Những diễn biến kịch tính trước thềm đại hội cổ đông bất thường của Vinaconex

Trước khi Vinaconex tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường, 7 thành viên HĐQT của Vinaconex đã thông báo ý định từ nhiệm.

Hôm nay (11/1/2019), Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường với mục đích cơ cấu lại đội ngũ Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS)…

Trước thềm đại hội, 7 thành viên HĐQT của Vinaconex là ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐQT Vinaconex, ông Đỗ Trọng Quỳnh - nguyên Tổng giám đốc, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Anh Tùng, ông Phạm Văn Hải, ông Lê Đăng Dũng và bà Nghiêm Phương Nhi đã thông báo ý định từ nhiệm.

Quyết định này được đưa ra sau khi SCIC và Viettel thoái vốn.

Cổ đông biểu quyết trong ĐHĐCĐ Vinaconex 2017. (Theo cafef).

Được biết Vinaconex đang có 3 cổ đông lớn là An Quý Hưng nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ giữ 21,3% vốn và Đầu tư Star Invest nắm 7,57% vốn. Các ghế thành viên HĐQT sẽ được nhường cho chủ mới. Nhưng với ba cái tên mới vào thế chỗ, khiến cục diện tại Vinaconex tỏ ra hết sức khó lường.

Số lượng thành viên HĐQT được bầu tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 là 7 người. Tương tự đối với việc bầu cử BKS, số lượng kiểm soát viên được bầu tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 là 5 người.

Thông tin công khai đến thời điểm hiện tại, Cường Vũ đã gửi đề xuất nhờ Viettel đề cử ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà vào HĐQT. Ông Nguyễn Quang Trung là Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long. Trong khi đó, ông Thân Thế Hà là Phó Tổng giám đốc Vinaconex và Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Bên cạnh đó, Cường Vũ cũng đề cử 2 cá nhân vào Ban kiểm sát gồm ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh.

Chiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ Vinaconex ngày 17/4/2018, “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên, trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng mới có quyền ứng cử, đề cử ứng viên HĐQT và BKS" có thể thấy, do không đủ thời gian nắm giữ cổ phiếu nên nhóm cổ đông mới như An Quý Hưng, Star Invest sẽ không có quyền ứng cử, đề cử trong đợt đại hội đồng cổ đông này.

Thế nhưng, các cổ đông này giống như trường hợp của Cường Vũ, có thể nhờ nhóm cổ đông lớn “cũ” đề cử hộ.

Và với việc sở hữu gần 58% vốn điều lệ, An Quý Hưng có thể đề cử tối đa 5 thành viên vào HĐQT và 5 thành viên BKS. Trong khi Cường Vũ có thể đề cử 2 thành viên HĐQT và 2 thành viên BKS; Star Invest có thể đề cử 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS.

Trong một diễn biến khác, theo ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT Vinaconex đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), quy định cần tối thiểu 6 tháng, cổ đông mới có quyền đề cử, ứng cử cần được thay đổi. Theo lý giải của ông Chi, nếu để thời gian dài như vậy sẽ có rất nhiều rủi ro và mâu thuẫn phát sinh giữa các cổ đông, ngoài ra vấn đề này có thể cản trở quá trình bán vốn, dẫn đến kém tính hấp dẫn… Cần tạo điều kiện cho các cổ đông mới sớm có thể ngồi vào ghế HĐQT, điều hành doanh nghiệp.

Nguyên tắc bầu thành viên HĐQT và BKS được sử dụng tại ĐHĐCĐ bất thường là bầu dồn phiếu. Và nguyên tắc trúng cử được xác định: "Theo số quyền biểu quyết bầu mà ứng cử viên nhận được tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên nhận được số quyền biểu quyết bầu cao nhất cho đến khi đủ số lượng thành viên HĐQT và số lượng thành viên BKS được ĐHĐCĐ phê duyệt”.

Có thể thấy, An Quý Hưng đang có lợi thế lớn trong việc tranh ghế vào HĐQT.

Về phía nhóm thành viên HĐQT Vinaconex, họ khẳng định: "Chức danh thành viên HĐQT của tôi/chúng tôi chỉ chấm dứt khi và chỉ khi đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019 đã bầu được HĐQT mới thay thế và tiếp quản công việc HĐQT từ tôi/chúng tôi để đảm bảo tính liên tục và kế thừa hoạt động của HĐQT Vinaconex theo đúng tinh thần của Khoản 3 Điều 150 Luật doanh nghiệp 2014".

Nguyễn Huệ

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhung-dien-bien-bat-ngo-truoc-them-dai-hoi-dong-co-dong-bat-thuong-cua-vinaconex-d153687.html