Những điều cần biết khi gặp sự cố hỏa hoạn

Nhằm trang bị kiến thức an toàn PCCC, nâng cao kỹ năng thoát nạn khi gặp sự cố cháy xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC số 4- Long Biên, Hà Nội đã phối hợp với UBND phường Ngọc Lâm tuyên truyền, tập huấn PCCC cho người dân.

Tại buổi tập huấn, Thượng tá Phạm Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 4 đã khái quát những vụ cháy xảy ra trong thời gian qua để nhấn mạnh hiểm họa của việc cháy, nổ.

Thượng tá Phạm Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 4 hướng dân bà con cách sử dụng bình chữa cháy

Trong thời gian vừa qua, liên tục xảy ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây chết người. Điển hình vụ cháy xảy ra khoảng 2h ngày 19-7, tại ngôi nhà 4 tầng nằm trong ngõ 41 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã khiến 2 người tử vong. Trước đó, khoảng 2h30 sáng 13-7, một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng, ngõ 205 đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội khiến 4 người tử vong... Để xảy ra hậu quả trên đều xuất phát từ sự chủ quan của con người, nói gần hơn chính là sự chủ quan của cả nạn nhân.

Nhận thức rõ được sự bức thiết an toàn PCCC, Cảnh sát PCCC đã chuyển thông điệp an toàn đến với bà con, thông qua việc nắm bắt chắc kỹ năng đối phó với đám cháy. Đánh giá từ góc độ thực tế địa bàn có đa dạng dân cư, từ kinh doanh cho đến khu công nghiệp, cây xăng dầu xen lẫn, do vậy người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa đối với công tác an toàn PCCC. Điển hình như một số khu tập thể gần ga Gia Lâm, được xây dựng từ những năm 1970- 1980 của thế kỷ trước, luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Do đó, để hạn chế tối đa hỏa hoạn và thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cháy bà con cần phải biết những kỹ năng thoát nạn, dập lửa để tự cứu mình.

Thượng tá Phạm Xuân Quang giới thiệu mặt nạ chống khói

Cụ thể, đối với việc lắp đặt "chuồng cọp" tăng không gian sử dụng tại các nhà tập thể cần phải tạo thêm ô cửa mở ra, mở vào để làm nơi thoát nạn khi cần thiết. Bà con nên trang bị mỗi gia đình ít nhất 1 bình cứu hỏa và để chỗ dễ lấy, dễ nhìn nhất. Mọi người trong gia đình nên biết cách sử dụng bình cứu hỏa để khi không may gặp hỏa hoạn từ đốm lửa nhỏ trong bếp hay nguyên nhân khác trong nhà còn dập tắt ngay lập tức.

Phân tích về việc này, chuyên gia PCCC nhấn mạnh, người chữa cháy hiệu quả không phải là lính cứu hỏa mà là người phát hiện ra đám cháy đầu tiên. Nếu như khi phát hiện đám cháy sớm nhất, lại biết sử dụng bình chữa cháy xách tay thì chỉ cần xịt bình vào đốm lửa là tắt, như vậy lửa không có cơ hội cháy lan, cháy lớn. Còn việc phát hiện đám cháy mà lại không có bình chữa cháy, phải chạy đi hàng xóm kêu cứu thì đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho lửa cháy lan, cháy lớn.

Cùng với việc hướng dẫn bà con kỹ năng, cách sử dụng bình chữa cháy hiệu quả, các chuyên gia PCCC đã hướng dẫn cách thức sử dụng điện, bếp gas và các thiết bị điện sinh hoạt an toàn. Đặc biệt, vào mùa hè đối với những thiết bị điện như máy lạnh, quạt điện, từng hộ dân cần phải bảo dưỡng, kiểm tra thay thế tránh hoạt động trong thời gian dài gây quá tải chập cháy.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-dieu-can-biet-khi-gap-su-co-hoa-hoan/737410.antd