Những điểm thú vị trên quần áo không phải ai cũng biết

Một số chi tiết nhỏ trên trang phục tưởng như chỉ có công dụng trang trí nhưng lại được thiết kế với ý đồ tinh tế, hoặc đôi khi được tạo ra với mục đích hoàn toàn khác bây giờ.

Đinh tán quần jeans: Hóa ra những miếng đinh tán trên quần jeans của bạn không phải chỉ để trang trí. Trong những năm cuối của thế kỷ 19, người lao động thường mặc quần jeans khi làm việc và đôi khi nhét vật dụng vào túi. Những đinh tán này giúp túi không bị rách. Ngày nay, chi tiết này giúp tăng tuổi thọ cho chiếc quần.

Hình tam giác ở cổ áo len: Trong những năm 1920, khu vực này gồm một miếng vải được may chìm bên trong để thấm mồ hôi quanh cổ và ngực. Tuy vậy, ngày nay, nhiều áo len chỉ còn may đường chỉ hình tam giác ở đây chứ không dùng các chất liệu thường thấy ngày xưa.

Cúc áo cuối cùng: Nếu bạn để ý, chiếc cúc áo cuối cùng trong hàng thường được khâu nhiều chỉ hơn các cúc khác. Điều này nhằm giúp “chốt chặn cuối cùng” này được bền hơn.

Túi nhỏ của quần jeans: Ban đầu, quần jeans Levi’s được thiết kế cho thợ mỏ và nông dân ở thế kỷ 19. Trên quần có một túi nhỏ để đựng đồng hồ quả quýt, bởi trước đó đồng hồ hay bị để vào túi áo chung với các đồ vật khác dẫn đến việc bị trầy xước.

Chỏm trên mũ len: Mũ len có nguồn gốc từ người Viking, sau đó được cánh thủy thủ thêm chỏm len lên trên nhằm thêm một lớp bảo vệ đầu đề phòng nguy cơ va đập khi thuyền dập dềnh do biển động.

Vòng vải sau lưng áo sơ mi: Với việc dùng móc treo quần áo bây giờ, vòng vải ở sau lưng áo giờ chỉ còn tác dụng trang trí. Nhưng trước đây, nó cũng được dùng để treo áo trong tủ đồ. Vào những năm 1960, một sinh viên Mỹ đã đề xuất với công ty may mặc Gant làm thêm vòng vải để giúp anh và bạn bè có thể treo áo lên một móc dính trong tủ đồ, tránh việc làm nhăn áo.

Hàng cúc ở tay áo: Đây là một ý tưởng của Napoleon khi ông yêu cầu khâu thêm hàng cúc ở cuối tay áo khoác nhằm ngăn quân lính đưa tay lên quệt mũi. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, những chiếc cúc này đã trở thành thứ không thể thiếu trên những bộ áo vest, áo khoác hay blazer, dù chỉ còn mang mục đích trang trí.

Lỗ phụ trên giày thể thao: Nhìn thoáng qua tưởng như là lỗi của nhà sản xuất, nhưng thực tế lỗ này cho phép người dùng luồn thêm một vòng dây, tạo thành “khóa gót chân”, giúp ngăn ngừa việc giày bị tuột ra khi đang chạy hay vận động ngoài trời.

Cúc cài từ bên trái: Có một cách đơn giản để phân biệt áo sơ mi cho nam hay nữ. Nếu hàng cúc cài áo ở bên tay phải, đó là áo nam, và ngược lại, cúc bên trái là áo nữ. Lý do không phải là để phân biệt giới tính, mà sự thực là để tiện lợi hơn cho phụ nữ cởi áo cho con bú, bởi phụ nữ sẽ thường giữ con bên tay phải. Dĩ nhiên, với những người thuận tay trái, hàng cúc này sẽ gây khó một chút.

Ly Nguyễn
Ảnh: BestLife

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-diem-thu-vi-tren-quan-ao-khong-phai-ai-cung-biet-post888987.html