Những điều cần nhớ để chụp ảnh chân dung 'sống ảo' hút triệu like

Dưới đây là một số lưu ý khi chụp ảnh chân dung với Portrait mode cực 'thần sầu' mà bạn có thể áp dụng trên điện thoại để có bức ảnh chân dung chất nghệ không thua gì chụp bằng DSLR.

Đối với nhu cầu chụp ảnh cá nhân thì selfie có lẽ đã khá đủ dùng vì bạn có thể thoải mái căn góc và lựa chọn được tấm ảnh ưng ý trong hàng tá kiểu chụp. Nhưng nếu thi thoảng bạn "bị" nhờ chụp ảnh hộ thì sao? Một số lưu ý chụp ảnh chân dung đơn giản dưới đây có thể giúp bạn và người được chụp tránh khỏi nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Portrait mode là gì

Portrait mode hiểu đơn giản là chế độ chụp chân dung trên một số dòng smartphone. Bạn có thể dễ dàng nhận ra thiết bị nào hỗ trợ tính năng này dựa vào số ống kính camera của nó - thường thì, những smartphone sở hữu camera có 2 ống kính trở lên sẽ có Portrait mode. Ví dụ gần nhất đối với các dòng điện thoại iOS là iPhone 7 Plus, iPhone 8 Plus, X, XS, XR, XS Max, 11, 11 Pro, với Android là Samsung Galaxy S9 Plus, Samsung Galaxy A9, Samsung Galaxy Note 8, Samsung Galaxy Note 9…

Cụ thể hơn, tính năng Portrait mode cho phép bạn chụp một bức chân dung xóa phông, tạo hiệu ứng y như chụp bằng các ống kính chuyên dụng của máy ảnh DSLR. Có điều, trong khi ống kính của DSLR và một số dòng máy ảnh thực sự xóa phông bằng hiệu ứng quang học, thì hiệu ứng xóa phông của các dòng smartphone hiện nay được thực hiện bằng thuật toán, nên nó vẫn sẽ không thể hoàn hảo như chụp bằng máy ảnh được.

Một lỗi thường xảy ra với việc xóa phông bằng thuật toán trên điện thoại là sự "giả trân" khi một phần nền không được xóa hẳn

Một lỗi thường xảy ra với việc xóa phông bằng thuật toán trên điện thoại là sự "giả trân" khi một phần nền không được xóa hẳn

Tất nhiên, sự tiện lợi của một chiếc điện thoại vẫn đủ khả năng giúp bạn "chín bỏ làm mười" trong đa số các trường hợp.

Một số lưu ý khi chụp chân dung với Portrait mode

Có 3 điều chủ yếu mà bạn cần nhớ để có được bức ảnh chụp chân dung bằng điện thoại thành công, đó là: ánh sáng, bố cục và tạo dáng.

Ánh sáng

Nếu bạn chụp ngoài trời, hãy cố gắng tránh ánh nắng trực diện từ mặt trời, đặc biệt là vào buổi trưa vì ánh nắng gắt có thể tạo ra những đường nét rất cứng trên khuôn mặt, cũng như khiến bạn bị nheo mắt. Lý tưởng là hãy chụp vào khoảng thời điểm giờ vàng, với ánh nắng hơi xiên. Nếu bị giới hạn về thời gian, bạn cũng có thể chụp dưới bóng râm, lưu ý nên chọn các bóng râm kín, không phải dưới tán cây - nơi ánh sáng có thể rọi thành những điểm sáng tối lẫn lộn trên khuôn mặt. Ngoài ra, hãy tránh chụp ngược nắng trừ phi bạn muốn chụp bóng vì chủ thể của bạn sẽ bị tối hoặc hậu cảnh sẽ quá sáng, khiến bức ảnh mất cân bằng.

Điều kiện ánh sáng lý tưởng sẽ góp phần vào một bức chân dung thành công

Nếu chụp ảnh vào một ngày trời râm, có mây nhẹ thì bạn khá may mắn vì ánh sáng mặt trời đã được làm dịu bớt, khiến đường nét trên khuôn mặt hiện lên mềm mại hơn nhiều.

Những nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho ánh sáng mặt trời mà còn cho bất kỳ nguồn sáng nhân tạo nào. Lưu ý là những nguồn sáng có độ tản cao như từ tản sáng, đèn vòng… sẽ cho đường nét tự nhiên hơn những luồng sáng gắt và có độ tản thấp. Ánh sáng nhân tạo lý tưởng nhất tất nhiên là ánh sáng studio.

Tất nhiên, sẽ có những ngoại lệ phụ thuộc vào yếu tố sáng tạo, nhưng nếu bạn chỉ cần một bức ảnh chân dung bình thường thì những lời khuyên này sẽ không hề thừa.

Bố cục

Điểm hay ho ở Portrait mode là hiệu ứng xóa phông, vì thế bạn sẽ cần đặt chủ thể ở vị trí cách xa phông nền đằng sau. Nếu ngay đằng sau người được chụp là một bức tường thì bạn sẽ chẳng thấy có điều gì khác biệt với cách chụp thông thường. Lưu ý: Chủ thể ở càng gần camera, phông nền ở càng xa, thì hiệu ứng xóa phông càng rõ nét.

Cách bố trí phông nền cũng có thể tạo ra nhiều khác biệt

Đối với phông nền nói riêng, bạn sẽ cần chọn các phông nền có chi tiết đồng đều, nhạt nhòa, không nổi bật, để tránh chúng "chiếm spotlight" của chủ thể. Những phông nền lý tưởng dạng này là bầu trời, đồng cỏ, tán cây kín… và tối kỵ là có người đứng sau.

Đối với bố cục cho chủ thể, bạn có thể tham khảo nhiều bố cục phổ biến như bố cục 1/3, bố cục cân xứng… Tuy nhiên hãy luôn nhớ rằng người được chụp là nhân vật chính của bức ảnh, mọi yếu tố xung quanh chỉ đóng góp vai trò tôn lên khuôn mặt và thần thái của chủ thể, nếu có gì gây rối mắt hoặc phân tán sự tập trung khỏi chủ thể, hãy loại bỏ chúng khỏi khung hình. Ngoài ra, những điều tối kỵ không được mắc phải là:

- Để đường chân trời, cây cối hoặc đường kẻ ngang, kẻ dọc… cắt ngang qua đầu hoặc cổ của chủ thể;

- "Cắt" mất vai, một phần khuôn mặt, tai, bàn tay của chủ thể;

- Nhân vật chính hướng đầu hoặc nhìn về góc hẹp trong bố cục 1/3 - tạo cảm giác tù túng, chật chội;

- Chụp chính diện và chủ thể nhìn thẳng, đối diện với camera nếu bạn không muốn bức ảnh trông giống ảnh thẻ;

Nên tránh để đường chân trời cắt qua đầu hoặc cổ chủ thể

Quan trọng nhất vẫn là thần thái!

Những điều trên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nhân vật chính hoặc người xem cảm thấy không bật lên được vẻ đẹp và thần thái của người được chụp. Vì vậy, quan trọng là chủ thể cần phải biết tạo dáng, cũng như người chụp phải biết chọn khoảnh khắc và góc đẹp nhất của họ.

Ngoài ra, người được chụp cũng cần có tâm thế thoải mái, tự tin để có thể thỏa sức "thả dáng", "diễn sâu" trước ống kính. Cũng đừng quên tận dụng phụ kiện, makeup, "đạo cụ" để có thể sống ảo thật chuẩn nhé!

Cuối cùng, hãy bỏ chút thời gian "nghiên cứu" thêm các kỹ thuật chụp ảnh, thử nghiệm ống kính wide hoặc tele nếu máy cho phép và cả các app chỉnh sửa ảnh xịn xò nhé.

Chúc bạn có những bức ảnh xóa phông đẹp đến mức hội chị em phải mắt tròn, mắt dẹt!

Nguồn ảnh: Internet

Long98

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nhung-dieu-can-nho-de-chup-anh-chan-dung-song-ao-hut-trieu-like-22020289028883.htm