Những điểm nhấn về an ninh quân sự thế giới năm 2023

Thế giới vừa bước sang năm mới 2023 với nhiều hy vọng về hòa bình, ổn định và hợp tác. Tuy nhiên, quá nhiều vấn đề từ năm cũ đầy biến động, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị - xã hội toàn cầu, trong đó phải kể đến cuộc xung đột tại Ukraine, các thách thức lớn về an ninh tại Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương.

Xung đột Nga - Ukraine: chưa có dấu hiệu kết thúc

Xung đột Nga - Ukraine trở thành tâm điểm của thế giới trong năm 2022. Đây không chỉ đơn giản là cuộc xung đột giữa lực lượng ly khai với sự hậu thuẫn của Nga và Chính phủ Ukraine ở miền Đông nước này, mà còn là cuộc xung đột giữa các nước lớn ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài cho tới nay đã hơn 10 tháng, nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng, không thể ấn định ngày chính xác khi nào cuộc xung đột kết thúc vì giao tranh vẫn còn căng thẳng và có thể mất nhiều thời gian để đạt được tất cả mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Thời gian tới, Nga sẽ tăng cường huấn luyện, trang bị khí tài cho binh sĩ để tiếp tục chiến đấu. Đồng thời, tìm mọi cách cắt đứt sự hỗ trợ của phương Tây đối với Kiev. Tuy nhiên, phương Tây phản kháng mạnh mẽ khi liên tục tung đòn trừng phạt lên Nga và tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Các nhà phân tích nhận định, đàm phán giữa các bên rất khó xảy ra trong tương lai gần, mặc dù mới đây Tổng thống Nga Putin cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến tại Ukraine, nhưng Moscow sẽ không ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện “không thể chấp nhận được” mà Kiev đặt ra. Các điều kiện đàm phán mà Ukraine nêu ra bao gồm cả việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine; giành lại bán đảo Crimea và khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) cho rằng, lời đề nghị đàm phán của Nga không thực sự dành cho Ukraine. Theo tổ chức này, Nga đang hướng đến việc đàm phán với phương Tây và nhằm thúc phương Tây buộc Ukraine phải nhượng bộ trước. Trên thực tế, khả năng đàm phán ngay lập tức giữa Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột là không thể, nhất là sau khi Nga quyết định sáp nhập Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson. Nhiều chuyên gia dự đoán, các cuộc đàm phán hòa bình được cho là có thể bắt đầu lại vào nửa cuối năm 2023.

Xung đột tại Ukraine, cũng như căng thẳng giữa phương Tây và Nga sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề quốc tế lâm vào bế tắc, như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân Iran,… Dự kiến tăng ngân sách quốc phòng năm tới của cả Mỹ, EU và Nga, cùng với việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, khiến mức độ căng thẳng quân sự trong khu vực này có thể sẽ gia tăng và khó dự đoán.

Nguồn: Japan Times

Nguồn: Japan Times

Trung Đông: chảo lửa chưa nguội

Xung đột giữa Israel và Palestine tại Bờ Tây có thể bùng nổ bất cứ lúc nào khi hai bên vẫn đổ lỗi cho nhau rằng không muốn tiến trình hòa bình tại Trung Đông. Trong khi Israel cho rằng, Palestine “không quan tâm tới việc đạt được hòa bình với Israel”, thì Palestine lại cho rằng, chính Israel đang né tránh các tiến trình chính trị nhằm chấm dứt sự chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine và thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem theo các nghị quyết quốc tế.

Tại Afghanistan, các chuyên gia dự đoán, nguy cơ xung đột nội bộ và nghèo đói hiện hữu. Tình trạng đụng độ vũ trang, hoạt động tội phạm và các vụ tấn công khủng bố gia tăng. Một Báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, hồi tháng 9.2022, cảnh báo, nguy cơ xung đột nội bộ và nghèo đói ở nước này nếu chính quyền Taliban không đáp ứng những nhu cầu của tất cả các thành phần trong xã hội. Tại Syria, các vụ không kích và trả đũa giữa Israel và Damascus, giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng phiến quân, giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân người Kurd, vốn phân bố rải rác ở cả Syria và Iraq chưa có dấu hiệu dừng lại.

Về vấn đề hạt nhân Iran, vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra vào đầu tháng 8.2022. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa giải pháp đột phá nào hé lộ. Nhiều chuyên gia cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran khó có hy vọng hồi sinh trong thời gian tới. Mới đây, Tổng thống Mỹ Biden cho rằng thỏa thuận này “đã chết”, trong khi Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby thừa nhận, “hiện tại không có tiến triển nào đối với thỏa thuận Iran. Chúng tôi cũng không dự đoán (các bên) sẽ có tiến triển trong tương lai gần”.

Châu Á - Thái Bình Dương: tiếp tục cọ xát chiến lược gay gắt

Khu vực này tiếp tục là trung tâm phát triển và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời cũng là khu vực tiềm ẩn nhiều “điểm nóng” có khả năng bùng phát xung đột vũ trang. Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc sẽ tạo nên những thay đổi căn bản, xáo trộn lớn ở tất cả các phương diện của đời sống thế giới, kể cả trong trường hợp hai nước Mỹ, Trung Quốc “ngồi lại” với nhau cũng không thể kết thúc được sự xung đột, mâu thuẫn về chiến lược.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dù Mỹ và Trung Quốc có quan niệm và giá trị khác nhau về cách tiếp cận trật tự thế giới, giữa họ tồn tại nhận thức chung rằng cần phối hợp với các nước khác dựa trên sự tin tưởng, công bằng, tôn trọng luật pháp quốc tế. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng không leo thang thành xung đột trong sự cạnh tranh này.

Về khả năng xảy ra xung đột tại khu vực, Báo Nikkei Asia của Nhật Bản dự đoán tại 6 điểm nóng của châu Á có thể khả năng xảy ra xung đột lớn trong 5 năm tới. Các “điểm nóng” bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc, Ấn Độ và Pakistan, Afghanistan.

Chạy đua quốc phòng và nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Nhiều quốc gia đã quyết định hoặc dự kiến tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2023. Mỹ sẽ chi 858 tỷ USD cho các chương trình quốc phòng, cao hơn 10% so với tài khóa 2022, trong đó, 817 tỷ USD sẽ được phân bổ cho Bộ Quốc phòng. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ phân bổ thêm 72 tỷ euro cho chi tiêu quốc phòng đến năm 2025. NATO cũng sẽ tăng cường sản xuất vũ khí, tìm cách vượt Nga trong cuộc chạy đua vũ trang.

Nga dự kiến chi 4.982 tỉ rúp (86 tỉ USD) cho quốc phòng trong năm 2023, tăng 43% so với kế hoạch ban đầu là 3.473 tỉ rúp. Số tiền nói trên chiếm 3,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga. Bên cạnh đó, chi tiêu cho an ninh quốc gia và lực lượng hành pháp cũng tăng đến 40%, chiếm 14,3% tổng ngân sách. Với các khoản ngân sách bổ sung, kế hoạch mua sắm quốc phòng trên thực tế sẽ tăng lên 1,5 lần so với năm 2022.

Về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI)đánh giá, thế giới đang đứng trước nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới, thậm chí là nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân cao chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, hầu hết giới phân tích cho rằng kịch bản dễ xảy ra hơn cả là tấn công ở cấp độ chiến thuật hay chiến trường.

Như vậy, tình hình an ninh quân sự thế giới năm 2023 được dự báo sẽ còn nhiều biến động, phức tạp trong quá trình vận động, hình thành trật tự thế giới đa cực. Đây có thể là quá trình bất ổn, tiềm ẩn nhiều xung đột, nhưng tất yếu dẫn tới một thế giới hòa bình, ổn định và hợp tác.

Nguyễn Nhâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/nhung-diem-nhan-ve-an-ninh-quan-su-the-gioi-nam-2023-i313689/