Những diện mạo của MeToo

Từ bao giờ phụ nữ Việt Nam chúng ta lại tự tin coi đàn ông – một nửa của loài người cùng chúng ta tạo ra những Cha, những Anh, những Em trai và Con trai là kẻ hủy diệt, người vô đạo đức, dịch bệnh cần phòng tránh, lên án, và nếu có thể thì hủy diệt lại?

"Huyền thoại Rambo" Sylvester Stallone vừa bị tố cưỡng hiếp một phụ nữ hồi năm 1990 – cách đây 18 năm.

"Huyền thoại Rambo" Sylvester Stallone vừa bị tố cưỡng hiếp một phụ nữ hồi năm 1990 – cách đây 18 năm.

Tôi luôn có cảm giác như thế khi theo dõi phong trào MeToo Việt Nam, đặc biệt là các phát ngôn về vấn đề này của những phụ nữ danh tiếng, tài năng và… trộm vía không đẹp gái lắm chắc từ khi còn rất trẻ.

Đọc được một ít về phong trào MeToo khởi từ các siêu sao Hollywood, chắc là chán, thằng bé mười tuổi hùng dũng nhìn thẳng vào mắt mẹ:

“Người không thể tay không đi vào sa mạc rồi bảo con sư tử là mày không được ăn thịt tao!”.

Khái niệm quấy rối, lạm dụng tình dục không phải là cái gì xa lạ với tuổi của nó ở đất Đức, vì chúng nó được học để nhận biết, phòng tránh. Nói chuyện với con, mẹ già đâm khôn ra nhiều.

Quấy rối và lạm dụng tình dục không phải là chuyện chỉ của giới tính này với giới tính khác. Điều đó có thể xảy ra giữa người cùng một giới, giữa nhiều lứa tuổi, không phải là chuyện riêng của chỉ những đàn ông thế giá, có tài có tiền với những phụ nữ trẻ trung xinh đẹp. Và, là chuyện của muôn đời, là chuyện của hoocmon và cả đạo đức. Thì bà Ba của cụ Bá Kiến chẳng phải là kẻ quấy rối tình dục đó sao? Thì Chí Phèo chẳng phải là nạn nhân kinh hoàng của sự quấy rối tình dục đó sao. Nhưng chẳng phải chỉ một Chí Phèo, bà Ba của cụ Bá cũng là nạn nhân của cả một quá trình quấy rối tình dục, bởi ông chồng già.

Sylvester Stallone và vợ - Bridgette Nielsen năm 1987.

Quấy rối tình dục là khêu gợi giới tính của người khác, là khiêu khích bằng giới tính của mình một cách không đúng chỗ đúng lúc, ép buộc người khác tham gia vào những quan hệ dục tính ngoài ý muốn của họ. Nhưng cũng có thể chẳng cần/ chẳng thể làm gì cả, kiểu như cụ Bá Kiến. Cái chuyện dục tính này rất kì, nếu hai bên cùng mong mỏi thì giời sập cũng khó mà ngăn nổi, đừng nói người, dù là quan chi phụ mẫu đến song thân. Nhưng nếu không phải là như thế, thì một bên sẽ bị lên án, hẳn rồi. Đấy là chuyện của các siêu sao Hollywood, lan rộng ra nhiều xứ, trong đó có cả xứ ta. Và có tác động tích cực ngay, ít nhất là đối với những người đàn bà của thế giới phim ảnh hầm hố ấy. Một người nói, hai người tố, giờ là một dàn đồng thanh. Tin rằng không chỉ có một ông trùm điện ảnh Weinstein quấy rối họ đâu. Thế nhưng tại sao giờ đã thành danh dưới bóng của ông ta họ mới ào ào lên tiếng?

Thằng bé mười tuổi của tôi thắc mắc “sao lúc đó các cô không làm như trẻ con kêu thật to “cứu với”? Sao không tố cáo với cảnh sát ngay? Sao không họp báo ngay? Sao không kiện ngay? Sao phải chờ tới bây giờ? Sao và sao”. Tư duy trẻ con thẳng tưng, khiến người lớn đâm bối rối. Lòng cũng đầy ự những câu hỏi. Những người đàn bà ấy đã chịu đựng bao nhiêu năm tháng, để rồi hôm nay nhất loạt lên tiếng. Nổi tiếng rồi mới nói thì dễ được nghe hơn ư? Nói cùng nhau thì tự tin hơn ư? Trong một thế giới mà cuộc Cách mạng tình dục đã hoàn thành sứ mệnh từ nửa thế kỉ trước, việc những người phụ nữ đủ ba thứ tài tình tiền câm nín chịu đựng bị làm nhục, bị dày vò nhân cách như thế thật đáng kinh ngạc. Đấy có phải là bản năng giống loài? Tôi không tin!

Ở Việt Nam, trước những vụ việc thế này luôn luôn có hai tiếng nói chọi vào nhau to cứ như tiếng ti vi mở cùng một lúc từ hai cửa nhà đối diện qua một cái ngõ bé tí, tiếng nào cũng chứa chan tinh thần đạo đức. Tiếng dễ được nghe nhất là tiếng cảm thông theo kiểu ờ thì, “ờ thì làm hoa cho người ta hái làm gái cho người ta chòng”, không dễ được nghe như vậy sẽ là “úi giời, úi giời không có lửa làm sao có khói”. Công nhận cái cách xem xét một vấn đề nghiêm trọng như thế theo kiểu này dễ dãi thật, truyền thống thật. Vậy thì các bà các cô ạ, nếu không muốn phải nghe những lời như vậy thì đừng tự coi mình là hoa, và mặc định rằng nhất thiết phải hay sẽ được nâng niu. Có kiểu nâng niu hoa thoáng chốc sau khi hái thật đấy. Nếu sợ bị quấy rối, sao không từ bỏ việc muốn được coi là hoa, sao không muốn nghĩ mình là gai?

“Huyền thoại Rambo” Sylvester Stallone vừa bị tố cưỡng hiếp một phụ nữ hồi năm 1990 – cách đây 18 năm. (ngoài cùng bên trái)

Và, thôi cứ làm hoa, khi bị quấy rối sao không gào lên ngay, như mấy bà mấy cô ở nhà quê, động vào họ mà họ không thích thì họ chẳng nhảy lên vỗ bồm bộp cho kẻ kia xấu mặt. Làm được thế là can đảm, và dễ hiểu. Khi không phản ứng mạnh mẽ, tức thời, khó mà tin việc quấy rối kia là thật - một - nguy - cơ với người trưởng thành.

Có người bảo là do sợ hãi mà nhiều phụ nữ khi bị quấy rối tình dục rơi vào tình trạng tê liệt. Bản năng buộc con người trước cái chết còn phải bằng mọi cách kêu cứu, tự cứu, phải thét gào, phải giãy giụa. Nếu không làm được điều đó thì chỉ có trẻ con, như thằng bé của tôi, do chưa đủ khả năng nhận thức về quyền và chưa đủ sức tự vệ. Chuyện phải buông xuôi, chấp nhận việc bị ép buộc chỉ có thể hiểu được, thông cảm, đau đớn căm hận cùng khi đó là chuyện xảy ra trong chiến tranh, hay khi đơn độc với một con thú người có vũ khí.

Phụ nữ trưởng thành bị quấy rối bởi một người đàn ông (quen biết, nổi danh) luôn luôn là một quá trình gồm 4 chữ D: dụ dỗ rồi dọa dẫm. Người chỉ dọa được ta khi ta đã để mình bị vờn nắn dù với miệng cười hay miệng méo. Bản thân sự im lặng của phụ nữ khi bị quấy rối, trong những mối quan hệ công việc dễ nảy sinh ra nhiều cơ hội và tiền bạc rất gần với chấp nhận, là kết quả của việc cân nhắc thiệt hơn, lợi hại, mong cầu ít nhất là sự ổn định từ trong vô thức rồi. Đấy cũng là lí do những người bị tố cáo là quấy rối tình dục thường rất tự tin tuyên bố về một quan hệ tính dục mang tính đồng thuận với người tố cáo. Hiển nhiên, việc tố cáo sau đó thành phong trào cũng có cơ bị hiểu là đấu tố, giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Tôi muốn hiểu một cách thiện ý hơn: có phải việc đàn bà Việt bị quấy rối tình dục là hậu quả của sự phát tín hiệu sai, lẫn sóng?

Giới nào và ở bất kể đâu cũng có những cá thể không đáng trọng, cần bị trừng phạt. Tuy nhiên, vào đúng lúc này, tôi thương cảm đàn ông Việt lắm. Họ cũng nói những câu chuyện suồng sã tới mức sống sượng như nhiều đàn bà chúng ta thôi, nhận đi. Rảo một vòng quanh một số diễn đàn của những phụ nữ lấy tình dục làm mục đích mà xem, phát ngại. Ngồi giữa một đám đàn bà con gái có thật sự thân thiết mà nghe họ bình luận về đàn ông, chỉ bảo các mánh khóe dẫn dụ cho nhau, đảm bảo biết thì các ông phát hoảng.

Nhiều mánh lắm, khêu rồi khích, dễ thấy nhất là mặc sao cho hở càng nhiều càng ít. Có một thời không xa lắm đâu Việt Nam còn quy định độ sâu cổ của ca sĩ nữ khi biểu diễn. Giờ thì chẳng cần lên sân khấu nhiều đàn bà con gái vẫn mặc mát mẻ tới mức toang hoác, tây thua. Tự do trình hiện của đàn bà ư? Thế thì cũng phải chấp nhận tự do phát ngôn của đàn ông? Được sống đúng với thiên chức chứ không phải là có đặc quyền, đặc lợi mới là bình đẳng. Đặc quyền gì ở chuyện nhũn nhặn, khoe thân, chứng minh mình xinh đẹp hiền ngoan. Bởi vậy, đàn bà ơi, cẩn thận! Có lúc đó không còn là lý cớ để đàn ông buông lời bỡn cợt như đàn bà tố. Họ sẽ tuyên bố mình bị quấy rối tình dục (vì đàn bà hở hang mãnh liệt, ngoan cứ như bật đèn xanh) ngay cả không quen và chỉ thấy ở trên… FB thì sao?

Hoặc nhỡ đàn ông họ lăng xê mốt quần bơi ra phố, quần bó kiểu diễn viên ba lê hay của các đấng công hầu bá tử tây thời tít mù tắp, khố thổ cẩm của đàn ông Tây Nguyên? Nếu được phụ nữ tán thưởng, liệu họ có tố bị quấy rối tình dục không?

Cần thống nhất với nhau ranh giới của ứng xử trong quan hệ của cả hai giới bằng nhau về quyền lợi và trách nhiệm. Nhận được nhiều tin nhắn mời đi cà phê từ một người đàn ông, có phụ nữ vừa trả lời phỏng vấn trên báo là cảm giác bị quấy rồi đấy. Trời ạ! Hãy nói một từ “Không” đơn giản, rõ ràng để chấm dứt một điều không như ý ngay từ đối thoại đầu tiên.

Nhân danh mình là đàn bà, tôi không đòi hỏi đàn ông thay đổi. Cứ để họ dạy nhau! Đàn bà chỉ cần thôi đừng nghĩ mình là hoa để chịu đựng hay chờ đợi, và học cách phát tín hiệu chính xác để không bị hiểu lầm.

Càng không được cân nhắc thiệt hơn, im lặng chán rồi mới tố. Nhỡ bị người ta tố ngược vì không có bằng chứng. Đàn bà ạ, người khốn khổ chưa chắc là ta hay tay đàn ông bị tố đâu. Nếu đó là kẻ mất nết thì thôi nói làm gì, nếu chỉ là thị phi bủa xuống đời họ sau màn tố cáo của ta, người khó sống đầu tiên sẽ là vợ và con họ.

Còn một khả năng nữa: người đàn ông bị tố cáo quyết định trả giá cho lầm lỗi chưa chắc có tòa nào xử bằng sinh mệnh của anh ta, thì sao?

Có chị em nào nghĩ không?

Nhà văn Lê Minh Hà (từ Berlin)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-dien-mao-cua-metoo-1286244.tpo