người leo núi phải chứng minh rằng họ đã chinh phục một ngọn núi lớn khác, còn người điều hành cần ít nhất 3 năm kinh nghiệm cung cấp các tour du lịch.

Pháp

Với 90 triệu du khách vào năm 2019, Pháp là quốc gia được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới. Các điểm đến tại quốc gia này cũng đã phải thực hiện các kế hoạch để hạn chế du lịch.

Ảnh: Andrea Sirri/Shutterstock.

Nhiều thị trấn và hòn đảo ở phía nam đất nước đã giới thiệu hệ thống đặt chỗ trực tuyến nhằm giới hạn số lượng khách tại các điểm tham quan quan trọng. Trong khi đó, vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur sử dụng ứng dụng điều hướng Waze để thông báo cho khách du lịch về mức độ đông đúc tại các điểm đến phổ biến.

Ảnh: Romas/Shutterstock.

Để ngăn chặn tình trạng quá tải, công viên quốc gia Calanques ở thành phố lớn thứ hai nước Pháp - Marseille - đã giảm đáng kể hạn ngạch du khách hàng ngày từ 3.000 người xuống chỉ còn 400 người.

Đây là một động thái được nhiều người hoan nghênh sau khi công viên bị thiệt hại do du lịch ồ ạt vào năm 2021. Những người muốn tham quan phải đặt vé trực tuyến trước 3 ngày để lấy mã QR vào công viên.

Ảnh: EJ Baumeister Jr./Alamy.

Còn ở tu viện Mont St Michel nổi tiếng, di tích từ thế kỷ thứ 10 đã thu hút 60.000 du khách trong một ngày cuối tuần vào cuối tháng 5, buộc những người phụ trách phải tuyên bố địa điểm này không còn khả năng đáp ứng đám đông vào giờ cao điểm. Chính quyền địa phương Normandy đã đăng tải hình ảnh về những hàng dài vô tận để ngăn khách du lịch đến tu viện.

Nam Cực

Nam Cực là điểm đến được áp dụng những quy định nghiêm ngặt về du lịch bởi nơi đây có khí hậu khắc nghiệt cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và nghiên cứu khoa học.

Ảnh: Song about summer/Shutterstock.

Tất cả chuyến thăm phải tuân thủ Hiệp ước Nam Cực, quy định tối đa 100 du khách có thể lên bờ cùng một lúc. Đồng thời, các phương tiện tàu, thủy phi cơ và thuyền không được làm phiền động vật hoang dã theo bất kỳ cách nào. Các chuyến thăm chỉ có thể thực hiện sau khi được cơ quan quốc gia có liên quan chấp thuận trước.

Italy

Venice của Italy là một trong những thành phố nổi tiếng nhất châu Âu. Các con kênh và đường phố tuyệt đẹp đã trở thành "thương hiệu" của Venice luôn tấp nập du khách, thậm chí bị tắc nghẽn bởi khoảng 100.000 người ghé thăm mỗi ngày trong những năm trước.

Ảnh: Shutterstock.

Chính vì thế, thành phố đã công bố các biện pháp mới để hạn chế khách du lịch trong ngày. Kể từ tháng 1/2022, bất kỳ ai muốn đến Venice phải đặt trước trực tuyến và trả phí 5 euro (5,28 USD).

Thành phố cũng đã cấm các tàu du lịch đến trung tâm phố cổ, vì các tàu này được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm và làm xói mòn nền móng của thành phố.

Ảnh: Balate Dorin/Shutterstock.

Một điểm nóng du lịch khác của Italy là bờ biển Amalfi cũng thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế sự quá tải. Kể từ tháng 6/2022, trong mùa cao điểm, ôtô có biển số kết thúc bằng chữ số lẻ chỉ được đi trên con đường đông đúc giữa Vietri sul Mare và Positano vào ngày lẻ, trong khi ôtô biển số chẵn chỉ được đi vào ngày chẵn.

Ảnh: S.Borisov/Shutterstock.

Còn tại thủ đô Rome, mặc dù vẫn chưa có các quy định giới hạn về số lượng du khách, chính quyền địa phương cũng đưa ra một số quy định để trấn áp những khách du lịch có hành vi xấu.

Rome đã cấm hành vi gắn khóa móc vào cầu, ăn uống gần đài phun nước và đàn ông để ngực trần nơi công cộng. Việc phe vé, bán vé không phải xếp hàng gần các điểm tham quan nổi tiếng như Bậc thang Tây Ban Nha cũng là bất hợp pháp.

An Ngọc

Theo loveExploring

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-diem-du-lich-so-qua-tai-post1437445.html