Những điều cần biết về Li-Fi

Li-Fi (viết tắt của Light Fidelity, tạm dịch “sự chính xác của ánh sáng”) là một hệ thống sử dụng sự truyền tải của ánh sáng nhìn thấy được (VLC) để truyền dữ liệu đi với tốc độ cao, lên tới 224 gigabit mỗi giây.

Năm 2011, Giáo sư Harald Haas của trường Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh) đã mường tượng bóng đèn có thể đóng vai trò phát sóng như một thiết bị phát sóng không dây. Năm 2012, ông đã thành công trong việc biến ý tưởng thành sự thât. Nay, công nghệ này đang tạo nên một cuộc đua ráo riết giữa các tập đoàn lẫn doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới.

Cách hoạt động của Li-Fi

Như chúng ta đã biết, Li-Fi là một hệ thống truyền thông bằng ánh sáng nhìn thấy được. Hệ thống này cần có một máy dò ảnh để nhận tín hiệu ánh sáng và một phần tử xử lý tín hiệu để chuyển đổi dữ liệu thành nội dung sóng ánh sáng.

Bóng đèn LED sử dụng để phát Li-Fi rất đặc thù. Ta có thể điều chỉnh độ sáng đèn này xuống mức mà mắt thường không nhìn thấy được nhưng việc truyền tải tín hiệu vẫn diễn ra. Nói cách khác, khi chúng ta “tắt đèn”, mạng Internet vẫn chạy bình thường.

Dữ liệu được đưa vào một bóng đèn LED Li-Fi, bóng đèn này gửi dữ liệu nhúng trong chùm tia sáng của nó với tốc độ cực nhanh đến máy dò ảnh. Những dao đọng nhỏ của tín hiệu từ các bóng đèn LED sau đó được chuyển đổi bởi ‘bộ tiếp nhận’ thành tín hiệu điện. Sau đó, tín hiệu sẽ được chuyển đổi thành luồng dữ liệu nhị phân để sử dụng kết nối Internet.

Ưu và nhược điểm của Li-Fi so với Wi-Fi

Li-Fi và Wi-Fi khá giống nhau qua cách truyền dữ liệu điện từ trường. Tuy nhiên, Wi-Fi sử dụng sóng vô tuyến trong khi Li-Fi phát sóng tín hiệu bằng ánh sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy được.

Với tốc độ ấn tượng – truyền dữ liệu với tốc độ lên tới 224 gigabit mỗi giây – Li-Fi có thể tạo nên một cú hích trong lĩnh vực Internet kết nối vạn vật để giúp nhiều thiết bị được kết nối với nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Khi sử dụng Li-Fi, chúng ta sẽ không gặp phải các vấn đề về chia sẻ hay quá tải của các mạng băng thông rộng. Hơn nữa, do hoạt động trong phạm vi hẹp, Li-Fi là một giải pháp thay thế an toàn hơn cho các sóng radio Wi-Fi. Ngoài ra Li-Fi được cho là an toàn hơn cho người dùng vì ánh sáng không xuyên qua các vật chắn, người ngoài khó xâm nhập vào mạng Li-Fi hơn.

Việc tín hiệu Li-Fi là ánh sáng nhìn thấy không thể đi xuyên qua tường có thể là ưu điểm nhưng đồng thời cũng là nhược điểm. Chẳng hạn, để người dùng có thể nhận được kết nối đầy đủ, đèn LED của Li-Fi phải được lắp đặt khắp mọi nơi trong nhà và phải đảm bảo rằng đèn phải mở liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ. Cho nên, nếu đem ra so sánh với mạng Wi-Fi công cộng thì Li-Fi sẽ gặp trở ngại lớn về chuyện tiêu thụ điện năng.

Ai đang đầu tư vào Li-Fi?

Tháng 11/2014, PureLiFi (Anh) đã bắt tay hợp tác với công ty sản xuất bóng đèn Lucibel của Pháp và giới thiệu sản phẩm bóng đèn tích hợp công nghệ Li-Fi. Một vài sản phẩm của PureLiFi hiện đang có mặt trên thị trường bao gồm: thiết bị chuyển đổi Li-Fi gắn trên trần nhà kết nối với một bóng đèn LED đặc thù, hệ thống Li-Fi di động LiFi – XC gồm một thiết bị có đèn LED gắn vào cổng kết nối USB, cho tốc độ truyền nhận dữ liệu lên đến 43 megabit/giây (Mbps).

Phillips, thương hiệu đèn chiếu sáng quen thuộc trên toàn thế giới đến từ Hà Lan, cũng đã nhảy vào đầu tư cho Li-Fi. Hiện tại Phillips đang sản xuất và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tích hợp công nghệ Li-Fi bao gồm các sản phẩm đèn LED đặc thù và hệ thống thu phát Li-Fi.

Năm 2016, nhà cung cấp mạng viễn thông Du và startup Zero1 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thử nghiệm tính khả thi của Li-Fi trong một thời gian ngắn. Dù tuyên bố họ đã thành công trong việc phát trực tuyến Internet, âm thanh và video qua kết nối Li-Fi.

Ngoài ra, các báo cáo gần đây cũng cho thấy Apple có thể sẽ sản xuất các iPhone trong tương lai với khả năng tích hợp Li-Fi. Cụ thể, một người dùng Twitter đã đăng tải phát hiện cho thấy rằng trong các dòng mã của hệ điều hành iOS 9.1, có một phần đề cập đến Li-Fi. Ở thời điểm phát hiện, tên gọi của Li-Fi được Apple viết là ‘LiFiCapability’.

Tại Mỹ, công ty VLNComm ở bang Virginia được Bộ Năng lượng cũng như Tổ chức Khoa học Quốc gia giúp đỡ và trình làng ba sản phẩm Li-Fi gồm đèn để bàn, USB Li-Fi và bảng điều khiển Li-Fi. Ở Pháp, công ty công nghệ Pháp Oledcomm cũng đã kịp thời tham gia vào cuộc đua với việc tung ra sản phẩm đèn bàn tích hợp công nghệ Li-Fi dành cho gia đình.

Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu cơn sốt Li-Fi có mang lại cuộc cách mạng lớn của thế giới Internet trong tương lai gần như kỳ vọng hay không.

Lâm Thiên

Mạng LiFi sử dụng ánh sáng nhìn thấy từ bóng đèn LED để truyền dữ liệu, có thể đạt tốc độ nhanh hơn WiFi 100 lần với khả năng bảo mật được cho là tốt hơn trước.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-li-fi/