Những điều cần biết về loại virus mang tên Zika

Virus Zika đã và đang lan rộng 31 quốc gia trên thế giới và sẽ không dừng lại ở đó. Việc nắm rõ những kiến thức về loại virus này là điều rất cần thiết.

Theo thông tin từ Tri thức trực tuyến, mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch trong dịp Tết nguyên đán và mùa đông xuân 2016, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, tính đến ngày 1/2, đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh, đáng chú ý là là Brazil, Colombia, Mexico...

Muỗi là trung gian truyền virus Zika. Ảnh minh họa: Internet.

Năm 2015, các vụ dịch lan rộng ở khu vực trung và nam Mỹ, đặc biệt tại Brazil, đồng thời ghi nhận rải rác tại một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và New Caledonia.

Theo thông báo ngày 31/12/2015, Bộ Y tế Brazil đã ghi nhận 2.975 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Đây là sự gia tăng đáng kể (gấp khoảng 10 lần) số trường hợp mắc chứng não nhỏ tại Brazil so với các năm trước đó.

Tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận ca bệnh nào liên quan tới virus Zika. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, khả năng virus Zika vào Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra, kéo theo nhiều vấn đề khó khăn. Thứ nhất, do triệu chứng nhiễm virus Zika rất giống các bệnh dịch khác, đặc biệt là sốt xuất huyết (đều có biểu hiệu sốt, đau cơ, mỏi người) trong đó 80% dấu hiệu không đặc trưng nên rất khó phát hiện. Thứ hai, cộng đồng Việt Nam hiện chưa có miễn dịch cũng như vắc xin phòng dịch đối với virus này. Trong khi đó, giai đoạn này, sẽ có rất nhiều kiều bào từ Mỹ, châu Mỹ, Thái Lan về quê hương đón Tết.

Vì thế, điều bạn và tất cả chúng ta cần làm bây giờ là nắm rõ được những kiến thức cơ bản liên quan đến loại virus khủng khiếp này!

Virus Zika là gì?

Tin tức trên Thông tấn xã Việt Nam, Virus Zika là một loại virus gây bệnh do muỗi lây truyền, giống virus sốt xuất huyết dengue, sốt vàng da và sốt tây sông Nile.

Mặc dù đã được phát hiện trong rừng rậm Zika ở Uganda từ năm 1947, cũng như là một loại virus thường gặp ở châu Phi và châu Á, nhưng virus Zika chỉ mới bắt đầu bùng phát tại khu vực bán cầu tây từ tháng 5 năm ngoái, khởi đầu là ở Brazil.

Virus lây truyền bằng cách nào?

Virus Zika chủ yếu lây truyền qua muỗi Aedes. Loài muỗi này có khả năng sinh sản trong những vũng nước chỉ nhỏ bằng nắp chai, và thường đốt người vào ban ngày. Trong đó, muỗi Aedes aegypti, loại muỗi truyền bệnh sốt vàng da là nguyên nhân gây ra đa số các ca mắc Zika. Muỗi vằn châu Á Aedes albopictus cũng là một loài có khả năng mang virus Zika.

Mặc dù bệnh nhân nhiễm virus Zika chủ yếu là do bị muỗi đốt, nhưng cũng đã có báo cáo về một trường hợp mắc bệnh do truyền máu có nhiễm virus và một trường hợp do quan hệ tình dục - virus được tìm thấy trong tinh dịch.

Tác hại ghê gớm của virus Zika

Tờ Thanh niên cho hay, Virus Zika đã bùng phát với tốc độ cao ra 22 nước thuộc khu vực châu Mỹ. Trong đó, Brazil và El Salvador là những nơi chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch này.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế gây ảnh hưởng đến não của virus Zika. Giả thuyết Zika gây ra bệnh đầu nhỏ (microcephaly) với biểu hiện là đầu nhỏ hơn bình thường và não bị tổn thương đã nổi lên vào tháng 10 năm ngoái, khi các bác sỹ ở Brazil phát hiện số lượng trẻ em mắc bệnh này tăng bất thường.

Ảnh minh họa. Internet.

Cũng có thể những trẻ mắc bệnh đã đồng thời nhiễm những virus khác ngoài Zika và loại virus này không phải nguyên nhân gây bệnh chính . Tuy nhiên những bằng chứng có đư ợc đến thời điểm này phủ nhận nhận định này.

Con số trẻ em mắc bệnh đầu nhỏ từ khi dịch Zika bùng phát tại Brazil cũng chưa rõ ràng. Mỗi năm có khoảng 3 triệu em bé được sinh ra ở Brazil, và có khoảng 150 trẻ bị bệnh đầu nhỏ. Chính phủ Brazil cho biết hiện nước này đang có tới 4.000 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh đầu nhỏ.

Sự kết nối giữa Zika và chứng teo não chưa được xác định chắc chắn, nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết họ có bằng chứng mạnh mẽ khẳng định Zika có thể gây teo não.

Tại Brazil, cơ quan chức năng đã ghi nhận hơn 3.700 ca nhiễm hoặc nghi bị teo não từ tháng 10.2015 đến nay, so với chỉ 150 ca trong toàn bộ năm 2014. Việc này khiến chính phủ Brazil phải khuyến cáo phụ nữ nước này không nên mang thai. Tương tự, chính phủ El Salvador cũng đề nghị người dân dời kế hoạch sinh sản đến năm 2018, theo Reuters ngày 1.2.

Dấu hiệu nhận biết

Theo báo VnExpress, hầu hết mọi người không biết mình đang nhiễm bệnh, do virus Zika rất khó để nhận biết. 80% phụ nữ mang thai mắc bệnh không biết mình đang nhiễm virus, theo ông David Colombo, Giám đốc bộ phận y học bào thai thuộc Nhóm y tế Sức khỏe Spectrum (Mỹ).

Các triệu chứng khi mắc bệnh gồm sốt, phát ban, viêm kết mạc (mắt đỏ) hoặc hiện tượng nhức đầu, đau cơ. Các triệu chứng này kéo dài trong một tuần. Nếu bạn có những biểu hiện bệnh này sau khi tiếp xúc với khu vực bùng phát virus thì nên đến gặp bác sĩ và thực hiện xét nghiệm.

Trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc với vùng dịch, người nhiễm virus có những dấu hiệu như sốt, mắt đỏ, phát ban hoặc đau nhức cơ.

Đối phó với virus Zika như thế nào?

Ảnh minh họa. Internet.

Được biết, hiện nay, không có thuốc tiêm chủng đề phòng ngừa hoặc điều trị cho virus Zika. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang từng bước phát triển một loại văcxin. Tuy nhiên loại văcxin phòng bệnh sẽ chưa thể được hoàn thiện trong năm nay.

Theo đó, ngành y tế khuyến cáo người dân nếu không có việc cần kíp thì nên hạn chế đi du lịch ở những vùng đang có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị chức năng cần kiểm tra tính nhạy cảm với hóa chất của muỗi Ades aegypty, vec tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, đồng thời cũng là vật trung gian truyền bệnh do virus Zika. Nguyên nhân là do thời điểm này, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn lan rộng ở khu vực phía Nam, trong khi mọi năm loài muỗi này rất khó sống được trong điều kiện thời tiết lạnh.

Hiện tại, WHO không khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại để ngăn chặn sự lây lan của virus Zika. Cách hiệu quả nhất để phòng chống bệnh do virus Zika trong thời điểm này là khống chế quần thể muỗi và ngăn ngừa bị muỗi đốt cho người dân tại các khu vực có nguy cơ, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai.

PHƯƠNG HÀ (Tổng hợp)

Xem thêm video:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/nhung-dieu-can-biet-ve-loai-virus-mang-ten-zika-a131804.html