Những điểm mới, đáng lưu ý của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ

Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và sẽ trình Quốc hội thảo luận xem xét thông qua, theo đó cơ quan soạn thảo đã đưa nhiều nội dung mới vào Dự thảo nhằm hướng đến xây dựng giao thông văn minh, hiện đại và an toàn.

CSGT Hà Nội kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên địa bàn

CSGT Hà Nội kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên địa bàn

Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân

Thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về có hay không quy định về ngưỡng đối với người điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn, cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan, tiếp xúc cử tri và đã thống nhất đưa vào các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó tại Điều 10 dự thảo Luật có quy định "Hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo tại Quốc hội. Theo cơ quan soạn thảo, hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.

Về quy tắc giao thông đường bộ, được quy định tại Chương II (gồm các Điều từ 11 - 34), các quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em, về chấp hành tín hiệu đèn giao thông, về xe ưu tiên và các ý kiến góp ý về kỹ thuật văn bản đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình phù hợp. Theo quy tắc chung, Điều 11 quy định: người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác. Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.

Đáng lưu ý, quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông được tiếp thu theo hướng ưu tiên tốt nhất cho việc bảo vệ trẻ em, có tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô (ghế trẻ em sơ sinh, ghế trẻ em nhỏ, đệm nâng) phải phù hợp với độ tuổi, thể trạng thực tế của trẻ em Việt Nam. Cũng theo Điều 11, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Khi chở trẻ em dưới 6 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau.

Chủ xe đi bấm biển số tại Hà Nội

Chủ xe đi bấm biển số tại Hà Nội

Người trúng đấu giá biển số xe được hưởng nhiều quyền lợi và nghĩa vụ

Điều 38 quy định đấu giá biển số xe là nội dung được chú ý tại Chương III - Phương tiện giao thông đường bộ. Theo đó, giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu; giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu. Tiền đặt trước không thấp hơn giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá. Khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc có nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá thì người đó được xác định là người trúng đấu giá biển số xe.

Người trúng đấu giá được quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể. Đáng chú ý, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn với biển số xe trúng đấu giá. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp quyết định xác nhận biển số xe trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trúng đấu giá thì người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế được nhận số tiền người trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá, chi phí quảng cáo, chi phí quản trị hệ thống đấu giá và chi phí khác được nộp vào ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về các bước giá, hình thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe.

Lực lượng CSGT kiểm tra các điều kiện liên quan đến phương tiện và người lái xe.

Lực lượng CSGT kiểm tra các điều kiện liên quan đến phương tiện và người lái xe.

Trừ điểm giấy phép lái xe, biện pháp quản lý văn minh, hiện đại

Các quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe được nêu tại Điều 58, Chương IV về "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" là nội dung được đánh giá sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe. Đây là biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta.

Theo đó, điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm...

Về hạng giấy phép lái xe, được quy định tại khoản 1 Điều 57 theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phân hạng bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ; đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định các loại giấy phép lái xe đã cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực; trường hợp cấp lại thì mới cấp theo quy định của Luật này, nên không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp giấy phép lái xe.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia thăm hỏi gia đình nạn nhân TNGT tại tỉnh Yên Bái

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia thăm hỏi gia đình nạn nhân TNGT tại tỉnh Yên Bái

Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT

Về giải quyết TNGT đường bộ, quy định tại Chương VII, các nội dung vềtrách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn; về phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn; về cứu nạn, cứu hộ, điều tra, giải quyết tai nạn đã được chỉ đạo tiếp thu phù hợp.

Theo đó, người điều khiển phương tiện, người liên quan đến vụ TNGT đường bộ có trách nhiệm dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc UBND nơi gần nhất. Người này cũng phải ở lại hiện trường vụ tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan Công an, UBND nơi gần nhất…

Người có mặt tại nơi xảy ra vụ TNGT đường bộ có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc UBND nơi gần nhất; tham gia bảo vệ hiện trường bảo vệ tài sản của người bị nạn và cung cấp thông tin liên quan về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ TNGT đường bộ có trách nhiệm chở người bị thương đi cấp cứu. Các xe ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

Đáng lưu ý, tại Chương VII được nghiên cứu bổ sung Điều 85 về Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ trênnguyên tắc rõ ràng: không vì mục đích lợi nhuận; được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; không được chi trùng với ngân sách nhà nước.

Việc thành lập Quỹ này phù hợp với nhu cầu thực tiễn khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra cho con người và xã hội. Nguồn kinh phí của Quỹ chủ yếu là nguồn tài chính xã hội hóa, huy động được tối đa nguồn lực và phát huy được sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những người không may bị nạn trong vụ tai nạn giao thông, thân nhân, gia đình của người bị tai nạn để họ nhanh chóng ổn định, trở lại cuộc sống thường ngày.

Văn Huế

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nhung-diem-moi-dang-luu-y-cua-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-183240522110501529.htm